Dành nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư Hàn Quốc
Tại Vĩnh Phúc, cộng đồng các doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc ngày càng lớn mạnh, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Vĩnh Phúc xác định Hàn Quốc là thị trường truyền thống, giàu tiềm năng về đầu tư, nhất là công nghiệp điện tử, may mặc, mỹ phẩm; xây dựng đô thị, hạ tầng giao thông; đào tạo nghề. Tính đến hết tháng 4-2014, Vĩnh Phúc thu hút 59 dự án đầu tư trực tiếp (FDI) của Hàn Quốc, với tổng vốn đăng ký gần 510 triệu USD, đứng thứ nhất về số dự án, thứ hai về tỷ lệ vốn thực hiện và đứng thứ ba về tổng vốn đăng ký (sau Đài Loan và Nhật Bản).
Một trong số các DN có vốn đầu tư Hàn Quốc đang hoạt động có hiệu quả trên địa bàn tỉnh phải kể đến đó là Công ty TNHH JahWa Vina thuộc tập đoàn điện tử JahWa Vina Korea có trụ sở tại KCN Khai Quang (Vĩnh Yên). Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 2-2010 với tổng vốn đầu tư ban đầu là 10 triệu USD. Công ty chuyên sản xuất kinh doanh chất bán dẫn, các linh kiện điện tử và thiết bị công nghệ thông tin. Ban đầu, khi mới đi vào hoạt động, Công ty chỉ có 1 phân xưởng với 400 cán bộ, công nhân viên. Đến nay, Công ty đã mở rộng sản xuất, phát triển thêm 2 phân xưởng với diện tích sử dụng gần 7 ha, sản xuất 300 tấn linh kiện điện tử/năm, 150 tấn linh kiện CNTT/năm, nâng tổng vốn đầu tư lên 40 triệu USD. Doanh thu xuất khẩu bình quân hàng năm đạt trên 40 triệu USD/năm. Công ty đã giải quyết việc làm và đem lại thu nhập ổn định cho 2.500 công nhân lao động trong và ngoài tỉnh với mức thu nhập bình quân đạt từ 3,5 – 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh việc tạo điều kiện cho Công ty TNHH JahWa Vina sản xuất kinh doanh thành công trên địa bàn tỉnh, mới đây Vĩnh Phúc đã hỗ trợ tích cực cho Công ty TNHH Power Logics Vina đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà xưởng, kịp khánh thành đi vào sản xuất trong tháng 6-2014 theo đúng lộ trình DN đề ra. Công ty Power Logics được thành lập từ năm 1997, đã có một số dự án đầu tư ở Trung Quốc và Đông Nam Á. Tại Vĩnh Phúc, Công ty đầu tư dự án sản xuất 3 loại sản phẩm: module mạch bảo vệ, module thông minh và module máy quay phim sản lượng khoảng 4,8 triệu sản phẩm/tháng; tổng vốn đầu tư 11 triệu USD; diện tích sử dụng trên 2,3 ha tại KCN Khai Quang. Đây là dự án được triển khai rất nhanh, mặc dù mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 12-2013, nhưng đến nay các hạng mục chính của nhà xưởng đã cơ bản hoàn thành, dự kiến tháng 5-2014 sẽ sản xuất thử và chính thức hoạt động từ tháng 6-2014.
Trên cơ sở những lợi thế, sự khác biệt của môi trường đầu tư cùng các chính sách hỗ trợ đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc, đại diện một số Công ty Hàn Quốc đánh giá rất cao về môi trường đầu tư của tỉnh, đặc biệt là thủ tục hành chính về đầu tư được giải quyết nhanh chóng, thuận lợi, từ lãnh đạo tỉnh đến người dân đều rất quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho dự án. Hiện nay nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc bày tỏ nguyện vọng đến Vĩnh Phúc tìm hiểu cơ hội đầu tư và khảo sát thực tế, trong đó có Công ty Huyndai Power (HPSM), Công ty Samyang Reduction Gear, Công ty TNHH Zenis Int L, Công ty TNHH thiết kế và xây dựng Hanshin, Công ty SK Securities, Công ty Gold Power Trade (GPT)…
Vĩnh Phúc và tỉnh Chungcheoungbuk (Hàn Quốc) đã ký kết hợp tác hữu nghị từ năm 2008, đến nay đã trên 6 năm, hai tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, đưa mối quan hệ hợp tác ngày càng phát triển bền vững. Cụ thể hai bên đã trao đổi các đoàn lãnh đạo cấp cao, các nhóm công tác chia sẻ về chuyên môn nghiệp vụ; hai bên hỗ trợ đào tạo tiếng Việt và tiếng Hàn cho một số cán bộ; Vĩnh Phúc cử đoàn nghệ thuật sang Chungcheoungbuk-do biểu diễn; Chungcheoungbuk-do tài trợ 4 máy nông nghiệp, 2 máy chế biến nông sản và hỗ trợ kỹ thuật nuôi ong cho Vĩnh Phúc… Cũng nhân dịp kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc (22/12/1992 – 22/12/2012), tại Vĩnh Phúc đã diễn ra lễ trao tặng các công trình xã hội của 11 DN Hàn Quốc tại Vĩnh Phúc và Cơ quan Xúc tiến thương mại – Đầu tư Hàn Quốc tài trợ đó là: Ngân hàng Shinhan tài trợ 72.000 USD dành cho việc xây dựng nhà trẻ Đại Đình; Công ty TNHH Vina Korea và Công ty JahWa Vina cùng Hongjin Crown tài trợ chi phí nguyên vật liệu xây dựng 5 ngôi nhà tình thương dành cho những gia đình nghèo của tỉnh; Công ty TNHH Microshine tài trợ cho những trẻ em mắc bệnh da liễu hiểm nghèo; Công ty TNHH Shelline tài trợ cho những trẻ em bị nhiễm chất độc màu da cam; Seok Woo E & C trợ chi phí tái tạo, sửa chữa hệ thống lọc nước tại xã Bình Dương (Vĩnh Tường); Nanum CNC tài trợ sữa bột cho các trẻ em sơ sinh thuộc diện hộ nghèo của tỉnh; MIT E & C, Shilline và KOTRA đã tham gia đóng góp vào việc xây dựng Trại trẻ mồ côi, POSCO E&C hỗ trợ việc tu bổ lại 2 trường mẫu giáo trên địa bàn tỉnh. Tổng số tiền các DN Hàn Quốc hỗ trợ cho tỉnh Vĩnh Phúc gần 2,6 tỷ đồng.
Theo Đại sứ đặc mệnh toàn Quyền Hàn Quốc tại Việt Nam: “Các DN Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam đã thành lập Hội đồng trách nhiệm xã hội của DN Hàn Quốc và Hàn Quốc đã lựa chọn tỉnh Vĩnh Phúc là địa phương tiêu biểu trong năm 2012 để trao tặng các công trình xã hội không chỉ vì đây là địa phương có rất nhiều DN Hàn Quốc đang đầu tư, mà còn vì chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đã dành cho phía Hàn Quốc rất nhiều ưu đãi và tích cực hỗ trợ các DN Hàn Quốc đóng tại địa bàn tỉnh trong các hoạt động cống hiến cho xã hội. Những hoạt động cống hiến cho xã hội của các DN Hàn Quốc không chỉ dừng lại là hoạt động tạm thời hay duy nhất, mà trong tương lai chúng tôi sẽ cố gắng nỗ lực hết sức mình trong công cuộc cống hiến và hoạt động vì xã hội cùng các địa phương tại Việt Nam.
Để khẳng định cho lời hứa trên, vào cuối tháng 3-2014 mới đây đại diện tổ chức PAMWF (Hàn Quốc) tại Việt Nam đã đến thăm và làm việc tại tỉnh ta. Là một tổ chức phi Chính phủ, tổ chức PAMWF chuyên hoạt động trong các lĩnh vực nhân đạo xã hội. Làm việc với Vĩnh Phúc, PAMWF đề nghị ký một thỏa thuận hợp tác nhằm thực hiện Dự án trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh với mục đích chính là hỗ trợ người nghèo và các đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội có cơ hội được hưởng chế độ chăm sóc, cải thiện đời sống, hòa nhập với cộng đồng. Với thời gian hoạt động dự kiến là 10 năm, Dự án sẽ triển khai một số hoạt động cụ thể như thành lập Trung tâm phục hồi chức năng; tổ chức các hoạt động chăm sóc phụ nữ mang thai có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh tiểu học và thực hiện các hoạt động viện trợ nhân đạo khẩn cấp. Tổng kinh phí dự trù trong 10 năm là 1,684 triệu USD. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai Dự án, PAMWF đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ 1.000m2 đất nội thành hoặc xung quanh khu vực thành phố Vĩnh Yên trong 10 năm để xây dựng Trung tâm phục hồi chức năng.
Các lãnh đạo tỉnh đã ghi nhận và đánh giá cao thịnh tình của tổ chức PAMWF đối với tỉnh Vĩnh Phúc nói chung và các đối tượng thụ hưởng sự hỗ trợ nói riêng. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án, UBND tỉnh giao Sở KH&ĐT hướng dẫn PAMWF thực hiện ngay các thủ tục hành chính trước mắt; các sở ngành chức năng liên quan liên hệ, tạo điều kiện giúp PAMWF hoàn tất các thủ tục pháp lý khác. Để bày tỏ sự tin tưởng vào hiệu quả hoạt động trong tương lai của PAMWF trong việc trợ giúp các đối tượng khó khăn của Vĩnh Phúc, lãnh đạo tỉnh đề nghị tổ chức này có tiếng nói cần thiết trong việc quảng bá hình ảnh của Vĩnh Phúc, kêu gọi các DN của Hàn Quốc đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm cơ hội đầu tư vào địa phương.
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh