Đối thoại tháo gỡ khó khăn về chính sách để doanh nghiệp vượt qua tác động do dịch bệnh Covid-19
Sáng 18/3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn về chính sách để doanh nghiệp vượt qua tác động do dịch bệnh Covid-19.
Dự hội nghị có các đồng chí: Vũ Chí Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; đại diện một số bộ, ngành; các sở, ban, ngành, huyện, thành phố của tỉnh Vĩnh Phúc và một số tỉnh lân cận cùng gần 100 doanh nghiệp.
Đại dịch Covid-19 bùng phát trên quy mô toàn cầu từ cuối tháng 1/2020 đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam. Để khắc phục hậu quả do dịch bệnh, hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp, nhiều chính sách đã được Chính phủ triển khai với các gói hỗ trợ lớn như chính sách cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng với quy mô 250 nghìn tỷ đồng; chính sách hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng; chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất với quy mô 180 nghìn tỷ đồng và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động 16 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, việc tiếp cận và tận dụng hiệu quả các chính sách này vẫn là một khó khăn lớn đối với đa phần các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Đối thoại “Tháo gỡ khó khăn về chính sách để doanh nghiệp vượt qua tác động do dịch bệnh Covid-19” là diễn đàn trao đổi giữa lãnh đạo chính quyền địa phương với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ vướng mắc trong quá trình tiếp cận các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm đã thực hiện, qua đó, tăng cường sự tương tác giữa chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc và các tỉnh thành khu vực phía Bắc.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang nhấn mạnh, đối thoại “Tháo gỡ khó khăn về chính sách để doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19″ có ý nghĩa quan trọng, là diễn đàn mở để Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, lãnh đạo, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu hỗ trợ và đáp ứng tốt hơn yêu cầu của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ đó, xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, an toàn, hấp dẫn, thật sự là nơi để doanh nghiệp đặt niềm tin và kỳ vọng phát triển.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, cùng với công tác phòng chống dịch, Vĩnh Phúc đã triển khai kịp thời, hiệu quả các cơ chế, chính sách của Chính phủ về hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn. Tỉnh tổ chức nhiều hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, làm việc với các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, doanh nhân nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh với tinh thần chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp. Trong năm 2020, tỉnh đã giảm lãi suất cho vay với 523 doanh nghiệp; miễn, giảm lãi vay cho 203 doanh nghiệp; cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 68 doanh nghiệp; gia hạn nộp thuế cho 805 doanh nghiệp; gia hạn tiền thuê đất cho 287 doanh nghiệp. Cùng với đó, tỉnh giải quyết thủ tục nhập cảnh cho 1.346 chuyên gia và người lao động vào làm việc tại 329 doanh nghiệp trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang phát biểu khai mạc hội nghị
Tại đối thoại này, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thông tin kết quả khảo sát doanh nghiệp toàn quốc về tác động do dịch bệnh Covid-19; Ngân hàng nhà nước Việt Nam và Hội Tư vấn thuế đưa ra các giải pháp về tín dụng, lãi suất và chính sách thuế nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ những giải pháp hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp nói chung, giải pháp hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội nói riêng.
Trao đổi về thực trạng tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với doanh nghiệp ảnh hưởng đại dịch Covid – 19, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc – bà Phạm Thị Hồng Thủy cho biết, mặc dù có nhiều biện pháp hỗ trợ tài chính và tín dụng song sự hỗ trợ đó vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp vẫn chịu mức lãi suất cao, thời gian cơ cấu trả nợ ngắn, các gói vay mới có nhiều điều kiện khó tiếp cận. Hoạt động xuất nhập cảnh và thương mại vẫn rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Vĩnh Phúc là địa phương đầu tiên có dịch Covid-19, trong khi đó, hệ thống các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lại ra sau và có hiệu lực sau khi tỉnh Vĩnh Phúc hết dịch. Do vậy, các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng khó tiếp cận chính sách hơn các doanh nghiệp ở địa phương khác.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành điều chỉnh cơ chế, chính sách thuộc một số lĩnh vực: Ngân hàng, tín dụng, thuế, phí và thương mại; đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ, mức hỗ trợ đề nghị 30% giá trị công nghệ; hỗ trợ thông tin, tư vấn pháp lý, tiếp cận hệ thống tín dụng, thương mại, đổi mới, cải cách điều kiện tiếp cận vốn vay ngân hàng và chuyển đổi số cho các doanh nghiệp từ nguồn ngân sách của tỉnh.
Các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp phát biểu tại buổi đối thoại
Phát biểu trao đổi tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp cho rằng các gói hỗ trợ vẫn ở mức khiêm tốn, doanh nghiệp còn khó tiếp cận với các nguồn hỗ trợ. Các doanh nghiệp mong muốn hạn chế tối đa các hoạt động thanh, kiểm tra để tập trung phục hồi sản xuất kinh doanh; cắt giảm bớt các thủ tục, tiêu chí quy định trong hoạt động xuất khẩu; đề xuất sửa đổi Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính.
Phát biểu kết luận buổi đối thoại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang nhấn mạnh, với quan điểm luôn đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ thực hiện tốt nhất các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng chí Vũ Chí Giang đề nghị các ngành tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trên tinh thần chia sẻ bằng những giải pháp thiết thực như ngân hàng cần quyết liệt hơn trong hỗ trợ lãi suất; giảm bớt thủ tục trình tự hành chính – nút thắt gây khó cho doanh nghiệp trong thời điểm này; giải quyết vấn đề đất đai, giải phóng mặt bằng; lãnh đạo các ngành, địa phương quan tâm hỗ trợ để giải phóng các nguồn lực, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch.
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh