Doanh nghiệp chế biến chè xuất khẩu trước ngưỡng cửa TPP
Việc ký kết thành công Hiệp định hợp tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã tạo “cú hích” cho nền kinh tế, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực được xem là thế mạnh của các địa phương. Nằm trong bối cảnh chung đó, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè xuất khẩu trên địa bàn tỉnh ta đang có nhiều cơ hội phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi TPP mang lại, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè xuất khẩu sẽ phải đối phó với nhiều khó khăn, thách thức.
Theo số liệu thống kê của Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh hiện có 10 doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu chè. Đánh giá về vai trò của ngành chè đối với phát triển kinh tế của tỉnh, ông Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Mặc dù diện tích trồng chè trên địa bàn tỉnh không đáng kể, song Vĩnh Phúc lại là tỉnh có lượng xuất khẩu chè tương đối lớn. Năm 2015, Vĩnh Phúc xuất khẩu khoảng 10 nghìn tấn chè, thu về 25 triệu USD, chiếm 1,6% lượng hàng xuất khẩu của tỉnh. Cùng với các ngành nghề xuất khẩu, ngành chè cũng góp phần tích cực trong giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong và ngoài tỉnh. Đây cũng là một trong những lĩnh vực được tỉnh quan tâm phát triển”.
Là doanh nghiệp lâu năm trong hoạt động xuất khẩu chè, sản phẩm của Công ty TNHH Sơn Trà, cụm kinh tế – xã hội (KT-XH) Tân Tiến – Thổ Tang (Vĩnh Tường) hiện có mặt tại nhiều thị trường như: Châu Âu, Trung Đông và một số nước Châu Á. Trung bình mỗi năm, công ty xuất ra thị trường khoảng 1.500 – 2.000 tấn chè, tạo công ăn, việc làm cho 85 lao động, với mức thu nhập bình quân 3,5 – 6 triệu đồng/người /tháng. Cũng giống như Công ty TNHH Sơn Trà, Công ty TNHH thương mại Đại Lợi cũng là một trong những đơn vị sản xuất, kinh doanh xuất khẩu các mặt hàng nông sản tại cụm KT-XH Tân Tiến – Thổ Tang. Được thành lập từ năm 2001, sản lượng các mặt hàng xuất khẩu của công ty không ngừng tăng qua các năm. Trong đó, chè xuất khẩu được xem là hướng phát triển chủ lực của công ty hiện nay. Công ty có một nhà máy sản xuất kinh doanh chè tại Lâm Đồng, đến nay, đã đầu tư mở rộng hơn 1000 m2 kho xưởng tại cụm KT-XH Tân Tiến- Thổ Tang, với mục đích nâng sản lượng chè xuất khẩu từ hơn 1000 tấn năm 2015 lên 2500 tấn trong năm 2016. Có thể thấy, dù số lượng các doanh nghiệp không nhiều, song cùng với việc đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, xuất khẩu, ngành chè Vĩnh Phúc đã và đang góp phần tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh.
Cũng giống như nhiều ngành nghề khác, hiệp định TPP được ký kết đã mở ra cơ hội lớn cho ngành kinh doanh, chế biên chè của tỉnh. Đánh giá về cơ hội của ngành chế biến, sản xuất chè xuất khẩu của tỉnh khi Việt Nam gia nhập TPP, ông Bình khẳng định: “Vĩnh Phúc có nhiều ngành hàng xuất khẩu như dệt may, da giày, cơ khí, mây tre đan, linh kiện điện tử, riêng chè, chủ yếu xuất sang các thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan. Đây là các thị trường truyền thống trong hoạt động xuất khẩu của tỉnh nhiều năm qua. Sau khi Hiệp định TPP được ký kết, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có thêm cơ hội hợp tác, xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn như Mỹ, Canada…”. Được biết, trước khi Hiệp định TPP có hiệu lực, sản phẩm chè của Việt Nam khi vào các nước tham gia TPP đều phải chịu mức thuế nhất định. Cùng với việc tham gia TPP, ngành chè Việt Nam không chỉ có thêm nhiều cơ hội được tiếp cận với thị trường của tất cả các nước trong TPP mà còn bỏ qua được nhiều rào cản trong đó có thuế nhập khẩu chè. Đây được xem là cơ hội lớn đối với ngành chế biến, xuất khẩu chè tỉnh ta.
Song, theo ông Bình: “Mặc dù có nhiều doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu chè, nhưng diện tích trồng chè của Vĩnh Phúc gần như không có, các doanh nghiệp đều phải thu mua chè từ các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Thái Nguyên, Mộc Châu…” Trong khi đó hoạt động trồng chè tại các địa phương hiện nay vẫn mang tính chất manh mún, nhận thức của người dân trong trồng và chăm sóc chè còn hạn chế, vẫn chú trọng nhiều vào sản lượng mà chưa quan tâm nhiều đến chất lượng. Anh Nguyễn Văn Thăng, Giám đốc Công ty TNHH thương mại Đại Lợi cho biết: “Thay vì dùng tay thu hái, người nông dân lại dùng máy để cắt, mặc dù giảm thiểu thời gian, công lao động, song phế phẩm rất nhiều. Không những vậy, việc phun thuốc bảo vệ thực vật mang tính tự phát, không theo quy trình khoa học, do đó, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong chè cũng là một trong những vấn đề gây trở lại lớn đối với việc đưa sản phẩm chè tiếp cận với các thị trường khó tính”. Nhất là khi hàng rào thuế quan đang dần được xóa bỏ, các nước trong TPP đều đặt ra những yêu cầu tương đối khắt khe với nông sản nhập khẩu nhằm bảo hộ nông sản nội địa.
Chia sẻ về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh chè trong tỉnh, ông Bình cho hay: Những năm tới, Sở Công thương sẽ rà soát lại và có hướng hỗ trợ thêm cho các doanh nghiệp về xuất khẩu, trong đó có ngành chè. Giao cho các đơn vị chuyên môn giúp các doanh nghiệp chè ngày càng phát triển. Các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu chè trong tỉnh phối hợp với các doanh nghiệp trồng chè của các tỉnh đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định, có chất lượng đồng thời đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của thị trường”
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh