Để doanh nghiệp “mặn mà” với nông nghiệp
Nông nghiệp là ngành có lợi thế trong hội nhập, với nhiều sản phẩm nông sản xuất khẩu có giá trị kinh tế, nhưng số lượng doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực này hiện còn rất hạn chế. Làm thế nào để huy động nhiều hơn nguồn lực từ xã hội cho việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang là bài toán khó…
Đã xuất hiện những doanh nghiệp lớn…
Đến nay, đã có hơn 3.600 doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong tổng số gần 500 nghìn DN của cả nước. Dù chưa đạt hiệu quả như mong muốn, song tình hình “ảm đạm” đang dần được cải thiện do một số DN lớn đã mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp, tổ chức được các chuỗi liên kết bền vững.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại và Sản xuất thức ăn chăn nuôi Hòa Phát Nguyễn Việt Thắng cho biết, hiện nay DN này đã triển khai đầu tư kinh doanh vào lĩnh vực chăn nuôi. Hòa Phát đã đưa nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi đầu tiên vào hoạt động từ quý III-2016 tại Hưng Yên với công suất 300.000 tấn/năm. Dự kiến đến năm 2020, Hòa Phát sẽ có tổng công suất sản xuất thức ăn chăn nuôi một triệu tấn/năm. Công ty cũng đã nhập hơn 1.800 con heo giống từ Đan Mạch, chuyển cho các trại nuôi thuần chủng tại Yên Bái và Bình Phước để nuôi theo tiêu chuẩn an toàn sinh học của châu Âu. Dự kiến, năm 2018 sẽ có lợn giống và lợn thương phẩm đưa ra thị trường.
Cũng như Hòa Phát, Vingroup đang mang vốn và công nghệ cao vào nông nghiệp. Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco – một thành viên của Vingroup, đã chính thức tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp từ tháng 3-2015, với tổng số vốn đầu tư lên đến 4.000 tỷ đồng. Bằng việc đầu tư bài bản, VinEco triển khai sản xuất nông nghiệp trên quy mô lớn và áp dụng công nghệ tiên tiến. Hiện DN này đã có 12 nông trại tại nhiều khu vực. Đặc biệt, để hỗ trợ nông dân, mới đây, VinEco đã có chương trình liên kết với 1.000 hợp tác xã và hộ nông dân, với mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng trong năm đầu tiên. Theo ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Vingroup, mục tiêu lớn nhất của DN là cung cấp nông sản sạch cho người tiêu dùng và hỗ trợ bà con nông dân tiếp cận kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, góp phần thay đổi tư duy làm nông nghiệp của người nông dân, từng bước nâng cao vị thế của các sản phẩm nông sản Việt Nam.
Cùng với Hòa Phát, Vingroup, một số DN lớn khác như TH True Milk, Hoàng Anh Gia Lai, Vinamilk, Công ty cổ phần đường Lam Sơn,… cũng đã và đang tích cực tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đã có nhiều nhà đầu tư thành công và trở thành những đầu tàu, tạo động lực phát triển cho nhiều vùng, địa phương. Bên cạnh đó, hiện nay đang có xu hướng nhiều nhà đầu tư nước ngoài (từ Nhật Bản, Hàn Quốc…) tìm hiểu, lựa chọn chiến lược hợp tác kinh doanh. Một số tổ chức tín dụng, ngân hàng cũng bắt đầu “đánh tiếng” dành sự ưu tiên cho nông nghiệp. Mới đây, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, sẽ dành khoảng 50.000 tỷ đồng để triển khai chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ “nông nghiệp sạch”. Theo đó, kể từ tháng 11-2016, các đối tượng khách hàng vay vốn là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô lớn được ngân hàng này áp dụng ưu đãi. Đây được xem là một cơ hội lớn cho các DN tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp…
… Nhưng vẫn nhiều DN đứng ngoài “cuộc chơi”
Đã có những DN đầu tàu tham gia đầu tư vào nông nghiệp, nhưng so với yêu cầu và tiềm năng vẫn còn quá ít. Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Nguyễn Xuân Cường, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thời gian qua còn rất hạn chế và chưa tương xứng với tiềm năng, cũng như nhu cầu phát triển của ngành nông nghiệp. Việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách cho phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa phù hợp với nhiệm vụ và nhu cầu phát triển ngành. Đầu tư của DN tư nhân trong nước còn thấp, thiếu ổn định; số lượng DN nông, lâm, thủy sản còn ít và có xu hướng giảm trong thời gian gần đây.
Đáng chú ý, vốn đầu tư hiện nay của các DN tập trung chủ yếu ở những nơi thuận lợi, vùng kinh tế trọng điểm phía nam và Bắc Bộ; các vùng khó khăn hơn như trung du miền núi phía bắc, một số tỉnh miền trung, Tây Nguyên chưa có nhiều nhà đầu tư quan tâm. Sự liên kết giữa DN với các nhà khoa học và nông dân chưa chặt chẽ, dẫn đến chi phí sản xuất cao, sản phẩm ít khả năng cạnh tranh; chuỗi giá trị trong hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn còn ở mức thấp.
Nông nghiệp là một lĩnh vực nhiều rủi ro nên việc thận trọng trong tìm kiếm lợi nhuận của các DN ở lĩnh vực này cũng là điều dễ hiểu. Với tỷ lệ chưa đến 1% số DN đầu tư vào nông nghiệp đã nói lên thực trạng khó khăn trong việc thu hút các nguồn lực xã hội vào lĩnh vực này.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, hoạt động đầu tư của các DN vào nông nghiệp chưa mang lại hiệu quả cao. Do tiềm ẩn nhiều rủi ro, cho nên nông nghiệp chưa thu hút được sự quan tâm của các DN. Đó là chưa kể một số địa phương vẫn còn lúng túng, chưa xác định được cây trồng chủ lực, mô hình kinh tế hiệu quả để tiến hành liên kết với DN. Không ít người dân ngại thay đổi thói quen canh tác, thiếu nhiệt tình trong liên kết sản xuất, cho nên rất khó để sản xuất theo chuỗi, theo đúng tiêu chuẩn, chất lượng – yếu tố quan trọng để sản phẩm nông sản phát triển theo hướng hàng hóa. Bên cạnh đó, sự liên kết giữa DN và nông dân chưa sẵn sàng, các sản phẩm nông sản sạch, nông sản chất lượng cao chưa đủ “bằng chứng” thuyết phục người tiêu dùng nên vẫn khó có chỗ đứng xứng đáng trên thị trường… Đó chính là những hạn chế khiến nhiều DN hiện vẫn quay lưng, chưa “mặn mà” với nông nghiệp…
Tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp
Để khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, Nhà nước cần tạo ra môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư, thậm chí là phải “trải thảm đỏ” cho những nhà đầu tư chiến lược. Trong đó, cần tập trung vào chính sách đất đai theo hướng thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất thông qua chính sách giao đất dài hạn, phát huy cơ chế thị trường, để quyền sử dụng đất trở thành hàng hóa, trở thành nguồn vốn cho đầu tư sản xuất, kinh doanh. Về tín dụng, một mặt hỗ trợ lãi suất, mặt khác tạo điều kiện cho DN và nông dân thuận tiện trong tiếp cận vốn. Về chính sách thuế, hiện nay chưa thật sự khuyến khích các DN đầu tư vào nông nghiệp. Nhà nước nên xem xét giảm thuế cho các DN đầu tư vào nông nghiệp. Bên cạnh đó, các DN cũng mong muốn Nhà nước hỗ trợ đầu tư hạ tầng thích hợp cho DN; hỗ trợ cải tạo đồng ruộng; xây dựng giao thông nội đồng, hệ thống tưới tiêu, nhà lưới, nhà kính, xử lý ô nhiễm môi trường. Cần có chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp, nhất là mở rộng chính sách bảo hiểm cho sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm cho người lao động ở nông thôn, nhất là lao động trong các DN nhỏ và vừa. Cần hình thành Quỹ hỗ trợ đầu tư cho DN vay ngắn hạn và dài hạn.
Bộ trưởng NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng đã chỉ đạo ngành nông nghiệp: Để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp, cần cụ thể hóa các chủ trương, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài ở từng lĩnh vực, chuyên ngành thành các nhiệm vụ cụ thể, triển khai đến các địa phương. Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư, nhất là các DN liên kết sản xuất với nông dân theo chuỗi giá trị, DN chế biến, sản xuất giống, vật tư và các DN sử dụng nhiều lao động ở nông thôn. Đơn giản hóa thủ tục hành chính và rà soát, bãi bỏ các thủ tục không cần thiết, gây phiền hà cho DN và người dân.
Khi chính sách đã được thông thoáng, các nhà quản lý đã đồng hành với DN như các mục tiêu phấn đấu nêu trên, thì vấn đề cần tính toán nữa là các DN xác định rõ cơ hội đầu tư và hành động thực chất. Hy vọng thời gian ngắn nữa, bức tranh nông nghiệp sẽ tươi sáng hơn do có sự đầu tư hiệu quả của nhiều hơn các DN trong và ngoài nước. Từ đó, góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Các tin khác:
- Tập huấn nâng cao nghiệp vụ xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp
- Đoàn doanh nghiệp Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc) và các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội dòng họ Trang, dòng họ Nghiêm tìm hiểu đầu tư tại Vĩnh Phúc
- UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Công ty TNHH iMarket Việt Nam ký Bản ghi nhớ về nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu đầu tư dự án hạ tầng KCN và sân Golf tại Vĩnh Phúc
- UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn Vingroup sẽ ký kết hợp tác toàn diện Xúc tiến, thu hút đầu tư, liên kết hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023