Thứ Tư, 09/03/2022 8:31:45 (GMT+7)

Công nghiệp điện tử giữ vững đà tăng trưởng cao nhất

Không chỉ trong bối cảnh đại dịch mà xâu chuỗi kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, kim ngạch xuất nhập khẩu nhiều năm qua cho thấy, công nghiệp điện tử luôn khẳng định là ngành giữ vững đà tăng trưởng cao nhất, có sự tác động, lan tỏa đến các ngành công nghiệp khác của tỉnh.

Công nghiệp điện tử giữ vững đà tăng trưởng cao nhất

Công nghiệp điện tử cũng đang là ngành tạo nhiều việc làm cho người lao động

Theo thống kê của Ban quản lý các khu công nghiệp, hiện Vĩnh Phúc có trên 200 dự án thuộc nhóm ngành nghề điện tử đang hoạt động, chiếm khoảng 60% tổng số dự án công nghiệp đầu tư vào các khu công nghiệp, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Một số doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực này đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao như: Công ty TNHH Cammsys Việt Nam, Công ty TNHH Solum Vina, Công ty cổ phần Bang Joo Electronics Việt Nam, Công ty TNHH Haesung Vina, Công ty TNHH BHFLEX VINA…

Linh hoạt thích ứng, nhất là biết tận dụng được những cơ hội mở từ các Hiệp định thương mại Việt Nam đã ký mang lại, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp điện tử đã sản xuất, kinh doanh hiệu quả ngay khi dự án đi vào hoạt động. Nhiều doanh nghiệp đã mở rộng quy mô sản xuất, tăng vốn đầu tư, tăng thị trường tiêu thụ gấp nhiều lần so với trước. Đặc biệt, nhiều năm trở lại đây, công nghiệp điện tử luôn dẫn đầu danh sách các mặt hàng chủ lực có mức tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu cao nhất, đóng góp lớn cho thu ngân sách, tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm cho lao động.

Cụ thể, năm 2017, doanh thu ngành linh kiện điện tử đạt trên 46.000 tỷ đồng, tăng trên 62% so với năm 2016 và là một trong 3 ngành đóng góp chính cho tăng trưởng ngành công nghiệp và tăng trưởng của tỉnh; đến năm 2019, ngành này đạt mức tăng trưởng 40,29% so với năm 2018, đóng góp 3,19 điểm % vào tăng trưởng chung của tỉnh. Các năm 2020, 2021, vượt qua khó khăn, ảnh hưởng của dịch bệnh, linh kiện điện tử vẫn giữ nhịp độ tăng trưởng cao nhất, năm 2020 đạt 15,7%, chiếm 45% giá trị tăng thêm của toàn ngành công nghiệp, đóng 2,66 điểm % vào tăng trưởng chung; năm 2021 tăng trưởng 31,83% và đóng góp 4,90 điểm % vào tăng trưởng chung của tỉnh, cao nhất từ trước đến nay. Riêng 2 tháng đầu năm 2021, bất chấp những rào cản của dịch bệnh, doanh thu của linh kiện điện tử vẫn đạt trên 13.479 tỷ đồng, tăng 37% cùng kỳ năm ngoái và cũng là ngành có mức tăng trưởng cao nhất.

Tiếp sức cho công nghiệp nói chung, công nghiệp điện tử nói riêng phát triển, Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, tạo hành lang thông thoáng; tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp. Và nay để dần hiện thực hóa mục tiêu trở thành công nghiệp công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, trọng tâm phát triển công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao; chuyển mạnh mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế theo hướng tăng năng suất lao động trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; ưu tiên thu hút phát triển cụm ngành công nghiệp điện tử công nghệ cao.

Trong đoạn 2021-2030, tỉnh sẽ xây dựng chính sách thu hút dự án đầu tư vào lĩnh vực điện tử công nghệ cao mang tính đột phá để không bỏ lỡ cơ hội thu hút các tập đoàn lớn, các dòng vốn đầu tư chất lượng, các dự án công nghệ cao. Cùng với đó sẽ hỗ trợ giá thuê hạ tầng khu công nghiệp; hỗ trợ chi phí lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho các dự án đầu tư vào lĩnh vực điện tử công nghệ cao nhằm giúp doanh nghiệp có thêm nguồn tài chính cho sản xuất, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, tạo đòn bẩy, sự lan tỏa để thu hút nhà đầu tư quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư dự án sản xuất thuộc lĩnh vực này, sớm đưa Vĩnh Phúc trở thành một trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước.

Nguồn: vinhphuc.gov.vn