Thứ Ba, 21/02/2023 7:34:24 (GMT+7)

Doanh nghiệp chủ động hội nhập kinh tế quốc tế

Nhờ việc cung cấp kịp thời các thông tin, dự báo về ngành hàng, thị trường của các quốc gia; đổi mới, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa của các cấp chính quyền, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang khai thác hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường khó tính.

Doanh nghiệp chủ động hội nhập kinh tế quốc tế

Trong bối cảnh Việt Nam tham gia các FTA ngày càng sâu rộng, tỉnh xác định việc đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế là nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đã tích cực phối hợp, triển khai và đa dạng hóa các nội dung tuyên truyền về thực hiện cam kết hội nhập quốc tế cho cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, đặc biệt là các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

Cùng với công tác tuyên truyền, tỉnh tổ chức và đổi mới các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu; cập nhật thường xuyên các quy định có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, thông tin về thị trường xuất khẩu, các chương trình xúc tiến xuất khẩu nước ngoài để các doanh nghiệp nắm bắt, kịp thời định hướng, chuẩn bị phương án kinh doanh; hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các quy định và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết nhằm hỗ trợ hoạt động tiếp cận thị trường xuất khẩu; tổ chức các đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại các quốc gia… Năm 2022, tỉnh đón và làm việc với hàng chục đoàn các nhà đầu tư từ Anh, Đức, Hoa Kỳ, Thái Lan, Nhật Bản… đến tìm hiểu môi trường đầu tư.

Nhờ sự chủ động và linh hoạt trong cách thức triển khai, nắm bắt cơ hội, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.278 dự án, trong đó có 450 dự án FDI đến từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với tổng vốn đầu tư 7,53 tỷ USD và 828 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 125 nghìn tỷ đồng. Trong số các dự án FDI, có 71 dự án của 2 quốc gia (Nhật Bản, Singapore) tham gia Hiệp định CPTPP; 8 dự án của 6 quốc gia (Ý, Hà Lan, Đức, Pháp, Thụy Điển, Tây Ban Nha) tham gia Hiệp định EVFTA; 2 dự án của vùng lãnh thổ thuộc liên hiệp Vương quốc Anh tham gia Hiệp định UKVFTA; 370 dự án của 5 quốc gia (Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Trung Quốc) tham gia Hiệp định RCEP. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Vĩnh Phúc, nhất là sang thị trường các nước là thành viên của các Hiệp định CPTPP, EVFTA và UKVFTA ước đạt hơn 28 tỷ USD, tăng gần 19% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt gần 15 tỷ USD, tăng 21,08%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là linh kiện điện tử, máy móc, thiết bị phụ tùng, xe máy nguyên chiếc, linh kiện, phụ tùng xe, hàng dệt may…

Để khai thác hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do, tỉnh tiếp tục cung cấp các thông tin liên quan đến mở cửa thị trường xuất khẩu, cắt giảm thuế quan; đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế đối ngoại và xúc tiến thương mại, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế và thúc đẩy mở rộng hợp tác quốc tế; tăng cường phối hợp, liên kết với các cơ quan Trung ương, các tỉnh bạn, giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với các Hiệp hội trong công tác xúc tiến đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Trong đó, chú trọng quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu hàng hóa; tập trung giải quyết việc làm, phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ đào tạo, đào tào lại người lao động, đẩy mạnh kết nối cung – cầu lao động; hỗ trợ cung cấp thông tin, dự báo về ngành hàng, thị trường của các quốc gia, đặc biệt các quốc gia thành viên của Hiệp định CPTPP, EVFTA và UKVFTA, từ đó mở rộng thị trường, gia tăng giá trị xuất khẩu hàng hóa.

Nguồn: vinhphuc.gov.vn