Thứ Hai, 14/11/2016 10:34:13 (GMT+7)

Công tác đối ngoại góp phần thu hút đầu tư

Từ một tỉnh nghèo, tổng thu ngân sách chưa đầy 100 tỷ đồng, sau 20 năm tái lập, Vĩnh Phúc trở thành điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp FDI. Đặc biệt, từ năm 2005 đến nay, tỉnh luôn nằm trong tốp đầu các địa phương có tốc độ tăng trưởng công nghiệp và thu ngân sách cao của cả nước. Có được kết quả trên, bên cạnh việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch; ban hành nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, có sự đóng góp không nhỏ của công tác đối ngoại.

Công tác đối ngoại góp phần thu hút đầu tư

Công ty TNHH Jahwa Vina (KCN Khai Quang) là doanh nghiệp 100%vốn Hàn Quốc chuyên sản xuất linh kiện điện tử tạo việc làm thường xuyên cho gần 4 nghìn công nhân với thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/người/tháng. Ảnh Thế Hùng

Với vai trò là cơ quan tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác đối ngoại, những năm qua, Sở Ngoại vụ thực hiện tốt công tác đối ngoại trên cả 3 trụ cột: Ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa, qua đó, góp phần nâng cao vị thế và hình ảnh của Vĩnh Phúc; thúc đẩy hợp tác hữu nghị quốc tế, thu hút đầu tư; thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội (KT – XH) của tỉnh nói riêng và thúc đẩy tiến trình hội nhập, phát triển KT – XH của Việt Nam nói chung.

Thực hiện đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, tích cực hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta và Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Vĩnh Phúc đã chủ động tìm kiếm, mở rộng và thiết lập quan hệ hợp tác với nhiều địa phương của các nước trên thế giới. Đến nay, tỉnh có quan hệ hợp tác hữu nghị với 8 địa phương của Lào; tỉnh Chungcheongbuk – Hàn Quốc; tỉnh Akita – Nhật Bản…Hàng năm, tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động trao đổi đoàn các cấp, các ngành; giúp đỡ xây dựng cơ sở vật chất; đào tạo cán bộ cho các địa phương của Lào, đặt biệt là tỉnh Luông-nậm-thà …Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ hơn 10 triệu USD xây dựng cơ sở vật chất cho các tỉnh Bắc Lào; đào tạo 110 cán bộ, lưu học sinh Lào…góp phần thắt chặt tình đoàn kết, mối quan hệ truyền thống giữa 2 dân tộc.

Đối với tỉnh Chungcheongbuk (Hàn Quốc) đã thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với Vĩnh Phúc từ tháng 10/2008. Hai bên không ngừng tăng cường và mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhất là nông nghiệp, thu hút đầu tư…Đặc biệt, sau khi 2 tỉnh ký kết các thỏa thuận hợp tác, trên địa bàn tỉnh có 3 doanh nghiệp thuộc tỉnh Chungcheongbuk gồm: Công ty TNHH Jahwa Vina, Công ty Power Logics và Công ty TNHH Kyungil Optics Việt Nam đầu tư vào Vĩnh Phúc và tích cực tham gia vào các chương trình trách nhiệm xã hội cùng với các doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại tỉnh.

Đối với tỉnh Akita (Nhật Bản), năm 2015, Vĩnh Phúc đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác hữu nghị với tỉnh Akita. Đây là bước tiến quan trọng xây dựng mối quan hệ hữu nghị tin tưởng lẫn nhau làm nền móng cho các hoạt động hợp tác. Theo đó, hai tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Akita đã tăng cường triển khai các chương trình hợp tác như trao đổi đào tạo cán bộ; đẩy mạnh các hoạt động quảng bá hình ảnh, tiềm năng, lợi thế, môi trường đầu tư và các chính sách ưu đãi đến nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp ở mỗi tỉnh. Nhất là, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai tỉnh trong việc thực hiện mở rộng quan hệ thương mại, mở rộng đầu tư, tìm nguồn nhân lực, đào tạo kỹ sư nông nghiệp, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp, tổ chức triển lãm và tiếp xúc thương mại giữa các bên.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng tăng cường và mở rộng quan hệ với các địa phương như thành phố Vân Nam (Trung Quốc), thành phố Kidapawan (Phi-líp-pin), Bang Hessen (Cộng hòa Liên bang Đức), Vùng Tuscany (Italia), tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc)…

Cùng với việc duy trì và củng cố quan hệ với địa phương các nước, từ 2008 đến nay, tỉnh tiếp đón và làm việc với gần 1.000 đoàn khách quốc tế đến thăm, tìm hiểu môi trường đầu tư, tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị với tỉnh, trong đó có nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao và nguyên thủ quốc gia các nước như: Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; Hàn Quốc; Nhật Bản; Nga; Hoa Kỳ…và nhiều đoàn cấp Bộ trưởng, Đại sứ, chính quyền địa phương các nước và các tổ chức quốc tế…Tỉnh đã cử và cho phép gần 3.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh đi công tác học tập ở nước ngoài…Thông qua đó, Vĩnh Phúc đã giới thiệu tiềm năng, lợi thế, hình ảnh, con người, chính sách ưu đãi, môi trường đầu tư của tỉnh đến với bạn bè quốc tế.

Công tác ngoại giao văn hóa cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Thông qua các sự kiện, văn hóa, lễ hội, du lịch; giao lưu với đoàn văn hóa nghệ thuật tỉnh Nagano (Nhật Bản); Ban nhạc The Amigos, Dàn đồng ca nam Pacific Boychoir (Hoa Kỳ), Ban nhạc Christine Anu (Australia); Đoàn nghệ thuật múa Odissi, Ban nhạc Krosswindz (Ấn Độ), giao lưu với kỷ lục gia Guiness về trí nhớ Eran Katz (Israel) và tổ chức Tuần phim Ấn Độ tại Vĩnh Phúc… đã đưa hình ảnh của Vĩnh Phúc đến gần hơn với bạn bè quốc tế, góp phần tăng cường sự hiểu biết, gắn bó, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa Vĩnh Phúc với các nước trên thế giới.

Với việc vận dụng linh hoạt, hiệu quả chính sách mở rộng quan hệ đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế, những năm gần đây, Vĩnh Phúc tạo được sự bứt phá trong thu hút đầu tư, với 227 dự án FDI đến từ 16 quốc gia trên thế giới, với tổng số vốn đăng ký gần 3,5 tỷ USD (tính đến tháng 10/2016), trong đó, nhiều dự án của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới như Honda, Toyota, Piaggio…Ngoài ra, tỉnh cũng thu hút được các nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức, nguồn vốn phi chính phủ nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng như: Điện, nước, giao thông, thủy lợi, môi trường và xóa đói giảm nghèo…

Nhằm đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, góp phần thu hút đầu tư vào tỉnh, thời gian tới, Sở Ngoại vụ tiếp tục tham mưu với tỉnh triển khai, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của BCH Trung ương Đảng. Duy trì và phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống với các địa phương phía Bắc của Lào; tỉnh Chungcheongbuk (Hàn Quốc) trên tất cả các lĩnh vực; xúc tiến các nội dung đã ký kết trong Bản ghi nhớ về hợp tác với tỉnh Akita (Nhật Bản); củng cố và phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với các tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam và các cơ quan Đại sứ quán các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Pháp…; xúc tiến hợp tác hữu nghị với các địa phương của một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới như: Bang Hessen (CHLB Đức), bang Oregon (Hoa Kỳ), tỉnh Siena (Italia), tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc) và một số nước trong khối ASEAN. Chủ động đa dạng hóa hình thức xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài, ưu tiên các lĩnh vực: Bảo vệ môi trường, xử lý chất thải; phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu…Triển khai sâu rộng công tác thông tin đối ngoại và ngoại giao văn hóa nhằm tăng cường giới thiệu, quảng bá hình ảnh, văn hóa, môi trường đầu tư cũng như tiềm năng phát triển KT-XH của tỉnh đến với bạn bè và các địa phương trên thế giới….

Theo Mai Liên - Báo Vĩnh Phúc