Thứ Hai, 02/10/2023 10:31:46 (GMT+7)

Định hướng và giải pháp thu hút đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian tới

Định hướng và giải pháp thu hút đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian tới

Vĩnh Phúc – Điểm đến đầu tư an toàn, tiềm năng, nhiều doanh nghiệp lớn coi Vĩnh Phúc là “căn cứ địa” để sản xuất và mở rộng đầu tư (Ảnh: nguồn Internet)

Định hướng các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư:

Tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào đầu những năm 2030. Nền kinh tế Vĩnh Phúc phát triển theo hướng kinh tế số, kinh tế tri thức. Phát huy tốt lợi thế phát triển vùng, vành đai công nghiệp Bắc Giang – Thái Nguyên – Vĩnh Phúc – Phú Thọ trở thành động lực tăng trưởng của cả vùng; Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 822/QĐ-UBND ngày 17/4/2023 phê duyệt Đề án thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, nhằm khai thác, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ – đổi mới sáng tạo, trọng tâm là thu hút đầu tư các ngành, lĩnh vực theo định hướng phát triển trọng tâm của tỉnh, là hạt nhân thúc đẩy phát triển công nghiệp và dịch vụ hiện đại: điện tử, sản xuất phần mềm, trí tuệ nhân tạo, sản xuất ô tô, công nghiệp hỗ trợ, các dịch vụ thương mại, logistics, tài chính, ngân hàng, du lịch, viễn thông, đào tạo chất lượng cao, y tế chuyên sâu. Mục tiêu phát triển vùng trở thành trung tâm dịch vụ hiện đại của khu vực Đông Nam Á. Các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển, cụ thể:

Công nghiệp: Ưu tiên thu hút các dự án trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao; sử dụng năng lượng sạch: Công nghiệp máy tính, điện thoại thông minh, công nghiệp bán dẫn; Công nghiệp sản xuất ô tô, xe máy điện; Thiết bị điện tử, thiết bị điện dân dụng và Công nghiệp dược phẩm; Các ngành công nghiệp hỗ trợ cơ khí chế tạo, cơ khí lắp ráp: Công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô, xe máy, điện tử; sản xuất máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp; ngành chế biến thực phẩm, đồ uống; Sản xuất vật liệu xây dựng (vật liệu mới, chất lượng cao, thân thiện môi trường).

– Thu hút nhà đầu tư liên doanh liên kết phát triển hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe, giáo dục, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp.

Dịch vụ: Dịch vụ du lịch: Du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái; Du lịch lễ hội, tín ngưỡng, tâm linh – thiền; Du lịch tìm hiểu văn hóa, lịch sử; Du lịch thể thao (du lịch golf); Du lịch hội nghị hội thảo; Dịch vụ thương mại: Trung tâm thương mại, đại siêu thị, siêu thị, kho bảo quản, chợ đầu mối. Dịch vụ logistics: Phát triển dịch vụ vận tải, kho bãi, logistic đa dạng, hiện đại.

Nông nghiệp: Chăn nuôi: Tập trung quy mô lớn, trang trại, ứng dụng công nghệ, chăn nuôi hữu cơ (lợn, bò, gia cầm). Trồng trọt: Lúa chất lượng cao, cây dược liệu, trái cây, rau củ quả an toàn. Lâm nghiệp: Phát triển du lịch sinh thái; chế biến và thương mại lâm sản, trồng dược liệu. Thủy sản: Phát triển nuôi trồng thủy sản công nghệ cao; nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô lớn, áp dụng thực hành nuôi tốt, nuôi hữu cơ…

Một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới:

 Một là: Đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm tối đa thời gian thực hiện thủ tục đầu tư kinh doanh; đối xử bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài; bảo vệ lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư nhằm nâng cao niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài;

Hai là: Xây dựng chính sách thu hút ĐTNN cân đối, hợp lý, bảo đảm việc thu hút, hợp tác ĐTNN theo đúng định hướng, quy hoạch, yêu cầu phát triển; Xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp trong nước trên địa bàn tỉnh có đủ khả năng cung cấp nguyên vật liệu, linh kiện, phụ kiện trong ngành CNHT để thông tin rộng rãi cho nhà ĐTNN tiếp cận và kết nối;

Ba là: Thực hiện công tác xúc tiến đầu tư theo hướng hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm vào các đối tác tiềm năng; thu hút nhà đầu tư chiến lược có năng lực kinh nghiệm, tài chính, các tập đoàn xuyên quốc gia có công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ xanh thân thiện với môi trường.

Chủ động thu hút FDI quy mô lớn và các ngành công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện với môi trường; có kết nối giữa doanh nghiệp trong nước trên địa bàn tỉnh. Ưu tiên các dự án trong các lĩnh vực công nghiệp điện tử, viễn thông, công nghiệp cơ khí, vật liệu xây dựng, vật liệu mới và công nghiệp hỗ trợ của ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy, điện tử; các dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp, dự án du lịch dịch vụ, trường đại học tầm cỡ quốc tế và các dự án đầu tư vào ngành dịch vụ như: Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, y tế, giáo dục – đào tạo, vận tải, logistics. Mở rộng đối tác thu hút FDI như các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản, Hàn Quốc và hướng tới các đối tác tiềm năng đến từ châu Âu và Hoa Kỳ;

Bốn là: Tiếp tục nghiên cứu đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ngoài hàng rào các khu, cụm công nghiệp nhằm thu hút đầu tư, phát triển các khu, cụm công nghiệp theo Kế hoạch số 73/KH-UBND ngày 08/3/2023 của UBND tỉnh về việc đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh;

Năm là: Tiếp tục xử lý các vướng mắc, tháo gỡ các điểm nghẽn trong tất cả các ngành, các lĩnh vực; tập trung khơi thông các nguồn lực phục vụ cho việc xúc tiến, thu hút đầu tư hiệu quả, nhất là trong việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược theo định hướng của tỉnh. Tăng cường xây dựng mạng lưới, kết nối, trao đổi, cung cấp thông tin với các chuyên gia, tổ chức quốc tế, tổ chức của Việt Nam ở trong nước và nước ngoài phục vụ xúc tiến đầu tư, giới thiệu môi trường đầu tư của tỉnh.

vinhphuc.gov.vn