Thứ Sáu, 03/02/2017 7:35:52 (GMT+7)

Đẩy mạnh hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

Thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), những năm qua, tỉnh đã tập trung triển khai, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU, năm 2016, toàn tỉnh có 833 doanh nghiệp được thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký 4,3 nghìn tỷ đồng, tăng 22% về số doanh nghiệp và tăng 17% về số vốn đăng ký so với năm 2015. Lũy kế hết năm 2016, trên địa bàn tỉnh có gần 7.400 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký gần 56 nghìn tỷ đồng, trong đó có hơn 5.000 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh… Các doanh nghiệp đóng góp chongân sách Nhà nước gần 25 nghìn tỷ đồng, tăng 117% so với cùng kỳ năm 2015; giá trị xuất khẩu đạt hơn 1,7 tỷ USD; tạo việc làm cho gần 60 nghìn lao động.

Xác định công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ DNNVV là nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị và các đoàn thể trên địa bàn tỉnh thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ của tỉnh đối với các DNNVV thông qua các kênh thông tin; đổi mới, đa dạng hóa hình thức tư vấn, trợ giúp pháp lý cho công nhân lao động; đào tạo, trợ giúp nguồn nhân lực và hỗ trợ tuyển dụng lao động; hỗ trợ DNNVV nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa và đổi mới công nghệ; hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường… Bên cạnh đó, các cơ quan thông tin, truyền thông của tỉnh phản ánh đầy đủ, chính xác, kịp thời các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; đăng tải các chính sách, pháp luật và hỗ trợ thương mại điện tử, thông tin quảng bá cho doanh nghiệp.

Đồng hành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thời gian qua, các ngân hàng và tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện có hiệu quả cơ chế cho vay hỗ trợ lãi suất. Năm 2016, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã cho gần 1.900 doanh nghiệp vay vốn, với dư nợ hơn 8.100 tỷ đồng, tăng 25,4% so với cuối năm 2015; hỗ trợ lãi suất bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu cho 9 doanh nghiệp với kinh phí cho vay 30 tỷ đồng; hỗ trợ 1 doanh nghiệp phát triển WiFI miễn phí tại thị trấn Tam Đảo phục vụ khách du lịch với kinh phí 5.400 triệu/6 năm; khấu trừ hơn 3 tỷ đồng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng vào tiền thuê đất cho 3 doanh nghiệp… Ngoài ra, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ tỉnh đã hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xây dựng và tổ chức thẩm định hơn 10 dự án vay vốn, trong đó có 2 dự án được quỹ cho vay 5 tỷ đồng và 8 dự án chờ phê duyệt với số vốn vay 25 tỷ đồng…Với nguồn vốn hỗ trợ từ các đơn vị đã giúp các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, góp phần giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh trạnh và phát triển thị trường.

Với phương châm “Tất cả các nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc đều là công dân của Vĩnh Phúc”, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; duy trì bộ phận một cửa, một cửa liên thông ở các sở, ngành, cấp huyện; vận hành Cổng thông tin đối thoại doanh nghiệp – Chính quyền kịp thời giải đáp các câu hỏi, kiến nghị của doanh nghiệp… Theo đó, ngành Thuế đã tập huấn hướng dẫn kê khai thuế qua mạng Internet cho 100% doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh; cắt giảm số lần khai thuế GTGT theo tháng xuống khai thuế theo quý; bãi bỏ bảng kê hóa đơn hàng hóa, dịch vụ mua vào, bán ra trong hồ sơ khai thuế GTGT; cắt giảm thời gian kiểm tra tước hoàn thuế GTGT tại trụ sở người nộp thuế từ 60 ngày làm việc xuống còn 40 ngày; cắt giảm thủ tục hành chính để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách Nhà nước từ 537 giờ/năm xuống còn 117 giờ/năm. Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng thực hiện đơn giản hóa hồ sơ, giấy tờ vay vốn… tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Thi, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại phân bón Phú Điền, là doanh nghiệp dân doanh, sản xuất và kinh doanh các mặt hàng phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp, những năm qua, sản phẩm của công ty được bà con nông dân trong, ngoài tỉnh biết đến và tin tưởng lựa chọn. Năm 2016, doanh thu của Công ty đạt gần 100 tỷ đồng, tăng trưởng gần 20% so với cùng kỳ năm 2015. Để đạt được kết quả trên, bên cạnh sự nỗ lực của tập thể cán bộ, lãnh đạo và người lao động, Công ty luôn nhận được sự quan tâm từ phía tỉnh bằng những cơ chế, chính sách cụ thể; tỉnh tổ chức nhiều hội nghị tiếp xúc doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp gặp gỡ, đối thoại, trao đổi thông tin đến lãnh đạo UBND tỉnh cũng như lãnh đạo các sở, ngành được kịp thời; các thủ tục hành chính được công khai, minh bạch… Qua đó, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Để sớm đưa Vĩnh Phúc trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, thời gian tới, cùng với đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư vào thị trường các nước tiềm năng, UBND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch; chủ động tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư là các DNNVV trong việc thực hiện cấp Giấy chứng nhận đầu tư dự án ngoài KCN với thời gian theo đúng quy định của Luật Đầu tư công 2014; thực hiện tốt các dịch vụ công về tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp trong thành lập mới, chuyển đổi doanh nghiệp, tư vấn lập dự án đầu tư, lập chiến lược và kế hoạch kinh doanh; hoàn thành việc khảo sát thu thập thông tin từ cộng đồng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở đó tham mưu chính sách thu hút doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư vào lĩnh vực ưu tiên theo định hướng phát triển tỉnh có thế mạnh. Phát triển mạng lưới hệ thống thông tin về thị trường, nâng cao chất lượng xúc tiến thương mại, giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường. Ưu tiên tập trung vốn hỗ trợ cho các lĩnh vực ưu tiên, các dự án trọng điểm, dự án lớn có hiệu quả và các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế…

Theo Mai Liên - Báo Vĩnh Phúc