Công nghiệp giữ nhịp tăng trưởng bền vững
Hiện nay, tỉnh ta hiện có 13/19 khu công nghiệp được Chính phủ phê duyệt đang hoạt động, trong đó, nhiều khu công nghiệp tỷ lệ lấp đầy cao như: KCN khai Quang, Bình Xuyên, Tam Dương II khu A…Trong những năm qua, với những chính sách hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã giúp cho sản xuất công nghiệp của tỉnh luôn tạo sự bứt phá, giữ nhịp tăng trưởng bền vững, khẳng định vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế của tỉnh.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, 6 tháng đầu năm 2016, sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định, với sự tăng trưởng cả 3 khu vực, trong đó khu vực Nhà nước tăng 16,5%; ngoài Nhà nước tăng 1,87% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 8,86%. Uớc giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) toàn ngành tăng 7,8%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,85% so với cùng kỳ năm 2015.
Nhìn chung, các ngành công nghiệp chủ yếu của tỉnh đều có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng, trong đó, sản xuất linh điện điện tử tăng cao nhất, tăng 35,99% (do cuối năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn tỉnh có thêm nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đi vào sản xuất, kết hợp với những doanh nghiệp đã sản xuất ổn định từ những năm trước, tạo ra giá trị sản phẩm lớn, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ngành và tăng trưởng chung của tỉnh). Tiếp đến, ngành sản xuất trang phục tăng 18,80%, (để hoàn thành các đơn hàng của phía đối tác cũng như khẳng định thương hiệu sản phẩm, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng đến việc tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, nên lượng đơn đặt hàng ngày càng tăng, đem lại giá trị cao cho ngành).
Cùng với đó, ngành sản xuất xe có động cơ tăng 8,95%. Những năm gần đây, nắm bắt nhu cầu sử dụng ô tô ngày càng tăng của người dân, các doanh nghiệp liên tục đưa ra thị trường những mẫu xe phù hợp về mẫu mã kiểu dáng, giá thành, đáp ứng nhiều sự lựa chọn của người tiêu dùng… 6 tháng đầu năm 2016, các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh sản xuất được 28.181 xe ô tô các loại, tăng 9,15%; 905.596 xe máy các loại..
Là doanh nghiệp FDI sản xuất ô tô đầu tiên tại Việt Nam, hơn 20 năm qua, Công ty Toyota Việt Nam (TMV) luôn nỗ lực đổi mới, cải tiến công nghệ sản xuất và giữ vững vị trí dẫn đầu thị trường ô tô tại Việt Nam, xứng đáng với vai trò là “đầu tàu” của công nghiệp Vĩnh Phúc. Với phương châm “Khách hàng là trên hết”, TMV không ngừng nỗ lực cung cấp cho khách hàng những sản phẩm mới với nhiều cải tiến và dịch vụ chất lượng cao. Từ chỗ chỉ sản xuất được 2 xe/ngày trong năm đầu tiên (1996), đến năm 2015, Toyota Việt Nam đạt con số ấn tượng với 127 xe/ngày. Hết năm 2015, đã có hơn 330 nghìn xe ô tô mang thương hiệu Toyota được sản xuất tại Việt Nam. Hiện tại, Toyota Việt Nam cung cấp cho thị trường 5 mẫu xe lắp ráp gồm: Camry, Corolla Altis, Vios, Innova và Fortuner, được sản xuất tại nhà máy ở thị xã Phúc Yên. Với việc thường xuyên cải tiến cả về thiết kế và tính năng vận hành, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Việt Nam, xe Toyota đã nhận được sự ủng hộ và tin tưởng của đông đảo khách hàng trong suốt 20 năm qua.
Chỉ tính riêng trong tháng 5/2016, tổng doanh số bán hàng các mẫu xe Toyota đạt 4.277 xe, tăng trưởng 10% (tương đương 397 xe) so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, thị trường miền Bắc tiêu thụ 1.806 xe (chiếm 42%), miền Nam 1.929 xe (chiếm 45%), và thị trường miền Trung 542 xe (chiếm 13%). Trong tháng, hầu hết các mẫu xe do Toyota nhập khẩu và phân phối (CBU) đều tăng trưởng ở mức cao so với cùng kỳ năm trước, với tổng doanh số bán đạt 664 xe, tăng 45%, trong đó mẫu xe Yaris tiếp tục dẫn đầu phân khúc với doanh số bán đạt 224 xe, tăng 20%.
Ông Choi Jung Soo, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sekonix Vina, khu công nghiệp Bá Thiện 2 cho biết, Sekonix Vina là doanh nghiệp đầu tiên đầu tư vào KCN Bá Thiện 2, chuyên sản xuất thấu kính và mô – tơ cuộn dây biến thiên để phục vụ sản xuất và lắp ráp điện thoại di động với tổng số vốn đầu tư 25 triệu USD. Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, với dây chuyền công nghệ hiện đại cùng hệ thống quản lý chất lượng đã giúp Công ty nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các ngành công nghiệp. Hiện nay, khách hàng chính của Sekonix Vina là các Tập đoàn lớn như: Samsung, Patron, Namuka, Power Logics… 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu của công ty đạt 7,12 triệu USD; giá trị xuất khẩu 3,9 triệu USD; giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) đạt gần 140 tỷ đồng. Đồng thời, Công ty đang thu hút và tạo việc làm ổn định cho 800 lao động, trong đó lao động trong tỉnh chiếm 70%.
Theo Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh, từ đầu năm đến tháng 6/2016, toàn tỉnh thu hút vốn đầu tư FDI tăng thêm hơn 200 triệu USD; DDI hơn 5.846 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 221 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký hơn 3.435 triệu USD; 616 dự án DDI còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký gần 51.000 tỷ đồng. Những năm qua, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động, đóng góp lớn cho ngân sách của tỉnh. Điều đáng mừng là sản xuất công nghiệp của tỉnh đã có sự chuyển biến lớn từ “lượng” sang “chất” theo hướng ưu tiên những mũi nhọn ngành nghề mang lại giá trị kinh tế cao.
Để Vĩnh Phúc tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, góp phần đưa tỉnh trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào những năm 2020, thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp, ngành triển khai có hiệu quả kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2016 -2020; đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ theo hướng cung cấp các dịch vụ liên quan đến giải quyết hành chính công trong thực hiện thủ tục đầu tư, góp phần giảm thời gian, chi phí cho nhà đầu tư. Giao các sở, ban, ngành liên quan chủ trì xây dựng, đề xuất các cơ chế mới mang tính đột phá để hỗ trợ cho thu hút đầu tư ở các lĩnh vực ưu tiên phát triển. Công khai minh bạch các thủ tục hành chính, thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông; thường xuyên thực hiện rà soát, đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, giảm thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là sớm đưa phần mềm một cửa dùng chung tỉnh vào hoạt động để minh bạch hóa và giám sát các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính. Xây dựng chính quyền thân thiện theo hướng hành chính phục vụ. Tăng cường công tác đào tạo lao động cung ứng cho doanh nghiệp đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, phù hợp với các ngành nghề mà tỉnh ưu tiên phát triển. Thường xuyên tổ chức các hội thảo, hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển. Đổi mới phương thức, hiệu quả hoạt động để Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh thực sự là đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp…
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh