Thứ Ba, 03/11/2015 8:49:01 (GMT+7)

Để chính sách hỗ trợ lao động xuất khẩu hiệu quả hơn

Từ đầu năm đến nay, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, toàn tỉnh có gần 2.000 lao động được xuất khẩu tại các thị trường: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc…Cùng với việc đẩy mạnh công tác XKLĐ, các địa phương còn triển khai kịp thời chính sách hỗ trợ đối với XKLĐ theo Nghị quyết 37 của HĐND tỉnh. Tuy nhiên, do vướng mắc một số thủ tục nên số đối tượng được hưởng ưu đãi chính sách này rất thấp, khoảng hơn 15% (231/1.511). Trước thực trạng trên, nhiều địa phương kiến nghị UBND tỉnh xem xét thực hiện việc đơn giản hóa thủ tục để các gia đình có cơ hội tiếp cận nguồn kinh phí hỗ trợ XKLĐ theo Nghị quyết 37.

Để chính sách hỗ trợ lao động xuất khẩu hiệu quả hơn

Theo báo cáo của Phòng LĐ-TB&XH thị xã Phúc Yên, đến tháng 10/2015, địa phương đưa104 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (đạt gần 48% so kế hoạch). Thực hiện công tác giải quyết chính sách hỗ trợ cho người lao động xuất khẩu, Phòng LĐ-TB&XH thị xã Phúc Yên tiếp nhận 34 hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí học ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho các lao động đã xuất cảnh. Qua thẩm định, kiểm tra, Phòng LĐ-TB&XH tiếp nhận 28hồ sơ hợp lệ, trả lại 6 hồ sơ do thiếu giấy tờ theo quy định. Đến nay, 23/28 gia đình có hồ sơ đủ điều kiện được nhận kinh phí hỗ trợ XKLĐ với tổng số tiền gần 70 triệu đồng, số hồ sơ hợp lệ còn lại đang chờ kinh phí để cấp tiếp vào các đợt sau.

Theo Nghị quyết 37 của HĐND tỉnh, các trường hợp được hỗ trợ kinh phí cho XKLĐ phải có đầy đủ chứng chỉ học nghề và ngoại ngữ. Mức hỗ trợ tối đa cho 1 đối tượng XKLĐ hiện nay từ 7 – 11 triệu đồng, tùy vào đối tượng lao động xuất khẩu thuộc gia đình chính sách, gia đình có công, hộ nghèo hay hoàn cảnh bình thường. Trường hợp lao động không có đầy đủ các loại chứng chỉ, nếu có chứng chỉ khác sẽ được tỉnh hỗ trợ kinh phí cho chứng chỉ đó. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều hồ sơ không đầy đủ giấy tờ theo quy định được các cán bộ LĐ-TB&XH trả về cho các gia đình đề nghị bổ sung thêm. Theo đồng chí Đinh Bách Lý, Trưởng phòng LĐ-TB&XH thị xã Phúc Yên: Theo Nghị quyết 37 của HĐND tỉnh, để được hưởng chính sách hỗ trợ XKLĐ, hồ sơ của các gia đình phải có đầy đủ bản sao chứng thực chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ học nghề. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều lao động không được các doanh nghiệp cấp cho những chứng chỉ này nên không được hưởng các khoản kinh phí hỗ trợ của tỉnh. Lý giải của các doanh nghiệp hiện nay là do Thông tư số 22/2003/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn thực hiện Nghị định số 81 về người Việt Nam làm việc ở nước ngoài quy định: Người lao động chỉ cần được cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức cần thiết là đủ điều kiện XKLĐ, vì vậy mới nảy sinh tình trạng lao động không được cấp chứng chỉ học nghề, ngoại ngữ.

Việc các lao động không được cấp chứng chỉ học nghề và ngoại ngữ khiến nhiều gia đình mất cơ hội được nhận tiền hỗ trợ XKLĐ của tỉnh. Khi bị trả lại hồ sơ, nhiều gia đình mới biết và họ lại phải mất công sức, thời gian đến các sơ sở đào tạo đề nghị cấp bổ sung. Tuy nhiên, số gia đình được cấp bổ sung các loại chứng chỉ cũng rất ít, do đó, nhiều hộ đành bỏ cuộc vì không có điều kiện đi lại nhiều lần. Bên cạnh những hồ sơ có vướng mắc về thủ tục thì số lượng đơn đề nghị hỗ trợ kinh phí XKLĐ cũng rất thấp. Cụ thể, với hơn 100 lao động đã xuất cảnh, Phòng LĐ-TB&XH thị xã Phúc Yên mới tiếp nhận 34 bộ hồ sơ (bằng 1/3 số lao động xuất khẩu đi thực tế). Nguyên nhân người dân không làm đơn đề nghị là do họ không biết đến chính hỗ trợ XKLĐ của tỉnh. Hầu hết, các trường hợp xuất khẩu này đều đi qua môi giới, giới thiệu của bạn bè, anh em mà không đi theo chương trình XKLĐ của tỉnh.

Đồng chí Trần Văn Vịnh, cán bộ LĐ-TB&XH xã Thanh Trù (thành phố Vĩnh Yên) cho biết: Năm 2015, xã Thanh Trù được giao chỉ tiêu xuất khẩu 50 lao động, đến nay, có 43 lao động xuất cảnh, trong đó, 4 lao động được hưởng chính sách hỗ trợ kinh phí XKLĐ theo Nghị quyết 37 của HĐND. Trên thực tế, mặc dù số lao động xuất khẩu tại địa phương do chúng tôi thống kê, theo dõi song không phải tất cả các trường hợp xuất cảnh đều thực hiện việc ký hợp đồng với các doanh nghiệp của tỉnh mà nhiều lao động xuất khẩu tự do (xuất khẩu qua sự giới thiệu, môi giới của bạn bè, người thân). Mặc dù chi phí cho mỗi lao động xuất khẩu ở thị trường tự do cao hơn nhiều so với chương trình xuất khẩu của tỉnh song nhiều gia đình vẫn vui vẻ cho con đi vì thủ tục được các doanh nghiệp làm rất nhanh. Cũng vì xuất khẩu ở thị trường tự do nên nhiều gia đình không để ý đến những chính sách của tỉnh, do đó, không làm đơn đề nghị hỗ trợ. Qua làm công tác xuất khẩu lao động ở địa phương cho thấy: Chính sách hỗ trợ XKLĐ (theo Nghị quyết 37) quy định quá cụ thể, chi tiết nên việc đảm bảo thủ tục đối với các hộ gia đình khó khăn, phức tạp (do phải đáp ứng nhiều loại chứng từ). Nên chăng, chỉ cần 1 hợp đồng của doanh nghiệp với người lao động và 1 chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức cần thiết là đầy đủ. Do vướng mắc thủ tục nên nhiều hộ gia đìnhngại khi phải bổ sung các loại giấy tờ liên quan. Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu lao động không nằm trên địa bàn tỉnh mà đều ở các tỉnh, thành khác.

Được biết, vừa qua, HĐND ban hành Dự thảo Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ hoạt động giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm giai đoạn 2016 – 2020. Dự thảo Nghị quyết được xây dựng sẽ thay thế Nghị quyết 37 trước đây. Với những khó khăn, bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện, mong rằng, HĐND, UBND tỉnh có những giải pháp tháo gỡ để Dự thảo Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ hoạt động giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016 – 2020 sẽ có nhiều đổi mới, thiết thực và sớm đi vào cuộc sống.

Theo Hà Trần - Báo Vĩnh Phúc