Thứ Sáu, 07/03/2014 7:46:19 (GMT+7)

Đẩy mạnh khai thác, phát triển du lịch rừng

Vườn quốc gia (VQG) Tam Đảo nằm trọn trong dãy núi Tam Đảo, có chiều dài trên 80km, chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, thuộc địa phận của 23 xã, 4 huyện, thị của 3 tỉnh: Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Với thời tiết mát mẻ, khí hậu trong lành, hệ sinh thái động, thực vật đa dạng phong phú đã và đang trở thành điểm đến của nhiều du khách trong, ngoài nước. Khai thác, phát triển du lịch nói chung và du lịch rừng ở Vĩnh Phúc nói riêng đang được sự quan tâm của nhiều cơ quan chức năng và là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội rất lớn.

Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam đặt tại Tam Đảo là một trong những điểm đến lý tưởng của du khách nằm trong chuỗi địa điểm thăm thú VQG Tam Đảo.

Đã từ lâu, du lịch rừng được nhiều người chọn là điểm đến trong các chuyến thăm quan, nghỉ dưỡng cùng gia đình, cơ quan, bạn bè… Bởi lẽ, rừng vừa mang lại không khí trong lành, thoải mái, làm cho con người cảm thấy gần gũi khi được hòa mình vào thiên nhiên. VQG Tam Đảo là là kho tài nguyên quý giá, nơi lưu giữ sự đa dạng sinh học cao với rất nhiều loài động, thực vật đặc hữu và quý hiếm với trên 1.200 loài thực vật, nhiều loài cây thuốc quý và khoảng 1.100 loài động vật, côn trùng, là nơi phục hồi, lưu giữ các nguồn gen phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, học tập; có nhiều loài cây thuốc quý hiếm, do vậy là nguồn dược liệu hữu ích cho nhân dân quanh vùng. Bên cạnh đó, với những thế mạnh như: Không khí thoáng mát, hệ sinh thái đa dạng,…lại nằm trong tổng thể những điểm du lịch đẹp như: Thị trấn Tam Đảo, Tây Thiên, Thiền Viện Trúc Lâm, Khu nghỉ dưỡng Tam Đảo, Tháp Truyền hình,…Hơn nữa lại có Trung tâm cứu hộ Gấu Việt Nam đặt tại đây, nơi bảo tồn, phục hồi và chăm sóc Gấu của nước ta. Đó là điều kiện thuận lợi để Vườn đẩy mạnh phát triển du lịch rừng, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn là một hình thức quảng bá, tuyên truyền cho nhân dân về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn các loại động vật hoang dã, quý hiếm khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Nhận thấy tiềm năng từ phát triển du lịch rừng, nhằm thu hút và phục vụ khách du lịch đến thăm quan, Trung tâm du lịch sinh thái và giáo dục môi trường VQG Tam Đảo kết hợp với các công ty lữ hành đã mở một số tuyến du lịch kết hợp thăm thú danh thắng và quảng bá hình ảnh như: Từ Vườn đi trung tâm cứu hộ Gấu Việt Nam, Thiền Viện Trúc Lâm, Tây Thiên, Thác Bạc…, đã tạo cho du khách một cách nhìn tổng quan mới về sự đặc sắc, đa dạng của du lịch Tam Đảo nói chung và du lịch rừng nói riêng.

Tuy nhiên, bên cạnh những thế mạnh để phát triển du lịch rừng ở Tam Đảo, chúng ta vẫn còn có những hạn chế cần phải khắc phục như: Nguồn nhân lực có có hạn, trình độ chuyên môn còn hạn chế, chưa chuyên nghiệp do phần lớn người làm về lĩnh vực này chưa được đào tạo chuyên sâu qua các trường lớp về chuyên ngành du lịch mà chủ yếu vẫn trong quá trình tự học tự làm; các sản phẩm du lịch còn nghèo và chưa thật hấp dẫn trong khi khu du lịch Tam Đảo hiện nay đã bị biến dạng bởi việc xây dựng các công trình chưa theo một quy hoạch du lịch có tầm vóc xứng đáng, làm mai một tiềm năng, lợi thế. Bên cạnh đó còn là sự thiếu khoa học trong tổ chức không gian và xây dựng sản phẩm du lịch khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế kéo theo sự xuống cấp của tài nguyên và môi trường du lịch; nhận thức trong xã hội về du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái chưa đầy đủ. Chính vì thế, để khai thác có hiệu quả và phát triển bền vững du lịch Tam Đảo cần phải có những tính toán hợp lý để vừa khai thác phát triển bền vững du lịch đem lại hiệu quả kinh tế – xã hội, vừa bảo tồn, quảng bá hình ảnh du lịch của chúng ta ra bên ngoài.

Chia sẻ về hướng đi để phát triển du lịch rừng trong giai đoạn sắp tới, ông Đỗ Thanh Hải, Gíam đốc VQG Tam Đảo cho biết: “ Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch mà VQG Tam Đảo đem lại là rất lớn, chúng tôi đã xây dựng “Đề án phát triển du lịch sinh thái Vườn quốc gia Tam Đảo” và đã được Tổng cục Lâm nghiệp – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt dự án này trên cơ sở bảo tồn, phát triển bền vững; huy động mọi nguồn lực trong xã hội nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và thương hiệu du lịch Tam Đảo. Đây là một bước tiến rất dài mà VQG Tam Đảo đạt được, bởi vườn không chỉ phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, bảo tồn các loài động thực vật quý hiếm mà sẽ còn quảng bá hình ảnh, tuyên truyền, gíao dục ý thức, hành động của con người về bảo tồn thiên nhiên khi đi thăm thú Vườn.”

Thiết nghĩ, để khai thác có hiệu quả thế mạnh rừng nguyên sinh trong phát triển du lịch sinh thái, chúng ta cần phải có chính sách hợp lý, chiến lược hỗ trợ và nguồn nhân lực dồi dào và sự phối hợp có hiệu quả từ các ban ngành có liên quan thì hình thức du lịch rừng phát triển, nhân rộng. Nhất là vừa qua, Thủ tướng chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg vào ngày 20/2/2014 về tăng cường chỉ đạo và thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo tồn các loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm. Sự phát triển của du lịch rừng ở Tam Đảo nói riêng, cả nước nói chung sẽ vừa quảng bá một hình thức du lịch mới mẻ đến cộng đồng, vừa đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý và bảo tồn động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm để người dân biết và thực hiện.

Theo Ngọc Lan - Báo Vĩnh Phúc