Đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chế xuất
Theo báo cáo của UBND tỉnh, hiện toàn tỉnh có gần 400 doanh nghiệp FDI thực hiện đầu tư với tổng mức đầu tư trên 5 tỷ USD, trong đó có 300 doanh nghiệp FDI đang hoạt động trong các khu công nghiệp, tỷ lệ doanh nghiệp chế xuất chiếm 24%.
Doanh nghiệp chế xuất không chỉ có vai trò thúc đẩy tăng kim ngạch xuất khẩu của địa phương, tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia mà còn góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm, tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp trong nước tham gia sản xuất hàng xuất khẩu thông qua việc cung cấp các nguyên vật liệu, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp chế xuất xuất khẩu.
Theo quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, các dự án mới thành lập hoạt động theo hình thức doanh nghiệp chế xuất khi thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư thời gian có thể kéo dài do phải chờ ý kiến của cơ quan Hải quan về khả năng đáp ứng điều kiện kiểm tra. Khoản 1 Điều 30 Nghị định 82 quy định: “Khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất được áp dụng quy định đối với khu vực hải quan riêng, khu phi thuế quan trừ các quy định riêng áp dụng đối với khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu. Doanh nghiệp chế xuất được quy định trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc trong văn bản của cơ quan đăng ký đầu tư có thẩm quyền trong trường hợp không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Cơ quan đăng ký đầu tư có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan hải quan có thẩm quyền về khả năng đáp ứng điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan trước khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc xác nhận bằng văn bản cho nhà đầu tư”.
Áp dụng Khoản 1, Điều 30, Nghị định 82, đối với các dự án đề nghị đầu tư vào địa bàn tỉnh đăng ký doanh nghiệp chế xuất, cơ quan đăng ký đầu tư của tỉnh đã thực hiện thủ tục xin ý kiến Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc trước khi cấp phép. Việc xin ý kiến đã phát sinh vướng mắc từ việc cho ý kiến của cơ quan hải quan, chủ yếu về điều kiện kinh doanh miễn thuế, kiểm tra, giám sát và khả năng đáp ứng tiêu chí chế xuất doanh nghiệp dẫn đến khó khăn, vướng mắc cho cơ quan đăng ký đầu tư ghi nhận doanh nghiệp chế xuất trên giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật này.
Đồng hành cùng các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp chế xuất nói riêng vượt khó, cùng với ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu năm 2019, lãnh đạo tỉnh đã chủ động tổ chức nhiều buổi đối thoại trực tiếp với các nhà đầu tư, doanh nghiệp cùng các cơ quan có liên quan để trao đổi, tháo gỡ và thống nhất hướng giải quyết liên quan đến doanh nghiệp chế xuất. Song song với đó, UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị, đề xuất Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin ý kiến giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến doanh nghiệp chế xuất.
Ngày 20/4/2020, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị hỗ trợ, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện Nghị định 82 của Chính phủ về doanh nghiệp chế xuất. Đến ngày 9/6/2020, Tổng cục Hải quan có văn bản số 3778 hướng dẫn về điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan khi thành lập doanh nghiệp chế xuất. Theo đó, khi nhận được văn bản lấy ý kiến của cơ quan đăng ký đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Nghị định số 82 thì Chi cục Hải quan quản lý địa bàn nơi nhà đầu tư đề nghị thành lập doanh nghiệp chế xuất thực hiện việc kiểm tra các nội dung để xác nhận khả năng đáp ứng điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan gồm: Tường rào cứng bao quanh, ngăn cách với khu vực bên ngoài; hệ thống camera giám sát hiển thị rõ hình ảnh hàng hóa đi vào, đi ra doanh nghiệp; hình ảnh quan sát được vào tất cả các thời điểm trong ngày (24/24) và dữ liệu về hình ảnh camera được lưu giữ tại doanh nghiệp tối thiểu 12 tháng; hệ thống camera được kết nối trực tiếp với cơ quan hải quản quản lý; hệ thống quản lý nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu có thể kết xuất được số liệu nhập – xuất – tồn nguyên liệu, vật tư và sản phẩm để báo cáo quyết toán tình hình sử dụng với cơ quan hải quan.
Còn tại hội nghị buổi làm việc với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh có khó khăn, vướng mắc trong việc thành lập doanh nghiệp chế xuất chiều 11/6 vừa qua, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Duy Thành nhấn mạnh, đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp đã có sẵn nhà xưởng hoặc thuê nhà xưởng bảo đảm các tiêu chí cổng, cửa ra vào, lắp đặt hệ thống camera giám sát có thể xem xét cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chế xuất. Các doanh nghiệp đã được cấp phép doanh nghiệp chế xuất nhưng vẫn áp dụng theo doanh nghiệp thông thường, cần gửi hồ sơ lên Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cùng với Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc để thực hiện kiểm tra, giám sát, nếu đủ điều kiện sẽ được hưởng ưu đãi của doanh nghiệp chế xuất. Các doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm 4 điều kiện theo Công văn 3778 của Tổng Cục Hải quan để tránh những vấn đề phát sinh.
Các tin khác:
- Tập huấn nâng cao nghiệp vụ xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp
- Đoàn doanh nghiệp Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc) và các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội dòng họ Trang, dòng họ Nghiêm tìm hiểu đầu tư tại Vĩnh Phúc
- UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Công ty TNHH iMarket Việt Nam ký Bản ghi nhớ về nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu đầu tư dự án hạ tầng KCN và sân Golf tại Vĩnh Phúc
- UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn Vingroup sẽ ký kết hợp tác toàn diện Xúc tiến, thu hút đầu tư, liên kết hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023