Thứ Ba, 27/02/2024 9:08:00 (GMT+7)

Đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư vào tỉnh

Bước vào giai đoạn phát triển mới, mở ra cơ hội cho tất cả các địa phương trên cả nước cùng phát triển. Nhiều lợi thế so sánh trong giai đoạn trước đây của tỉnh nay đã bị thu hẹp trong bối cảnh các địa phương trong vùng và lân cận có điều kiện phát triển tương đồng vươn lên mạnh mẽ. Để tiếp tục có bước phát triển đột phá vươn lên, đòi hỏi tỉnh Vĩnh Phúc cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, trong đó có nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, đón thêm những nguồn lực mới để thúc đẩy sự phát triển của tỉnh.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư vào tỉnh

Các dự án đầu tư FDI đã đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh

Những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đó, tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính; rà soát, bổ sung các quy hoạch có chất lượng, tầm nhìn dài hạn; huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng tại các địa phương, các khu công nghiệp và hạ tầng các khu du lịch. Nâng cao chất lượng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định, ban hành các cơ chế, chính sách, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, nhằm tạo đột phá trong thu hút đầu tư vào tỉnh.

Nhờ đó, đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 1.400 dự án, trong đó có 478 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 8,17 tỷ USD và 844 dự án DDI với tổng vốn đầu tư hơn 146.700 tỷ đồng. Riêng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh thu hút thêm hơn 120 triệu USD vốn FDI đạt hơn 30% kế hoạch năm và hơn 1.280 tỷ đồng vốn DDI bằng 128% kế hoạch cả năm 2024. Trong số đó có các dự án lớn của các tập đoàn đa quốc gia như: Honda, Toyota, Piaggio… Đây là các nhà đầu tư có đóng góp lớn trong bức tranh kinh tế của tỉnh hiện nay.

Mặc dù kết quả thu hút vốn đầu tư hằng năm đều vượt cao so với mục tiêu, nhưng tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện so với vốn đăng ký còn thấp; thu hút đầu tư vào tỉnh chưa đạt như kỳ vọng, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Số lượng dự án FDI đầu tư vào tỉnh trong thời gian gần đây có gia tăng nhưng chưa nhiều, số dự án có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ phụ trợ còn ít. Mặt khác, các doanh nghiệp trong nước còn yếu về năng lực; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm số lượng lớn, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực bất động sản, dịch vụ, thương mại. Trong 10 năm qua, số lượng các nhà đầu tư chiến lược hiện diện tại tỉnh Vĩnh Phúc không nhiều so với một số tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Hồng và Vùng Thủ đô Hà Nội như Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương và chưa tương xứng với tiềm năng hiện có của tỉnh. 

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục nghiên cứu, đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, đa dạng các hình thức xúc tiến đầu tư, chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ. Cụ thể, đẩy mạnh các hình thức tìm kiếm, chọn lọc các nhà đầu tư, doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư thuộc các lĩnh vực đang ưu tiên thu hút để tiếp cận trực tiếp giới thiệu, quảng bá các dự án, lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Tổ chức các hoạt động vận động xúc tiến đầu tư trong nước và ở nước ngoài, chủ động xúc tiến đầu tư có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm, gắn với định hướng thu hút đầu tư; ưu tiên các dự án quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thân thiện với môi trường. Tập trung thu hút các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty lớn trong nước có uy tín, có năng lực tài chính vào đầu tư tại tỉnh.

Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam – Nhật Bản tổ chức tháng 3 năm 2023 tại Vĩnh Phúc

Triển khai mô hình hợp tác “ba nhà” (nhà quản lý – nhà đầu tư – nhà tư vấn) nhất là trong việc cung cấp dịch vụ tư vấn về cơ chế, chính sách, pháp lý, nghiệp vụ về kinh doanh, quản lý đầu tư, phát triển thị trường đối với các lĩnh vực đầu tư, tỉnh chủ động tiếp xúc với các đại sứ quán, thương vụ của nước ngoài ở Việt Nam nơi có nhà đầu tư chiến lược đặt trụ sở chính. Đẩy mạnh hợp tác với các hiệp hội, phòng thương mại nước ngoài ở Việt Nam, tổ chức xúc tiến thương mại quốc tế như: JETRO (Nhật Bản); KOTRA, KORCHAM (Hàn Quốc); Hiệp hội Xúc tiến thương mại Đài Loan; Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AMCHAM); Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu (EUROCHAM); Hiệp hội các Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK)…  để tiếp cận với các nhà đầu tư chiến lược. Chủ động thực hiện chiến lược truyền thông thương hiệu để xây dựng thương hiệu Vĩnh Phúc đối với các nhà đầu tư lớn trên thế giới.

Bên cạnh đó, để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác xúc tiến đầu tư, tỉnh đã tiến hành tổ chức sắp xếp lại, hợp nhất các đơn vị sự nghiệp có vai trò, chức năng xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp trực thuộc các cơ quan thành 1 trung tâm trực thuộc UBND tỉnh. Theo đó, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập trên cơ sở tổ chức lại 4 đơn vị sự nghiệp, gồm: Ban Giải phóng mặt bằng và Phát triển quỹ đất trực thuộc UBND tỉnh; Trung tâm Nghiên cứu xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Trung tâm Đối ngoại và Xúc tiến viện trợ thuộc Sở Ngoại vụ. Trung tâm là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh, thực hiện chức năng xúc tiến đầu tư, du lịch và tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

Với việc tích cực triển khai hiệu quả Đề án thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư tại tỉnh đến năm 2030 cũng như thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh trực thuộc UBND tỉnh, cùng quyết tâm của các sở, ban, ngành, địa phương với các giải pháp đồng bộ, cụ thể, kỳ vọng công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh sẽ sớm đạt được hiệu quả với nhiều dự án lớn, tác động tích cực đến kinh tế – xã hội của tỉnh.

Theo Khắc Trí - vinhphuc.gov.vn