Công nghiệp Vĩnh Phúc: Chuyển biến từ “lượng” sang “chất”
Trong điều kiện còn không ít khó khăn, thách thức, cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Đặc biệt, với việc thực hiện một số định hướng ưu tiên, công nghiệp Vĩnh Phúc đã và đang có sự chuyển biến rõ nét từ “lượng” sang “chất”, phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu năm 2015 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020…
Khẳng định vai trò nền tảng của nền kinh tế
Trong giai đoạn 2011- 2015, sản xuất công nghiệp duy trì nhịp độ tăng trưởng ổn định trong điều kiện tình hình kinh tế suy thoái chưa được phục hồi, tình hình tài chính, tín dụng, bất động sản trong nước diễn biến bất lợi. Ước giá trị sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 9,2%/năm, trong đó công nghiệp Nhà nước tăng 8,1%/năm, công nghiệp ngoài Nhà nước tăng 15,5%/năm, công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 7,6%/năm. Các sản phẩm công nghiệp ngày càng tăng về số lượng và chủng loại, nhiều sản phẩm mới như linh kiện điện tử, hàng công nghiệp tiêu dùng…. Sản phẩm công nghiệp có lợi thế so sánh tiếp tục phát triển, sản phẩm công nghiệp ô tô, xe máy tiếp tục giữ vai trò chủ lực duy trì sự tăng trưởng góp phần ổn định tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được hình thành và từng bước phát triển, nhất là công nghiệp hỗ trợ cho ngành cơ khí chế tạo và điện tử – tin học, điển hình là lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử tăng 124,5%/năm.
Sự phát triển của lĩnh vực công nghiệp đã tạo đóng góp quan trọng vào thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp xuất khẩu tăng, đóng góp thêm về chủng loại hàng hóa tham gia xuất khẩu và nâng cao giá trị xuất khẩu. Trên địa bàn tỉnh hiện có 182 doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, cơ cấu mặt hàng chuyển hướng tăng dần những hàng hoá có giá trị gia tăng cao chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,96 tỷ USD, gấp 3,5 lần so với năm 2010; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 2,1 tỷ USD, tăng bình quân 6,9%/năm. Mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn như: Linh kiện xe máy tăng 34,2%/năm, linh kiện điện tử tăng 72,6%/ năm, hàng dệt may tăng 3,2%/năm, giày dép tăng 6,1%/năm.
Hạ tầng các khu, cụm công nghiệp ngày càng được hoàn thiện, cơ bản đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển công nghiệp. Tỉnh đã thành lập và cấp giấy chứng nhận đầu tư 8/20 khu công nghiệp theo quy hoạch. Ước tính đến hết năm 2015 có 10 khu công nghiệp được thành lập (vốn đăng ký FDI là 214,5 triệu USD, vốn đăng ký DDI là 7.653 tỷ đồng). Vốn thực hiện đạt 40,6%, tỷ lệ lấp đầy 58-63%. Hiện có 15/31 cụm công nghiệp được hình thành với tổng diện tích 337 ha, đạt tỷ lệ lấp đất đã thu hồi gần 70%, đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất có hạ tầng đồng bộ cho sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề ở địa bàn nông thôn, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề, khu dân cư.
Thu hút đầu tư phát triển công nghiệp trong thời gian qua đạt được những kết quả tích cực, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 754 dự án đầu tư sản xuất công nghiệp còn hiệu lực gồm: 184 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký là 3.077 triệu USD, vốn thực hiện ước đạt 1.500 triệu USD, đạt 48,75% tổng vốn đầu tư đăng ký; 570 dự án DDI với tổng số vốn đăng ký là 38.250 tỷ đồng vốn thực hiện ước đạt 16.091 tỷ đồng, đạt 41,0% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Một số ngành công nghiệp ô tô, xe máy là ngành công nghiệp chủ đạo của tỉnh đã duy trì sự tăng trưởng góp phần ổn định tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Công nghiệp hỗ trợ được hình thành và từng bước phát triển, nhất là công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp cơ khí chế tạo và công nghiệp điện tử – tin học, điển hình là sản xuất linh kiện điện tử tăng bình quân 124,5%/năm. Ngành công nghiệp cơ khí chế tạo tăng 8,97%/năm; công nghiệp điện, điện tử tăng 56,74%/năm; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng tăng 6,1%/năm; công nghiệp dệt may, da giày tăng 14,68%/năm, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm tăng 25%/năm,… Đặc biệt từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số ngành công nghiệp công nghệ cao sản xuất sản phẩm công nghiệp điện tử.
Các dự án sản xuất ô tô hoạt động hiệu quả, sản lượng và tỷ lệ nội địa hóa được tăng hàng năm. Hiện các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô xe máy đang tập trung hướng tới thị trường xuất khẩu với tỷ lệ xuất khẩu tăng hàng năm để phù hợp với kinh tế thị trường và chuỗi cung ứng toàn cầu. Các doanh nghiệp lớn như: Công ty Toyota, Honda, Piaggio,… tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động, đóng góp lớn cho ngân sách tỉnh, gia tăng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn.
Có thể nói, sản xuất công nghiệp khẳng định là nền tảng của nền kinh tế, lĩnh vực dịch vụ phát triển ngày càng phong phú và đa dạng, hoạt động kinh doanh thương mại phát triển theo chiều hướng hiện đại, văn minh, góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu của tỉnh theo hướng CNH, HĐH sớm trở thành thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỷ XXI.
Tập trung phát triển công nghiệp chủ lực quy mô lớn, ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ
Một trong những định hướng phát triển công nghiệp được ưu tiên là tập trung phát triển công nghiệp chủ lực quy mô lớn trên cơ sở xác định hỗ trợ đầu tư phát triển các lĩnh vực sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy, công nghiệp cơ khí chế tạo, điện tử, công nghiệp hỗ trợ theo cơ cấu thành phần kinh tế hợp lý. Đặc biệt coi trọng doanh nghiệp công nghiệp quy mô vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, lấy hiệu quả kinh tế xã hội làm tiêu chuẩn định hướng lựa chọn dự án đầu tư. Ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ để tạo nền tảng vững chắc cho phát triển các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh một cách bền vững, gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội; tạo hàng hoá thay thế nhập khẩu định hướng theo các ngành ưu tiên là: cơ khí, chế tạo, ô tô, điện tử tin học, dệt may, da giày thu hút các dự án đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp dần hoàn thiện hạ tầng công nghiệp đồng bộ đáp ứng yêu cầu phát triển…. Phát triển công nghiệp hỗ trợ trên cơ sở chọn lọc, dựa trên tiềm năng, thế mạnh của tỉnh với công nghệ tiên tiến, có tính cạnh tranh cao. Trước mắt, gắn với mục tiêu nội địa hoá các sản phẩm công nghiệp chủ lực; lâu dài phấn đấu trở thành một mắt xích cung cấp sản phẩm hỗ trợ có hàm lượng giá trị cao trong dây chuyền sản xuất trong nước và quốc tế, tiến tới đẩy mạnh xuất khẩu; phát huy và tăng cường tối đa năng lực đầu tư của các công ty, tập đoàn đa quốc gia nhằm tranh thủ khả năng về vốn và trình độ công nghệ tiên tiến, tiến tới tiếp nhận chuyển giao các công nghệ cao.
Ước năm 2015, cơ cấu kinh tế ngành công nghiệp, xây dựng là 61,9%, đạt mục tiêu Đại hội. Đáng chú ý, sự phát triển trong lĩnh vực công nghiệp của tỉnh đã có sự chuyển biến từ “lượng” (số dự án, tổng vốn đầu tư…) sang “chất” theo hướng ưu tiên những mũi nhọn ngành nghề mang hàm lượng giá trị gia tăng cao, ưu tiên công nghiệp hỗ trợ…
Để thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp hỗ trợ, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh đã ban hành, thực hiện nhiều cơ chế, chính sách quan trọng. Việc ban hành cơ chế hỗ trợ của tỉnh tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, yên tâm kinh doanh, tháo gỡ khó khăn về thủ tục, một phần về tài chính, kích thích nỗ lực sáng tạo, giúp các doanh nghiệp phát huy tối đa tiềm năng sẵn có của mình. Nhờ vậy, ngành CNHT trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã được hình thành và từng bước phát triển, trong đó tập trung lĩnh vực CNHT cho ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, công nghiệp sản xuất ô tô, xe máy và đặc biệt là công nghiệp điện tử, tin học. Hiện có 76 dự án sản xuất CNHT trên địa bàn tỉnh, trong đó có 66 dự án FDI và 10 dự án DDI; giải quyết việc làm cho 19.972 lao động, chiếm gần 41% số lao động ngành công nghiệp; trong đó, số lao động CNHT ngành cơ khí chế tạo và sản xuất xe máy là chủ yếu chiếm 75%. Nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ định hướng theo các ngành ưu tiên là: cơ khí, chế tạo, ô tô, điện tử tin học, dệt may, da giày… Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư các khu, cụm công nghiệp hỗ trợ, nâng cao tỷ lệ nội địa hoá và giá trị gia tăng của sản phẩm.
Với quyết tâm và cụ thể hóa bằng nhiều cơ chế, chính sách phù hợp, có thể nói công nghiệp Vĩnh Phúc đang tiếp tục đẩy nhanh lộ trình đúng hướng, phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu năm 2015 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Các tin khác:
- UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn Vingroup sẽ ký kết hợp tác toàn diện Xúc tiến, thu hút đầu tư, liên kết hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao