Doanh nghiệp tăng tốc về đích cuối năm
Linh hoạt, thích ứng với trạng thái bình thường mới, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang tìm ra hướng đi mới khi cân bằng được chiến lược cắt giảm chi phí mà không gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh; chuyển hướng đầu tư cho các yếu tố giúp tăng trưởng từ việc tìm kiếm sự khác biệt trong chuỗi giá trị và đào tạo lao động theo cách vận hành mới.
Chúng tôi trở lại Công ty TNHH Piaggio Việt Nam sau 14 năm công ty có mặt tại khu công nghiệp Bình Xuyên. Với lối đi riêng, nhất là việc biết cách “chăm chút” cho 4 thương hiệu tạo nên sự khác biệt là Vespa, Piaggio, Moto Guzzi và Aprilla, năm 2021, Piaggio Việt Nam không chỉ hoạt động tốt, duy trì việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động mà còn vinh dự năm thứ 3 liên tiếp lọt vào danh sách các công ty có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam do HR Asia – tạp chí hàng đầu về nhân lực khu vực châu Á tổ chức bình chọn.
Năm 2021, Piaggio Việt Nam sản xuất khoảng 180.000 xe máy
Ông Nguyễn Hồng Quân, Giám đốc nhân sự khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Tập đoàn Piaggio cho biết, Piaggio Viet Nam là công ty sản xuất xe tay ga hàng đầu của châu Âu, với 100% vốn đầu tư của Ý. Sau 14 năm có mặt tại Vĩnh Phúc, Piaggio Việt Nam có những bước phát triển không ngừng, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho gần 1.000 lao động địa phương. Đặc biệt, tổ hợp nhà máy tại Việt Nam hiện được coi là đại bản doanh của Piaggio tại khu vực châu Á, bao gồm nhà máy lắp ráp công suất 300.000 xe/năm, nhà máy động cơ, trung tâm nghiên cứu duy nhất của khu vực, góp phần phát triển cho Tập đoàn với 7 thị trường chính ở châu Á là Indonesia, Malaysia, Trung Quốc, Phillipines, Thái Lan, Đài Loan và Việt Nam. Tính từ năm 2009 đến nay, Piaggio đã nhanh chóng phát triển thêm cơ sở hạ tầng, với nhà máy động cơ, trung tâm nghiên cứu duy nhất ở châu Á, đường chạy thử chuẩn quốc tế và đã đạt cột mốc xuất xưởng 500.000 xe vào năm 2015, trên 1 triệu xe năm 2019. Riêng năm 2021, chịu tác động lớn của dịch bệnh Covid-19 và thị trường xe máy ngày càng bão hòa nhưng công ty vẫn xuất xưởng khoảng 180.000 xe, tăng khoảng 40.000 – 50.000 xe so với năm 2020; doanh thu vượt kế hoạch đề ra và tăng từ 20-30% so với năm ngoái.
Theo ông Quân, bí quyết khiến Piaggio Việt Nam phát triển ổn định trong bối cảnh dịch bệnh và tiếp tục vươn tầm ra khu vực chính là yếu tố con người. Công ty luôn lấy phát triển con người làm trung tâm, lấy hiệu quả sản xuất kinh doanh làm động lực, bởi con người chính là thành tố khiến mọi giấc mơ, mọi đam mê, mọi ý tưởng trở thành hiện thực. Mỗi ngày, Piaggio Việt Nam luôn cố gắng xây dựng một mối quan hệ tận tâm, gắn bó sâu sắc với từng nhân viên, từng cổ đông, từng đối tác, từng tổ chức liên quan cũng như từng khách hàng của mình.
Cụ thể, tại Tập đoàn Piaggio, hoạt động quản lý và phát triển nhân tài Piaggio Way được coi là chương trình xương sống nhằm phát triển tài năng toàn cầu giúp mài giũa những cá nhân tiềm năng trở thành những nhân viên ưu tú nhất. Những nhân tài đến từ khắp nơi trên thế giới được đào tạo, phát triển tư duy, khả năng làm việc tiêu chuẩn quốc tế. Cùng với đó, Tập đoàn thực hiện chương trình luân chuyển nhân viên quốc tế, tạo điều kiện cho nhân viên được phát triển sự nghiệp, tham gia và các dự án ở khắp nơi trên thế giới; khuyến khích, trao quyền cho mỗi nhân viên để họ có thể phát triển bản thân và đạt được những mục tiêu cá nhân mà mình đã đặt ra. Đồng thời, đẩy mạnh các phong trào thi đua, tạo khí thế lao động hăng say, sôi nổi tại mỗi dây chuyền lắp ráp. “Trong bối cảnh đại dịch, nếu thực hiện, tuân thủ tốt các quy định phòng, chống dịch của Trung ương, của tỉnh và biết cách linh hoạt, thích ứng, doanh nghiệp sẽ phát triển. Piaggio Việt Nam đã vượt qua được khó khăn, phát triển ổn định trong dịch bệnh nên sẽ không ngần ngại để tạo ra những bứt phá mới trong năm 2022” – ông Quân nhấn mạnh.
Hoạt động trong trạng thái bình thường mới, những ngày này, gần 600 lao động ở Công ty TNHH In điện tử Minh Đức, khu công nghiệp Bá Thiện luôn sẵn sàng tăng ca để hoàn thành các đơn hàng cuối năm.
Ông Pang Kai Jen, Giám đốc Công ty cho biết, In điện tử Minh Đức là doanh nghiệp 100% vốn Đài Loan, thành lập từ năm 2008, chuyên sản xuất, in ấn các sản phẩm phục vụ cho ngành công nghiệp, thương mại, linh kiện điện tử. Từ đầu năm 2020 đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, nhất là việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa, việc xuất nhập cảnh của các chuyên gia. Một số dây chuyền sản xuất thiếu cán bộ kỹ thuật tay nghề cao; đơn hàng không ổn định…Để vượt qua giai đoạn khó khăn, Công ty đã thay đổi phương thức, dây chuyền sản xuất, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là sẵn sàng giảm giá thành một số sản phẩm chủ lực để duy trì đơn hàng, việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó đẩy mạnh khai thác thị trường, tìm kiếm các đơn hàng mới…10 tháng năm 2021, dù doanh thu giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng công ty vẫn duy trì và thực hiện tốt chế độ lương, thưởng, phúc lợi cho người lao động.
Theo ông Pang Kai Jen, những tháng cuối năm, hoạt động sản xuất của công ty sẽ khởi sắc, bởi Chính phủ Việt Nam nói chung, tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng đã bước sang trạng thái hoạt động bình thường mới. Các tỉnh, thành đã linh hoạt áp dụng Nghị quyết số 128 của Chính phủ nên việc đi lại, lưu thông, vận chuyển hàng hóa được thuận lợi hơn. Đặc biệt theo quy luật hằng năm, dịp cuối năm, các doanh nghiệp thường tung ra thị trường các sản phẩm mới nên nhu cầu in thay đổi mẫu hộp đóng gói phù hợp với không khí noel ngày tết càng cao. Từ cuối tháng 9/2021, công ty đã nhận được nhiều đơn đặt hàng in ấn dịp cuối năm. Với đà này, 3 tháng cuối năm, In điện tử Minh Đức sẽ có những bứt phá cả về sản phẩm và doanh thu, đưa tổng sản phẩm sản xuất năm 2021 lên khoảng 5.000.000- 5.500.000 sản phẩm các loại, tương đương năm 2020.
Không chỉ 2 doanh nghiệp trên, với phương châm vừa chủ động phòng chống dịch vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã bắt tay vào giai đoạn “nước rút” để hoàn thành kế hoạch, mục tiêu đề ra cho cả năm. Thay vì chần chừ, chờ đợi cơ hội đến, các doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm đơn hàng, chủ động thay đổi phương thức sản xuất, nguồn nguyên liệu sản xuất hoặc tích cực liên kết với nhau hơn trong việc bao tiêu, sử dụng sản phẩm để cùng nhau phát triển. Cùng với đó, giữ vững thị trường truyền thống và tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường mới những tháng cuối năm, góp phần đưa chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh 10 tháng tăng hơn 2,7% và tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Kế hoạch số 205 của UBND tỉnh về phát triển kinh tế – xã hội, năm 2021 Vĩnh Phúc phấn đấu tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 297.066 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này trong bối cảnh dịch bệnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương chủ động, linh hoạt áp dụng Nghị quyết số 128 của Chính phủ; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu hàng hóa, nhất là các sản phẩm chủ lực của tỉnh; tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu gây khó khăn cho doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính. Cùng với đó duy trì hiệu quả hoạt động của Tổ công tác giúp việc Chủ tịch UBND tỉnh, kịp thời tiếp nhận các thông tin phản ánh, tham mưu các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp với mục tiêu cao nhất là bảo đảm hoạt động ổn định, an toàn cho doanh nghiệp, không để doanh nghiệp đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất, chuỗi lưu thông hàng hóa, nguồn cung lao động.
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh