Thứ Tư, 13/12/2023 9:18:41 (GMT+7)

Điện mặt trời áp mái góp phần tiết kiệm, đảm bảo an ninh năng lượng

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và hộ dân lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà (ĐMTMN), mang lại hiệu quả kinh tế, giúp tiết kiệm chi phí tiền điện hằng tháng; đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu áp lực nguồn cung điện, đảm bảo an ninh năng lượng.

Điện mặt trời áp mái góp phần tiết kiệm, đảm bảo an ninh năng lượng

Sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà giúp nhiều hộ gia đình tiết kiệm một khoản lớn chi phí tiền điện mỗi tháng

Tiềm năng phát triển

Pin năng lượng mặt trời đã dần trở thành một loại năng lượng tái tạo phổ biến ngày nay ở nhiều quốc gia cũng như ở tỉnh, thành phố trên cả nước. Nằm trong khu vực có bức xạ mặt trời khá cao và có nhiều nhà máy tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có thể đầu tư phát triển ĐMTMN, Vĩnh Phúc có nhiều tiềm năng phát triển nguồn năng lượng này. Theo kết quả nghiên cứu của đơn vị lập Quy hoạch chung tỉnh, với 10.000 ha đất công nghiệp và các toà nhà, tiềm năng năng lượng mặt trời trên địa bàn tỉnh có thể đạt 2.200 MW.

Thực hiện chủ trương khuyến khích đầu tư phát triển ĐMTMN của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, năng lượng tái tạo mới; xây dựng các mô hình điểm ứng dụng công nghệ năng lượng mặt trời trong chiếu sáng công cộng…

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích phát triển ĐMTMN đã thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư từ doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh tham gia lắp đặt và sử dụng ĐMTMN.

Là hộ kinh doanh dịch vụ làm đẹp, gia đình chị La Thị Hồng Yến, phường Định Trung (Vĩnh Yên) phải sử dụng khá nhiều thiết bị điện, tiền điện phải chi trả mỗi tháng khá lớn. Để tiết kiệm chi phí, từ năm 2019, gia đình chị Yến đã đầu tư gần 200 triệu đồng lắp hệ thống tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà của gia đình.

Chị Yến cho biết: Ngoài việc cung ứng điện sử dụng cho việc kinh doanh và phục vụ đời sống sinh hoạt trong gia đình, lượng điện thừa từ hệ thống này được Điện lực thành phố Vĩnh Yên thu mua lại, tính ra dàn pin năng lượng tiết kiệm cho gia đình chị lên tới 50 triệu đồng tiền điện/năm.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hàng trăm doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư lắp đặt hệ thống ĐMTMN với sản lượng đạt 23,34 MW, vừa giúp giảm chi phí tiền điện hàng tháng, đồng thời, nguồn điện còn dư còn có thể phát lên lưới bán lại cho ngành điện, góp phần giảm tổn thất điện năng truyền tải, phân phối và áp lực cung cấp điện, nhất là trong các tháng cao điểm mùa hè, đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia.

Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, với giá bán lẻ điện tăng như hiện nay, việc thực hiện lắp đặt hệ thống ĐMTMN trên các mái nhà xưởng để tự cung cấp điện không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất mà còn đáp ứng tiêu chuẩn doanh nghiệp xanh, chứng chỉ năng lượng xanh, góp phần gia tăng lợi thế cạnh tranh, tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu vào các thị trường nước ngoài.

Vẫn còn nhiều gian nan

Tuy nhiên, chi phí đầu tư lắp đặt hệ thống ĐMTMN vẫn ở mức khá cao là nguyên nhân khiến nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư và sử dụng. Bên cạnh đó, việc đầu tư hệ thống ĐMTMN là lĩnh vực mới, các văn bản quy định liên quan đến việc đầu tư lắp đặt hệ thống ĐMTMN chưa quy định cụ thể, rõ ràng đã dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện.

Ngoài ra, tại Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 – 2025 và các năm tiếp theo quy định khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất thực hiện lắp đặt ĐMTMN nhằm tiết kiệm điện, song, đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể để thực hiện đầu tư.

Để việc phát triển ĐMTMN trong thời gian tới đảm bảo hiệu quả và theo đúng quy định đòi hỏi các Bộ, ngành cần sớm có cơ chế, chính sách, quy định cụ thể rõ ràng bằng các văn bản quy phạm pháp luật.

Trong đó cần quy định rõ đối tượng, khu vực, quy mô công suất lắp đặt, tiêu chuẩn kỹ thuật; yêu cầu đối với hệ thống ĐMTMN và trình tự, thủ tục thực hiện phát triển ĐMTMN.

Nhất là đối với việc phát triển hệ thống ĐMTMN với mục đích tự sản, tự tiêu (phục vụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện Quốc gia) thì cần ban hành các tiêu chí định lượng đối với các ràng buộc như khả năng hấp thụ của hệ thống, khả năng giải tỏa công suất của lưới điện, giá thành điện năng và chi phí truyền tải điện hợp lý gắn với đảm bảo an toàn vận hành và tính kinh tế chung của hệ thống điện.

Các chính sách đề xuất sẽ góp phần thúc đẩy phát triển hệ thống ĐMTMN, tạo ra nguồn năng lượng sạch cho tương lai, giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị và góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26); bổ sung thêm nguồn cung cấp tại chỗ góp phần giảm tổn thất điện năng trong hệ thống lưới điện. Đồng thời, giúp các cơ quan quản lý Nhà nước có thể theo dõi việc đầu tư phát triển hệ thống ĐMTMN, đảm bảo theo các quy định hiện hành.

baovinhphuc