Thứ Bảy, 31/10/2015 16:08:38 (GMT+7)

Đoàn công tác của Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) đến thăm và tìm hiểu môi trường, cơ hội đầu tư tại Vĩnh Phúc

Sáng ngày 28/10/2015, Đoàn công tác Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) do ông Yoichi Kobayashi – Chủ tịch Ủy ban Hợp tác kinh tế Mekong Nhật Bản làm Trưởng đoàn đã đến thăm và tìm hiểu môi trường, cơ hội đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc . Tiếp và làm việc với Đoàn có đồng chí Nguyễn Văn Trì – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và Lãnh đạo các cơ quan: Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Ban quản lý các Khu công nghiệp, Cục thuế tỉnh, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư, Ban Quản lý Dự án cải thiện môi trường đầu tư , Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc.

Đoàn công tác của Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI)  đến thăm và tìm hiểu môi trường, cơ hội đầu tư tại Vĩnh Phúc

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc tiếp và làm việc với Đoàn công tác Phòng Thương mại và công nghiệp Nhật Bản (JCCI). Ảnh: Nguyễn Nam.

Mở đầu buổi làm việc, ông Yoichi Kobayashi bày tỏ vui mừng và gửi lời cảm ơn sâu sắc trước sự đón tiếp trọng thị của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc khi đoàn đến thăm và làm việc tại tỉnh. Ông giới thiệu thành phần Đoàn gồm các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau như: Chế tạo sản xuất, Thương mại, Ngân hàng, Tài chính, IT, Dịch vụ… đến từ Nhật Bản và một số công ty đã có dự án Việt Nam . Ông Yoichi Kobayashi giới thiệu về JCCI: JCCI là tổ chức có tổng số 514 chi nhánh tại các tỉnh, thành phố của Nhật Bản với gần 1,3 triệu hội viên. Chuyến thăm Việt Nam của Đoàn lần này nhằm thúc đẩy đầu tư doanh nghiệp Nhật Bản trong một số lĩnh vực ưu tiên thuộc Chiến lược Công nghiệp hóa Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam với Nhật Bản, và khảo sát cụ thể các cơ sở kinh tế, công nghiệp tại một số tỉnh của Việt Nam, trong đó có Vĩnh Phúc. Ông Yoichi Kobayashi đánh giá cao quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam trong thời gian qua và cho rằng, năm 2015, việc cộng đồng các nước Asean được thành lập cùng với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP vừa được ký kết sẽ mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức đối với các doanh nghiệp của cả hai nước. Qua chuyến thăm và tìm hiểu tỉnh Vĩnh Phúc lần này, ông cũng hiểu rõ thêm về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý cũng như tình hình phát triển kinh tế xã hội trong những năm gần đây của tỉnh, đồng thời đánh giá cao vị trí thuận lợi của Vĩnh Phúc và cho biết các doanh nghiệp Nhật Bản, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ rất quan tâm đến môi trường đầu tư của tỉnh và bày tỏ mong muốn phía tỉnh giới thiệu về môi trường hoạt động đầu tư kinh doanh và những tiềm năng của Vĩnh Phúc.

Đồng chí Nguyễn Văn Trì - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tặng quà lưu niệm cho Đoàn công tác Phòng Thương mại và công nghiệp Nhật Bản (JCCI). Ảnh: Nguyễn Nam.

Đồng chí Nguyễn Văn Trì – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tặng quà lưu niệm cho Đoàn công tác Phòng Thương mại và công nghiệp Nhật Bản (JCCI). Ảnh: Nguyễn Nam.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trì chào mừng Đoàn công tác của Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đến thăm và làm việc tại Vĩnh Phúc và giới thiệu đôi nét về tình hình chung cũng như môi trường đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc trong những năm gần đây. Tỉnh Vĩnh Phúc thuộc Vùng đồng bằng Sông Hồng, Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ và vùng Thủ đô Hà Nội. Tỉnh có nhiều tuyến giao thông quan trọng: đường bộ, đường sắt, đường sông, gần sân bay quốc tế Nội Bài và có đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai – Vân Nam (Trung Quốc) chạy qua, thuận lợi cho phát triển công nghiệp và kinh tế xã hội. Đồng chí cũng cho biết, trong những năm gần đây tỉnh Vĩnh Phúc đang dần trở thành trung tâm phát triển công nghiệp của Việt Nam. Hiện nay, tỉnh đang là trung tâm phát triển công nghiệp ngành sản xuất, lắp ráp ô tô xe máy, và trong tương lai tỉnh Vĩnh Phúc hướng tới sẽ trở thành trung tâm phát triển công nghiệp điện tử của cả nước.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao hiệu quả đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Vĩnh Phúc và cho biết, mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng phát triển tốt đẹp, bền vững và đã mở rộng hợp tác giao lưu trên nhiều lĩnh vực như: chính trị, kinh tế, văn hóa… Tính đến hết tháng 10/2015, toàn tỉnh có 202 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký gần 3,3 tỷ USD, trong đó Nhật Bản có 26 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 800 triệu USD. Đồng chí nhấn mạnh: Vĩnh Phúc sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư nói chung và các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng đầu tư, sản xuất kinh doanh hiệu quả tại tỉnh; tất cả nhà đầu tư đến đầu tư tại Vĩnh Phúc đều là công dân của Vĩnh Phúc, thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của tỉnh. Thời gian tới, khi Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc do Tập đoàn Sumitomo đầu tư hoàn thành sẽ thu hút thêm nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư tại tỉnh.

Đoàn công tác Phòng Thương mại và công nghiệp Nhật Bản (JCCI) chụp ảnh lưu niệm cùng Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các sở ngành, đơn vị của tỉnh. Ảnh: Nguyễn Nam.

Đoàn công tác Phòng Thương mại và công nghiệp Nhật Bản (JCCI) chụp ảnh lưu niệm cùng Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các sở ngành, đơn vị của tỉnh. Ảnh: Nguyễn Nam.

Ông Yoichi Kobayashi – Chủ tịch Ủy ban Hợp tác kinh tế Mekong Nhật Bản đánh giá cao những thành tựu trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong những năm qua cũng như những tiềm năng to lớn của tỉnh. Tiếp đó, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cũng đưa ra một số câu hỏi tập trung vào nguồn nhân lực: khi một lượng lớn các doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư  tại Vĩnh Phúc thì liệu nguồn nhân lực của tỉnh có đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư, thủ tục đầu tư có được giải quyết theo cơ chế một cửa hay không?

Trả lời vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trì khẳng định: việc cung ứng nguồn nhân lực và đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư vừa là trách nhiệm và được tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm hàng đầu. Tỉnh đã có cơ chế chính sách cụ thể, đào tạo lao động theo nhu cầu của doanh nghiệp và định hướng đào tạo những ngành nghề mà tỉnh ưu tiên phát triển. Tỉnh hoàn toàn có thể đáp ứng đủ nhu cầu về nguồn nhân lực của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư tại Vĩnh Phúc. Ngoài ra, với vị trí địa lý tiếp giáp với rất nhiều tỉnh, thành phố có nguồn lao động dồi dào, doanh nghiệp sẽ dễ dàng tuyển dụng lao động. Khi đến đầu tư tại Vĩnh Phúc, doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ thủ tục tại Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh (IPA Vinh Phuc), để giải quyết theo cơ chế Một cửa liên thông trong thời gian giảm từ 1/3 đến một nửa so quy định của Nhà nước Việt Nam.

Vân Anh – IPA Vinh Phuc