Doanh nghiệp Vĩnh Phúc chủ động hội nhập quốc tế
Để chuẩn bị cho tiến trình hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), thời điểm này, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động đầu tư cơ sở vật chất; chiến lược sản xuất kinh doanh… đón đầu các cơ hội đầu tư và xuất khẩu. Tuy nhiên, việc gia nhập AEC lần này, cơ hội đối với các doanh nghiệp đang đòi hỏi rất lớn. Chính vì vậy, khối doanh nghiệp phải có sự đổi mới tư duy; đổi mới công nghệ sản xuất; nâng cao chất lượng lao động; cơ cấu lại sản phẩm cho phù hợp thị trường và có chiến lược về maketing… để đón đầu tiến trình hội nhập.
Hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN là cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp mở rộng giao thương; thu hút đầu tư; đẩy mạnh xuất khẩu khi tiếp cận với các thị trường rộng lớn hơn. Tuy nhiên, việchội nhập cũng đồng nghĩa với việc thị trường Việt Nam phải mở cửa cho hàng hóa cạnh tranh của các nước khác tràn vào. Như vậy, đối với những doanhnghiệp có lợi thế xuất khẩu sẽ ngày càng lớn mạnh; trong khi với doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh yếu đối với hàng hóa nhập khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Công ty TNHH Song Tinh, phường Phúc Thắng (thị xã Phúc Yên) được thành lập vào năm 2003. Đây là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực môi trường công nghiệp tại Vĩnh Phúc với các hoạt động như: Vệ sinh công nghiệp; thu mua phế liệu công nghiệp; thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải công nghiệp; đúc kim loại từ phế liệu kim loại; xử lý tái chế phế liệu nhiễm dầu. Mặc dù thời gian đi vào hoạt động chưa lâu, song thương hiệu, uy tín của Công ty TNHH Song Tinh có tiếng trên cả nước. Doanh nghiệp đã đạt nhiều giải thưởng, danh hiệu như: Top 20 doanh nghiệp xuất sắc Châu Á – Thái Bình Dương; giải thưởng doanhnghiệp tiêu biểu ASEAN… Thời điểm này, đến thăm Công ty TNHH Song Tinh có thể dễ dàng nhận thấy: Song song với việc đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, Công ty đang tiến hành thi công một số công trình như: Mở rộng đường vào doanh nghiệp; nâng cấp khu vực xưởng sản xuất; nhà đa năng phục vụ việc hội họp…
Theo bà Mai Thị Hồng Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Song Tinh: Toàn bộ hạ tầng cơ sở vật chất, giao thông trên nhằm phục vụ việc hội nhập ASEAN trong thời gian tới. Tham quan công trình nhà đa năng vừa mới hoàn thành, càng nể phục nữ doanh nhân này bởi tầm nhìn, chiến lược của bà. Tại đây, từ phòng khách, phòng họp, phòng nghỉ, thư viện đọc sách đến chỗ ngồi cafe… đều được thiết kế tinh tế, sang trọng theo tiêu chuẩn 5 sao. Nội thất bài trí trong các phòng đều là hàng cao cấp, ngoại nhập với giá trị mỗi sản phẩm lên đến hàng trăm triệu đồng. Được biết, đây sẽ là nơi đón tiếp và làm việc với các đối tác nước ngoài sau hội nhập. Thời điểm này và trước đó, Công ty TNHH Song Tinh đã và đang “bắt tay” với các đối tác Nhật Bản ký kết một số hợp đồng xuất khẩu nhôm thô. Tất cả sự chuẩn bị chu đáo của Công ty TNHH Song Tinh cho thấy sự mạnh dạn, quyết đoán và tin tưởng vững chắc của của doanh nghiệp trước thềm hội nhập. Bà Nguyên chia sẻ những kỳ vọng của mình về việc hội nhập vào cộng đồng kinh tế ASEAN. Đây sẽ là thời cơ “Vàng” để Song Tinh vươn ra các thị trường mới có tiềm năng như Nhật Bản.
Cũng giống Công ty TNHH Song Tinh, thời điểm này, Công ty Cổ phần thương mại và Đầu tư công nghệ Thủ Đô (Vĩnh Yên) đã sẵn sàng mọi tâm thế để chuẩn bị hội nhập. Với ngành nghề: Sản xuất và chế biến dăm gỗ, từ năm 2011 đến nay, Công ty Cổ phần thương mại và Đầu tư công nghệ Thủ Đô đã xuất khẩu dăm gỗ sang thị trường Trung Quốc và Đài Loan. Năm 2014, sản lượng xuất khẩu ở công ty đạt 40 nghìn tấn/năm với doanh thu xấp xỉ 5 triệu USD. Riêng 6 tháng đầu năm 2015, công ty đã xuất khẩu trên 69 nghìn tấn/năm với doanh thu đạt gần 9 triệu USD. Với việc xuất khẩu mặt hàng dăm gỗ, công ty đã góp phần tăng nguồn thu ngoại tệ và tạo việc làm cho trên 30 lao động trực tiếp và hàng trăm lao động gián tiếp. Anh Nguyễn Văn Ngân, Giám đốc công ty cho biết: Các tỉnh miền Bắc Việt Nam rất dồi dào nguồn gỗ keo (thậm chí còn dư thừa khá nhiều). Hiện nay, đầu ra đối với gỗ keo rất khó khăn, chủ yếu phục vụ cho mặt hàng gỗ bóc và làm giấy. Sau tham khảo nhu cầu thị trường một số nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… tôi thấy họ rất quan tâm và cần mặt hàng này nên gần đây công ty thực hiện thu mua và sản xuất dăm gỗ keo xuất khẩu. Theo đó, công ty đã đầu tư xưởng sản xuất tại cảng Cầu Kiên (Hải Phòng) để thu mua gỗ cho người trồng rừng và xuất khẩu gỗ đã qua chế biến. Trước thềm hội nhập ASEAN, Công ty đã tuyển thêm một số cán bộ, nhân viên có trình độ, năng lực nhằm tăng cường công tác marketing; đầu tư thêm máy móc để giảm sức lao động, giảm giá thành sản phẩm, từ đó tăng nguồn thu cho doanh nghiệp; đầu tư thêm bến cảng để đón đầu cơ hội xuất khẩu ở những thị trường tiềm năng khác… Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư công nghệ Thủ Đô mong muốn các cơ quan chức năng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu; có sự quan tâm, ưu tiên nhất định về tài chính để doanh nghiệp hoạt động ổn định.
Trao đổi về vấn đề hội nhập trong thời gian tới, ông Phan Bá Sang, Chủ tịch hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh: Đối với các doanh nghiệp lớn (có vốn đầu tư nước ngoài) như: Honda; Toyota; Piagio… thì việc hội nhập với họ cơ bản thuận lợi và không ảnh hưởng nhiều. Nguyên nhân là họ đã có thị trường xuất khẩu ở các Châu lục, đồng thời họ luôn chủ động và có chiến lược sản xuất, kinh doanh vĩ mô. Với các doanh nghiệp trong nước, số doanh nghiệp có cơ hội hội nhập không nhiều. Nếu có, hầu hết sẽ tập trung vào các doanh nghiệp có thế mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản, du lịch, dịch vụ… Còn các lĩnh vực khác như: Xây lắp, vật liệu xây dựng… còn yếu kém, nên chưa có điều kiện vươn xa ra các nước trong khối ASEAN.
Nhấn mạnh về việc Việt Nam sẽ thực hiện xóa bỏ “hàng rào” thuế quan trong thời gian tới, ông Phan Bá Sang đã đưa ra một ví dụ: Hiện nay giá sữa tươi của Việt Nam đang được bán với giá 15.000 đồng/lít. Tuy nhiên, sau hội nhập, giá sữa tươi của các nước trong khối ASEAN tràn vào Việt Nam chỉ có 9.000 đồng/lít. Với việc bị cạnh tranh mạnh mẽ về giá thành, nếudoanh nghiệp không có phương hướng, chiến lược cho sản phẩm của mình họ sẽ thất bại ngay chính “sân chơi” của mình.
Trước thách thức đối với việc hội nhập, ngay thời điểm này, các doanh nghiệp cần phải đổi mới tư duy để nâng cao năng lực quản trị kinh doanh; đổi mới công nghệ nhằm tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm; cơ cấu lại sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường; tích cực thực hiện marketing thông qua việc tăng cường tìm hiểu, xúc tiến thương mại ở các thị trường tiềm năng. Đặc biệt, các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương cần có sự quan tâm, giúp đỡ cácdoanh nghiệp trong việc tạo điều kiện thuận lợi đầu tư các dự án; thực hiện các chính sách cho thuê đất và tháo gỡ các khó khăn để doanh nghiệp ngày càng phát triển…
Các tin khác:
- Tập huấn nâng cao nghiệp vụ xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp
- Đoàn doanh nghiệp Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc) và các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội dòng họ Trang, dòng họ Nghiêm tìm hiểu đầu tư tại Vĩnh Phúc
- UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Công ty TNHH iMarket Việt Nam ký Bản ghi nhớ về nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu đầu tư dự án hạ tầng KCN và sân Golf tại Vĩnh Phúc
- UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn Vingroup sẽ ký kết hợp tác toàn diện Xúc tiến, thu hút đầu tư, liên kết hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023