Đồng hành, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chế xuất phát triển
Đến nay, Vĩnh Phúc thu hút được gần 450 dự án FDI, tổng vốn đầu tư trên 5 tỷ USD, trong đó có 300 dự án đầu tư trong các khu các nghiệp, tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động theo loại hình doanh nghiệp chế xuất là 24% và chủ yếu là doanh nghiệp Hàn Quốc.
Theo đánh giá của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, những năm qua, các doanh nghiệp chế xuất luôn tuân thủ tốt các quy định của pháp luật Việt Nam, hoạt động ổn định và phát triển, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết việc làm việc cho hàng ngàn lao động, tăng thu ngân sách, nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu.
Giải đáp các câu hỏi của các doanh nghiệp chế xuất Hàn Quốc tại hội nghị xúc tiến đầu tư “Vĩnh Phúc – điểm đến đầu tư tiềm năng và an toàn” tổ chức ngày 15/11/2020, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành cho rằng, các doanh nghiệp chế xuất không chỉ có vai trò thúc đẩy tăng kim ngạch xuất khẩu của địa phương, tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia mà còn góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm, tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp trong nước tham gia sản xuất hàng xuất khẩu thông qua việc cung cấp các nguyên vật liệu, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp chế xuất.
Đồng hành cùng các doanh nghiệp, năm 2019, Vĩnh Phúc đã tổ chức nhiều buổi đối thoại trực tiếp với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp chế xuất. Trước những vướng mắc tại Nghị định số 82 của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, các dự án mới thành lập hoạt động theo hình thức doanh nghiệp chế xuất, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Hải quan để tháo gỡ khó khăn, thống nhất hướng giải quyết liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp chế xuất. Đặc biệt, Vĩnh Phúc cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chế xuất và trong quá trình thành lập doanh nghiệp, các doanh nghiệp chế xuất không cần bất kỳ chi phí nào. Đối với những doanh nghiệp đã được cấp phép doanh nghiệp chế xuất nhưng vẫn áp dụng theo doanh nghiệp thông thường cần gửi hồ sơ lên Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc để thực hiện kiểm tra, giám sát, nếu đủ điều kiện sẽ được hưởng ưu đãi của doanh nghiệp chế xuất.
Với quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đạt mục tiêu 3 tốt, gồm: Môi trường pháp lý tốt và toàn diện, hạ tầng kỹ thuật tốt và phục vụ doanh nghiệp tốt, Vĩnh Phúc cam kết sẽ tạo lập môi trường đầu tư tốt nhất cho các doanh nghiệp bằng việc áp dụng đầy đủ các chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất theo quy định thống nhất của quốc gia; triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư riêng của tỉnh. Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi cho nghiệp tiếp cận đất đai, giải quyết tốt những vấn đề về lao động cho doanh nghiệp; bảo đảm hạ tầng tới chân hàng rào khu, cụm công nghiệp, khu du lịch và các điều kiện đầu vào thiết yếu cho sản xuất kinh doanh; giải quyết nhanh các thủ tục hành chính về đầu tư; công khai minh bạch quy trình thủ tục đầu tư, quy hoạch xây dựng và đất đai, quy hoạch ngành, lĩnh vực trên hệ thống thông tin điện tử; giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật.
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh