Thứ Tư, 08/06/2016 10:03:54 (GMT+7)

Công khai minh bạch trong quản lý thuế đối với hộ kinh doanh

Nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2015-2016, vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 92/2015/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Luật Thuế giá trị gia tăng và Thuế Thu nhập cá nhân. Theo thông tư đã sửa đổi, bổ sung căn bản chính sách thuế và phương pháp quản lý thuế đối với hộ kinh doanh như cách tính thuế đơn giản hơn, công khai, minh bạch hơn trong việc quản lý thuế đối với hộ kinh doanh…

Công khai minh bạch trong quản lý thuế đối với hộ kinh doanh

Công khai, minh bạch trong quản lý thuế tạo môi trường bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng thu ngân sách Nhà nước. (Ảnh chụp tại Đội thuế liên xã phường gồm: Liên Bảo, Định Trung, Khai Quang, Thanh Trù thành phố Vĩnh Yên)

Đơn giản, minh bạch trong cách tính thuế

Theo Thông tư 92, cá nhân kinh doanh (hộ kinh doanh) nộp thuế theo phương pháp khoán là cá nhân, nhóm cá nhân và hộ gia đình kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật, trừ cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh, cá nhân cho thuê tài sản, cá nhân làm đại lý bán đúng giá, không phân biệt có thực hiện chế độ sổ sách kế toán, hóa đơn, chứng từ hay không.

Cá nhân nộp thuế khoán trong năm có thay đổi về hoạt động kinh doanh (ngành nghề, quy mô, địa điểm…) phải khai điều chỉnh, bổ sung để cơ quan thuế có cơ sở xác định lại doanh thu khoán, mức thuế khoán và các thông tin khác về cá nhân kinh doanh cho thời gian còn lại của năm tính thuế. Trường hợp cá nhân kinh doanh không thay đổi về ngành nghề kinh doanh thì cơ quan thuế chỉ xác định lại doanh thu khoán để áp dụng cho thời gian còn lại của năm tính thuế nếu qua số liệu xác minh, kiểm tra, thanh tra có căn cứ xác định doanh thu khoán thay đổi từ 50% trở lên so với mức doanh thu đã khoán. Trường hợp có thay đổi ngành nghề kinh doanh thì thực hiện điều chỉnh, bổ sung theo thực tế của ngành nghề kinh doanh thay đổi.

Cá nhân nộp thuế khoán có sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế thì doanh thu tính thuế được căn cứ vào doanh thu khoán và doanh thu trên hóa đơn không phân biệt hóa đơn sử dụng theo quyển hay sử dụng lẻ theo từng số. Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán kinh doanh nhiều lĩnh vực, ngành nghề thì cá nhân thực hiện khai và tính thuế theo từng lĩnh vực ngành nghề nếu không xác định được riêng từng lĩnh vực, ngành nghề thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu khoán theo từng lĩnh vực, ngành nghề.

Ông Nguyễn Văn Mùi, Chi Cục trưởng Chi cục Thuế Phúc Yên cho biết: Hiện nay, Chi cục thuế Phúc Yên đang quản lý 1.864 hộ kinh doanh trên địa bàn, trong đó có 1.016 hộ phải nộp thuế. Thông tư 92 của Bộ Tài chính góp phần ngăn ngừa việc lợi dụng hóa đơn của hộ kinh doanh để hợp thức hóa chứng từ đầu vào làm chi phí của các đơn vị để trốn tiền thuế thu nhập doanh nghiệp giúp tăng thu ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, trong thời gian đầu thực hiện Thông tư 92, Chi cục Thuế Phúc Yên cũng như các chi cục khác trên toàn tỉnh còn gặp khó khăn chung là một số hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn nộp thuế chậm vì họ cho rằng doanh thu tính thuế (doanh thu khoán cộng với doanh thu trên hóa đơn) như vậy, hộ kinh doanh phải chịu mức thuế cao hơn trước nhiều và một số hộ ngừng sử dụng hóa đơn.

Công khai, minh bạch trong quản lý thuế

Hàng năm, các chi cục thuế có trách nhiệm niêm yết để lấy ý kiến công khai về doanh thu và mức thuế phải nộp của hộ kinh doanh nộp theo phương pháp khoán. Việc công khai phải thực hiện 2 lần: Lần 1 là mức dự kiến tại trụ sở của chi cục thuế và các đội thuế xã phường, lần 2 là mức chính thức đến hội đồng nhân dân và mặt trận Tổ quốc tại trụ sở của chi cục thuế và quận, huyện, xã, phường, thị trấn, đồng thời chi cục thuế tổ chức tiếp nhận ý kiến phản hồi (nếu có) để làm căn cứ điều chỉnh, bổ sung mức doanh thu khoán và mức thuế khoán của hộ trên địa bàn. Bên cạnh đó, các chi cục thuế phải gửi bảng công khai thông tin cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán lần 1, lần 2 cho từng cá nhân kinh doanh. Bản công khai gửi cho cá nhân được lập theo địa bàn bao gồm cả cá nhân thuộc diện phải nộp thuế và cá nhân thuộc diện không phải nộp thuế.ư

Cục Thuế tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo trước khi lập mức thuế dự kiến; kiểm tra thực tế tối thiểu 20% số chi cục thuế trong khi lập mức thuế dự kiến; kiểm tra thực tế tối thiểu 10% số chi cục Thuế sau khi đã duyệt mức thuế quý I, quý II, quý III, trong đó kiểm tra thực tế ít nhất 15% số hộ kinh doanh trên địa bàn, tập trung 100% hộ kinh doanh thuộc diện quản lý thuế theo rủi ro (cá nhân nộp thuế khoán tại chợ biên giới, cá nhân kinh doanh vật liệu xây dựng (cát, sỏi, gỗ, sản phẩm từ gỗ), cá nhân kinh doanh có mức doanh thu bất hợp lý so với chi phí (diện tích kinh doanh, thuê địa điểm, giá trị tài sản, trang thiết bị…), cá nhân nộp thuế khoán nhưng thường xuyên sử dụng trên 10 lao động…)

Ông Nguyễn Bá Lộc, Đội trưởng Đội Kê khai kế toán thuế – nghiệp vụ – dự toán và tin học Chi cục Thuế thành phố Vĩnh Yên cho biết: Theo kế hoạch Cục Thuế tỉnh giao, đến hết quý II/2016, chi cục phải thực hiện thu trên 14,7 tỷ đồng tiền thuế đối với các hộ kinh doanh trên địa bàn. Hiện nay, thành phố Vĩnh Yên có 1.746 hộ kinh doanh, trong đó có 1.289 hộ phải nộp thuế, có 457 hộ thu nhập thấp trong kinh doanh. Tính đến hết tháng 5/2015, chi cục đã thu được trên 11,7 tỷ đồng, trong đó thuế GTGT trên 6,6 tỷ đồng, thuế thu nhập cá nhân trên 3,3 tỷ đồng, thuế môn bài trên 1,7 tỷ đồng. Thông tư 92 đã giải quyết được những bất cập trước đây như cách tính thuế phức tạp, việc công khai thông tin còn hạn chế, việc tham gia quản lý thuế của các cấp chính quyền địa phương và người dân còn hạn chế.

Hiện nay, toàn tỉnh có 18.360 hộ kinh doanh, trong đó có 5.305 hộ nộp thuế theo phương pháp khoán với số thuế đóng góp cho NSNN trong 5 tháng đầu năm 2016 là 21.373 triệu đồng. Việc công khai, minh bạch trong quản lý thuế đối với hộ kinh doanh đã giúp người dân thực hiện tốt chính sách pháp luật về thuế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Anh Nguyễn Trọng Kiểu, đường Mê Linh, phường Liên Bảo (T.P Vĩnh Yên) cho biết: Với việc công khai niêm yết danh sách tiền thuế, địa chỉ, ngành nghề kinh doanh đã giúp tôi và các hộ kinh doanh thuận tiện trong việc kiểm tra tiền thuế, có thể so sánh với các hộ khác và biết được tiền thuế mình nộp là đúng, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quản lý thuế.

Theo Hồng Tính - Báo Vĩnh Phúc