Đòn bẩy giúp doanh nghiệp phát triển
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ- CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp giai đoạn từ 2016 – 2020. Mục tiêu được Nghị quyết đề ra đó là phấn đấu đến năm 2020, xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Nghị quyết đã được người dân, nhất là cộng đồng doanh nghiệp đón nhận và đánh giá cao.
Để sớm đưa Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ đi vào cuộc sống, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có điều kiện phát triển sản xuất, cải tiến thiết bị, máy móc, kỹ thuật, mở rộng quy mô, thị trường, thời gian qua, tỉnh ta có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; minh bạch và đơn giản hóa các thủ tục hành chính; giúp các doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi, tích cực giải phóng mặt bằng để thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp vào hoạt động. Đây được coi là những động thái tích cực, tác động trực tiếp đến hoạt động của các cơ quan công quyền và nhận được những tín hiệu khả quan từ phía các doanh nghiệp.
Hoạt động trong lĩnh vực may mặc, Công ty TNHH Midori Apparel Việt Nam (KCN Khai Quang – Vĩnh Yên) hiện đang tạo việc làm cho trên 600 lao động với mức lương bình quân đạt 3,8 triệu đồng/người/tháng. Với hình thức đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, Midori Apparel Việt Nam là một trong số rất nhiều doanh nghiệp 100% vốn Nhật Bản đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đạt được hiệu quả kinh doanh tốt, sản lượng tiêu thụ sản phẩm năm sau luôn cao hơn năm trước. Đặc biệt, ban lãnh đạo công ty có những đánh giá cao và ghi nhận nỗ lực của chính quyền sở tại trong việc thu hút đầu tư, tạo điểu kiện cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế phát triển ổn định.
Ông Eisaku Otake, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Midori Apparel Việt Nam cho biết: Trên cơ sở quan hệ bình đẳng, tôn trọng và hợp tác, chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển. Đặc biệt là việc thực thi Nghị quyết số 35/NQ – CP của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp giai đoạn từ 2016 – 2020 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nhằm xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển . Các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá Vĩnh Phúc có môi trường đầu tư lý tưởng, đảm bảo cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đúng pháp luật; tạo sự bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau khi đầu tư vào địa bàn. Chúng tôi rất yên tâm và đánh giá cao việc không ngừng nỗ lực cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh của Vĩnh Phúc. Trong tương lai, sẽ ngày càng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục đầu tư vào Vĩnh Phúc nói riêng và Việt Nam nói chung khi nhận thấy những tín hiệu thu hút đầu tư tích cực và môi trường đầu tư thân thiện.
Là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây lắp Hạ tầng Đăng Khoa có trụ sở tại đường Nguyễn Tất Thành, Phường Khai Quang (thành phố Vĩnh Yên) cũng là một trong những doanh nghiệp hiện đang rất quan tâm tới việc thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh. Ông Phan Thế Thìn, Giám đốc Công ty chia sẻ: “Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 35 thì điều mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ như chúng tôi quan tâm nhất đó chính là việc tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi và việc giảm tải thủ tục hành chính trong vay vốn”.
Thực tế, để vay được vốn ngân hàng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn khi tiếp cận với các dòng vốn tín dụng từ các ngân hàng. Doanh nghiệp phải mất một khoảng thời gian khá dài từ khi làm hồ sơ đến khi được ngân hàng đồng ý giải ngân cho khoản vay tín chấp, với đủ các loại thủ tục giấy tờ bắt buộc như: Bảo hiểm thân thể, bảo hiểm tài sản của công ty, tài sản đảm bảo hay việc chứng minh khả năng trả nợ…Trong khi đó, lãi suất vay vẫn còn là gánh nặng đối với các doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, không phải doanh nghiệp nào cũng có tài sản đảm bảo; trong trường hợp có tài sản đảm bảo thì việc định giá của ngân hàng thường thấp hơn giá trị tài sản đảm bảo đó. Do vậy, trong trường hợp doanh nghiệp có tài sản đảm bảo để vay thì lượng vốn được ngân hàng cho vay cũng không cao. Như vậy, doanh nghiệp sẽ không có đủ điều kiện để đầu tư dài hạn cho tương lai trong việc đổi mới trang thiết bị, nâng cấp công nghệ, thay thế các sản phẩm đã lỗi thời….
Trước thực tế này, Nghị quyết 35 của Chính phủ được ban hành với một loạt những quy định mở hơn trong việc chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện một số giải pháp nhằm tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa như: Việc đơn giản hóa thủ tục vay vốn, xây dựng các chương trình vay vốn với mức lãi suất hợp lý hơn,… Việc tạo điều kiện để doanh nghiệp vay vốn theo Nghị quyết 35 của Chính phủ không chỉ là điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, đây còn là cơ hội để các ngân hàng gia tăng lợi nhuận trong tương lai, qua đó thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh