Thứ Tư, 05/03/2014 7:46:34 (GMT+7)

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ

Sản xuất công nghiệp Vĩnh Phúc đang phục hồi là một tín hiệu tích cực. Chỉ tính riêng năm 2013, tổng giá trị sản xuất công nghiệp (CN) đạt 122.769 tỷ đồng, tăng 12,6% so với năm 2012; kim ngạch xuất khẩu đạt 1.031 tỷ đồng, tăng 54,8%; kim ngạch nhập khẩu đạt 1,715 tỷ đồng, tăng 0,15% so với năm 2012. Trong đó, khu vực kinh tế Nhà nước ước đạt 1.588 tỷ đồng, tăng 7,8%; kinh tế ngoài Nhà nước ước đạt 19.251 tỷ đồng, tăng 11,6%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 121.843 tỷ đồng, tăng 18,9% so với năm trước. Đặc biệt, các doanh nghiệp (DN) FDI vẫn coi Vĩnh Phúc là địa điểm đến đầu tư hấp dẫn và có nhiều tiềm năng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tính đến hết năm 2013, toàn tỉnh có 137 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 2.767,6 triệu USD. Tuy nhiên, cho đến nay, Vĩnh Phúc vẫn chưa thu hút được nhiều DN sản xuất các sản phẩm hỗ trợ mặc dù các dự án đầu tư trong ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) luôn được tỉnh ưu tiên, khuyến khích từ nhiều năm nay. Số dự án đầu tư vào tỉnh vẫn rất hiếm mặc dù nhu cầu của các công ty sản xuất, lắp ráp là rất lớn nhưng chủ yếu vẫn sử dụng lắp ráp từ các thiết bị, phụ tùng được nhập khẩu. Hiện công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của tỉnh mới chỉ chiếm 10% giá trị sản xuất toàn ngành CN, trong đó tập trung vào 3 ngành lớn đó là: ngành công nghiệp cơ khí, công nghiệp điện tử – tin học và công nghiệp ô tô – xe máy. Tuy nhiên, các sản phẩm CNHT trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, ôtô – xe máy, điện tử – tin học mới chỉ dừng lại ở một vài sản phẩm linh kiện đơn giản. Từ những hạn chế đó đã ảnh hưởng đến việc thu hút các dự án sản xuất, lắp ráp các sản phẩm kỹ thuật cao, công nghệ hiện đại, cũng như ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của sản phẩm do phải nhập khẩu chi tiết, linh kiện, nguyên liệu với chi phí cao.

Theo thống kê của Sở Công thương, các DN FDI trên địa bàn chiếm trên 80% tổng kim ngạch nhập khẩu của địa phương. Riêng năm 2013, tổng kim ngạch nhập khẩu toàn tỉnh ước đạt 1.715 triệu USD. Trong đó, nhập khẩu máy móc thiết bị và phụ tùng khác đạt 248 triệu USD, chiếm 13% tổng kim ngạch nhập khẩu; nhập khẩu linh kiện và phụ tùng sản xuất ô tô, xe máy đạt 368 triệu USD và chiếm 21%; nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu đạt 165 triệu USD và chiếm tương ứng 18%; nguyên liệu để sản xuất hàng tiêu thụ trong nước đạt 41 triệu USD và chiếm 2%; còn lại là nhập khẩu nguyên vật liệu khác phục vụ sản xuất kinh doanh đạt 891 triệu USD và chiếm 46%.

Theo khảo sát của Ban Quản lý các KCN tỉnh, riêng Công ty Honda Việt Nam có khoảng 500 nhà cung cấp sản phẩm CNHT, tuy nhiên, đến nay, tỉnh mới có 44 DN hỗ trợ, trong đó có 37 doanh nghiệp FDI. Đối với Công ty Toyota Việt Nam, một trong hai DN có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất của tỉnh vẫn chủ yếu phải nhập khẩu linh kiện cho sản xuất. Trong năm 2013, Toyota Việt Nam đã phải nhập khẩu linh kiện và phụ tùng sản xuất xe ôtô đạt gần 200 triệu USD; nhập khẩu để gia công 4 loại xe CBU (Hilux), CBU (Landcruiser), YARIS, HIACE đạt gần 10 triệu USD… Những con số này cho thấy, các DN FDI tuy có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao nhưng lại phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn hàng nhập khẩu nên giá trị gia tăng tại chỗ thấp.

Để tháo gỡ những khó khăn trên, ngày 19-7-2012 HĐND tỉnh đã ra Nghị quyết số 56 /2012/NQ-HĐND về việc ban hành cơ chế hỗ trợ cho các dự án thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ đầu tư vào các khu, CCN trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đối tượng hỗ trợ bao gồm các DN đầu tư vào các khu, CCN trên địa bàn tỉnh để sản xuất các sản phẩm CNHT cho các ngành cơ khí chế tạo, điện tử, tin học, công nghệ cao, sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy. Điều kiện và nguyên tắc hỗ trợ bao gồm hỗ trợ khi các dự án đã đi vào hoạt động sản xuất và chủ đầu tư dự án thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về mục tiêu, tiến độ đầu tư dự án; hỗ trợ một số chi phí đầu tư ban đầu trên cơ sở các hợp đồng, hóa đơn, chứng từ chi hợp lý, hợp lệ theo chế độ tài chính quy định. Nội dung hỗ trợ cho chi phí tư vấn lập hồ sơ dự án đầu tư, áp dụng cho dự án mới và dự án mở rộng (gọi chung là dự án), với mức hỗ trợ cụ thể đối với mỗi dự án có tổng vốn đăng ký dưới 0,2 triệu USD hỗ trợ 20 triệu đồng; dự án có tổng vốn đăng ký từ 0,2 triệu USD đến dưới 0,5 triệu USD hỗ trợ 30 triệu đồng; dự án có tổng vốn đăng ký từ 0,5 triệu USD đến dưới 01 triệu USD hỗ trợ 50 triệu đồng; dự án có tổng vốn đăng ký từ 01 triệu USD đến dưới 05 triệu USD hỗ trợ 100 triệu đồng; dự án có tổng vốn đăng ký từ 05 triệu USD trở lên hỗ trợ 200 triệu đồng. Đồng thời hỗ trợ chi phí bố cáo thành lập DN, quảng bá sản phẩm, tổng số hỗ trợ không quá 2 triệu đồng. Hỗ trợ 100% số tiền DN đã nộp các khoản phí, lệ phí liên quan đến chi phí ban đầu của dự án.

Để tạo “đòn bẩy” thúc đẩy ngành CNHT phát triển, bên cạnh việc ban hành cơ chế hỗ trợ cho các dự án thuộc ngành CN hỗ trợ đầu tư vào các khu, CCN trên địa bàn tỉnh, ngày 24-6-2013, UBND tỉnh còn ra Quyết định số 1588/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phát triển CNHT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo Quy hoạch, đến năm 2020 CNHT sẽ trở thành ngành CN phát triển hiện đại, có thể tham gia vào việc sản xuất và cung cấp phần lớn các linh kiện, phụ tùng, dịch vụ bảo trì, sửa chữa cho các ngành CN trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận; đến năm 2030, CNHT sẽ là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới.

Trước mắt, gắn với mục tiêu nội địa hoá các sản phẩm CN chủ lực, 5 ngành ưu tiên phát triển CNHT là: Sản xuất lắp ráp ôtô, xe máy; điện tử, tin học; cơ khí chế tạo; sản xuất vật liệu xây dựng và dệt may, da giày.

Việc ban hành kịp thời chính sách hỗ trợ trên cùng những biện pháp tăng cường thu hút đầu tư khác, đặc biệt là thu hút các DN có vốn đầu tư lớn vào đầu tư trên địa bàn tỉnh sẽ góp phần thúc đẩy CNHT phát triển. Đồng thời sẽ là bước đi quan trọng để Vĩnh Phúc xây dựng, phát triển ngành CN bền vững.

Theo Nguyễn Hoàn - Báo Vĩnh Phúc