Công nghiệp – điểm sáng trong bức tranh kinh tế Vĩnh Phúc
Những tháng đầu năm, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, giá nguyên vật liệu tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến các chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất, xuất khẩu trên địa bàn. Tuy nhiên, tỉnh Vĩnh Phúc đã kịp thời có nhiều giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đưa sản xuất công nghiệp đi vào ổn định. Khép lại hành trình một năm đầy nỗ lực, lĩnh vực công nghiệp đã đạt nhiều kết quả khả quan và trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh.
Bức tranh nhiều gam màu sáng
Những ngày cuối tháng 12, chúng tôi có dịp đến thăm một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Khác với vẻ vắng lặng phía ngoài, bên trong những dây truyền, các doanh nghiệp đều đang tập trung đẩy nhanh nhịp độ sản xuất để kịp giao những đơn hàng đến hẹn.
Dẫn chúng tôi đi tham quan các phân xưởng sản xuất với hàng nghìn công nhân đang miệt mài làm việc, anh Nguyễn Khắc Trí, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH FWKK Việt Nam cho biết, công ty được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2016 với 100% vốn đầu tư nước ngoài. Sau gần 5 năm chuyên sản xuất mặt hàng may mặc, công ty đã trở thành đối tác gia công đồ bơi cho nhiều nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới như: Adidas, Puma, Gap, Sporty, Q&S; trung bình mỗi năm xuất khẩu hàng triệu sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe tại các thị trường Mỹ, Nga, Pháp…
Hiện công ty đang tạo việc làm cho khoảng 3.000 lao động với mức thu nhập bình quân hơn 9 triệu đồng/người/tháng; ở một số thời điểm các đơn hàng nhiều, người lao động làm việc đạt năng suất cao, thu nhập có thể lên đến 16 – 18 triệu đồng/tháng/người. Bên cạnh những chính sách đãi ngộ của doanh nghiệp, điều đáng mừng là đa phần công nhân rất có ý thức trong lao động, từ chấp hành giờ làm việc, giao nhận ca đến vận hành máy móc. Với nỗ lực không ngừng, kết thúc năm 2022, Công ty TNHH FWKK Việt Nam đã vinh dự nằm trong tốp 62 doanh nghiệp tiêu biểu của cả nước được vinh danh tại lễ tôn vinh doanh nghiệp vì người lao động.
Không khí làm việc tại Công ty TNHH Jahwa Vina những ngày cuối năm cũng thật hối hả, nhộn nhịp. Nếu như năm 2007, khi bắt đầu đến khu công nghiệp Khai Quang đầu tư chỉ với vỏn vẹn 1 nhà xưởng và hơn 100 công nhân viên, vốn đầu tư ban đầu khoảng 10 triệu USD thì kết thúc năm 2022, tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp đã tăng lên 80 triệu USD. Hiện tại, với 7 nhà xưởng chuyên sản xuất thiết bị motor rung, camera trên điện thoại di động, ô tô và hệ thống sấy hỗ trợ khởi động trên ô tô, công ty đang tạo việc làm ổn định cho hơn 3.000 công nhân với mức thu nhập bình quân 8 – 9 triệu đồng/người/tháng. Trong những ngày cao điểm cuối năm, doanh nghiệp đang đẩy mạnh phát động các phong trào thi đua lao động sản xuất, khuyến khích người lao động làm thêm giờ để tăng sản lượng, đáp ứng tiến độ giao hàng cho đối tác.
Theo số liệu từ Cục Thống kê tỉnh, hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn đã khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm tiến độ các đơn hàng đã ký kết và hoàn thành kế hoạch đề ra trong năm 2022. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp đã chủ động đầu tư, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất nhằm giảm chi phí, nhân công, tăng năng suất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước. Nhờ vậy, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có bước phục hồi, phát triển nhanh và bền vững, góp phần đưa chỉ số IIP trên địa bàn đạt mức tăng cao với 2 con số. Cụ thể, kết thúc năm 2022, tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp ước tăng khoảng 15,5%. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm trên 98%, quyết định chủ yếu đến tốc độ tăng trưởng toàn ngành với mức tăng 15,6% so với năm 2021. Một số ngành công nghiệp trọng điểm tăng trưởng cao so với cùng kỳ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp như: Linh kiện điện tử và xe máy các loại tăng 24,36%; quần áo các loại tăng 7,21%, gạch ốp lát các loại tăng 6,01%…
Để có bức tranh khởi sắc trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, ngoài sự nỗ lực của từng doanh nghiệp thì vai trò của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp đã và đang được thể hiện rất rõ nét. Quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phục hồi phát triển kinh tế – xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 01 và Nghị quyết số 11 của Chính phủ, trong năm 2022, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành chức năng thực hiện đồng bộ các giải pháp, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng giúp doanh nghiệp phục hồi, ổn định sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-19. Trọng tâm là khẩn trương rà soát các khó khăn, vướng mắc của tất cả các loại hình doanh nghiệp để kịp thời giải quyết; làm tốt công tác nắm tình hình, nghiên cứu, dự báo chiến lược, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa các loại thị trường, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số. Đồng thời, tăng cường triển khai các chính sách và nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế, nắm bắt và đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, xu hướng thị trường mới.
Hướng đến công nghiệp công nghệ cao
Với phương châm “Lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng, dịch vụ du lịch là mũi nhọn và coi nông nghiệp, phát triển nông thôn là nhiệm vụ quan trọng”, đặc biệt, nhằm cụ thể hóa mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước” theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh đề ra là: Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, trọng tâm phát triển công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao; chuyển mạnh mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế theo hướng tăng năng suất lao động trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Tỉnh cũng đã xác định 1 trong 3 khâu đột phá là “Ưu tiên thu hút phát triển cụm ngành công nghiệp điện tử công nghệ cao, đưa Vĩnh Phúc trở thành một trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước”.
Trên cơ sở tận dụng tốt các tiềm năng sẵn có, nhất là lợi thế nằm trong quy hoạch Vùng Thủ đô, Vĩnh Phúc đã và đang tập trung mời gọi các nhà đầu tư có thương hiệu mạnh trong và ngoài nước. Trong đó, ưu tiên các dự án có công nghệ hiện đại, hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, có sản phẩm mang lợi thế cạnh tranh; tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, chủ động tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, phấn đấu đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của cả nước. Đến nay, toàn tỉnh đã có 19 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, quy mô trên 5.487,3ha. Lũy kế đến hết năm 2022, có 16 khu công nghiệp được quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng diện tích đất quy hoạch 3.110,25 ha. Trong đó, một số khu đạt tỷ lệ lấp đầy cao như: Khu công nghiệp Bình Xuyên II đạt 100%; khu công nghiệp Khai Quang 96%; khu công nghiệp Bình Xuyên 92%; khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc 82%; nhiều vùng đất đồi, cằn cỗi của các huyện Sông Lô, Lập Thạch, Tam Dương đã được quy hoạch thành những vùng công nghiệp, đô thị phát triển.
Theo báo cáo của Ban quản lý các khu công nghiệp, ước trong năm 2022, toàn tỉnh thu hút được 450 triệu USD vốn FDI và 12.500 tỷ đồng vốn DDI, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Lũy kế đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 1.286 dự án, trong đó, 450 dự án FDI đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư 7,41 tỷ USD và 828 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 125.000 tỷ đồng. Nhiều tập đoàn lớn như Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Sumitomo (Nhật Bản); Piaggio (Italia); De Heus (Hà Lan); Deawoo, Patron vina, Heasung vina, Cammsys, Interflex Vina, Young Poong (Hàn Quốc); Prime Group (Thái Lan)… đang hoạt động hiệu quả, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên 100.000 lao động. Hằng năm, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đã và đang đóng góp khoảng 60% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, từ 60 – 65% giá trị xuất khẩu và chiếm trên 50% tổng thu ngân sách toàn tỉnh. Đặc biệt, sự phát triển lớn mạnh của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đã góp phần quan trọng đưa giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh chiếm tới 4,5% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước.
Góp phần hiện thực hóa mục tiêu đặt ra sẽ trở thành một mắt xích cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng giá trị cao trong dây chuyền sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế, tiến tới đẩy mạnh xuất khẩu. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Lĩnh vực linh kiện phụ tùng có trên 50 doanh nghiệp đủ điều kiện phát triển trở thành nhà cung cấp cấp 1, cấp 2 cho các hãng sản xuất sản phẩm ô tô, xe máy, điện, điện tử hoàn chỉnh và cung ứng một phần cho các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn hoặc xuất khẩu; có 10 doanh nghiệp trong nước sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có thể tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn kinh tế lớn, sản phẩm đạt các tiêu chuẩn quốc tế và tham gia được vào thị trường xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2030, các khu công nghiệp thu hút khoảng 14.000 – 15.000 tỷ đồng, từ 7 – 8 tỷ USD vốn đầu tư; đến năm 2025 giải quyết việc làm cho từ 140.000 – 150.000 lao động và đạt từ 180.000 – 200.000 lao động vào năm 2030… Trong năm 2023 – năm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, ngành công nghiệp Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư đã ban hành, nhất là đối với các dự án đầu tư vào lĩnh vực điện tử công nghệ cao thông qua hỗ trợ giá thuê hạ tầng khu công nghiệp; chi phí lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho các dự án đầu tư vào lĩnh vực điện tử công nghệ cao nhằm giúp doanh nghiệp có thêm nguồn tài chính cho sản xuất, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, tạo đòn bẩy, sự lan tỏa để thu hút nhà đầu tư quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư dự án sản xuất thuộc lĩnh vực này.
Trên cơ sở tiếp tục thu hút đầu tư theo hướng “thu hút có chọn lọc”, “thu hút chủ động”, “thu hút dựa trên hiệu quả kinh tế – xã hội – môi trường”, UBND tỉnh sẽ thường xuyên chỉ đạo cơ quan chức năng chủ động cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính; cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chuyển đổi số; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất ban hành các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư phù hợp với bối cảnh thực tế của mỗi địa phương; lựa chọn các nhà đầu tư đủ năng lực để đầu tư hạ tầng khu công nghiệp; hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách về thu hút đầu tư, tập trung vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài các khu công nghiệp. Cùng với đó, tăng cường tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư tại thị trường trọng điểm Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, châu Âu, Hoa Kỳ… ; cử các đoàn công tác xúc tiến đầu tư trong nước và nước ngoài, kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư; tổ chức các sự kiện xúc tiến đầu tư trong nước tại các thành phố lớn trong nước và tham gia các đoàn xúc tiến đầu tư do các bộ, ngành tổ chức, qua đó, từng bước thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ lực phát triển, tăng sức hấp dẫn đối với môi trường đầu tư của tỉnh.
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh