Thứ Sáu, 08/12/2023 10:02:18 (GMT+7)

Doanh nghiệp vượt khó về đích sớm

Linh hoạt thay đổi chiến lược sản xuất, đa dạng hóa ngành nghề, tăng tỷ lệ nội địa hóa, đã giúp nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vượt khó về đích sớm kế hoạch. Thị trường được mở rộng, doanh thu, lợi nhuận tăng cao các doanh nghiệp đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội (KT – XH) của tỉnh, tạo đà cho những bước tiến mới.

Doanh nghiệp vượt khó về đích sớm

Linh hoạt trong chiến lược sản xuất kinh doanh, Công ty TNHH Optrontec Vina, KCN Bá Thiện 2 (Bình Xuyên) đã trở thành nhà cung cấp cho các công ty điện tử lớn của Huawei, Xiaomi, Oppo.

Những ngày này, không khí làm việc ở Công ty TNHH Optrontec Vina, KCN Bá Thiện 2 (Bình Xuyên) rất sôi nổi; gần 3.000 lao động ở 3 xưởng sản xuất hăng say làm việc để kịp giao hàng theo đúng tiến độ đã ký kết cho đối tác. Năm 2023, được đánh giá là năm thành công của công ty trong bối cảnh kinh tế nhiều khó khăn, thách thức.

Công ty TNHH Optrontec Vina được thành lập năm 2017 với nhân lực ban đầu 500 lao động, sau 1 năm hoạt động, lao động đã tăng lên 800 người và hiện nay lên gần 3.000 lao động.

Công ty đang là một trong những Vendor của Sam Sung và là nhà cung cấp linh kiện điện tử cho nhiều công ty lớn thuộc các hãng sản xuất điện thông minh như Huawei, Xiaomi, Oppo. Ngoài thị trường chính là Hàn Quốc, Trung Quốc với mảng điện tử, công ty cũng đang lấn sân sang thị trường linh kiện dành cho ô tô.

Ông Park IL Oung, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Optrontec Vina cho biết: Là doanh nghiệp với 100% vốn Hàn Quốc, chuyên sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử cho thiết bị di động và camera hành trình.

Thời gian qua, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, nhất là bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid -19, song, công ty vẫn duy trì ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động.

Để thích ứng với sự biến động của thị trường, công ty đã thực hiện chính sách đa dạng ngành nghề kinh doanh, ngoài sản phẩm chính là tấm lọc ánh sáng film filter dùng trong camera điện thoại, công ty đã áp dụng sản xuất lắp ráp nhiều linh kiện mới để tăng thêm đơn hàng và đa dạng nguồn hàng.

Công ty di chuyển các công đoạn từ Hàn Quốc, Trung Quốc về Việt Nam để tăng tỉ lệ nội địa hóa nhằm giảm tối đa chi phí. Nhờ đó, doanh thu của công ty ước tăng 33% so với cùng kỳ năm 2022.

Cùng với đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, công ty thường xuyên tổ chức hoạt động vui chơi giải trí chăm lo đời sống người lao động như hoạt động team building, rung chuông vàng, công nhân thanh lịch, mâm cỗ trung thu, thi gói bánh chưng; thăm hỏi gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn… giúp người lao động thêm gắn bó lâu dâì vì doanh nghiệp.

Chỉ sau hơn 2 tháng nhận giải đặc biệt tại cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023 với dự án “Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và phát triển sữa gạo lứt hữu cơ” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức, doanh số bán hàng của Công ty cổ phần thực phẩm Điện Biên (Phúc Yên) đã tăng mạnh, đột biến.

Bà Hoàng Thị Thùy Linh, Phó Tổng Giám đốc công ty cho biết: Trước đây, mỗi ngày công ty chỉ có 30 – 40 đơn hàng, sau khi nhận giải thưởng từ ngày 14/10/2023 đến nay, mỗi ngày công ty có thêm 200 đơn hàng mới. 11 tháng năm 2023, doanh thu của công ty đã vượt 15% kế hoạch năm và tăng 40% so với cùng kỳ năm 2022.

Nhằm cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm sữa gạo lứt hữu cơ an toàn, giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe, công ty đã lựa chọn vùng nguyên liệu sản xuất lúa và được trồng theo quy trình có kiểm soát đầu vào.

Đặc biệt, trong quá trình chế biến thì gạo không rang mà sản phẩm được chế biến dưới dạng chiết tách nano, vì vậy, hạt gạo vẫn giữ nguyên được những thành phần dinh dưỡng của lớp màng gạo. Từ đó, tạo ra các sản phẩm gạo lứt có chất lượng cao, và sự khác biệt trên thị trường. Hiện, công ty có 9 sản phẩm chế biến từ gạo lứt được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh.

Đồng hành cùng doanh nghiệp, UBND tỉnh luôn chỉ đạo sát sao các sở, ban, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp phép, thuế, hải quan; ứng dụng chuyển đổi số trong dịch vụ công, tạo thuận lợi, tiết kiệm chi phí, giảm thời gian đi lại cho doanh nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi; đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chỉnh phủ.

Sở Công thương phối hợp với các đơn vị hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường; triển khai chính sách kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm lượng hàng tồn kho; tổ chức hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại…

Nhờ vậy, từ quý III/2023, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khởi sắc trở lại, cả 3 chỉ số của ngành công nghiệp gồm chỉ số sản xuất, chỉ số tiêu thụ, chỉ số hàng tồn kho có sự chuyển dịch theo chiều hướng tích cực.

Cùng với đó, các ngành công nghiệp chủ lực như sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất ô tô… có mức tăng trưởng cao trở lại, góp phần tích cực cho sự tăng trưởng của ngành công nghiệp tinh, đưa tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 11 tháng năm 2023 ước đạt hơn 22.500 tỷ đồng.

vinhphuc.gov.vn