Thứ Tư, 20/10/2021 9:27:42 (GMT+7)

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân nổi bật tuần qua

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân nổi bật tuần qua

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, đảm bảo người dân có nhu cầu về quê được đưa đón an toàn, chu đáo. Chính phủ đã ban hành một loạt các chính sách hỗ trợ nổi bật:

Tuần qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 3/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Chỉ thị yêu cầu các doanh nghiệp với vai trò là chủ thể của quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh, phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thống nhất phương án sản xuất, lưu thông hàng hóa, đi lại và ăn ở của người lao động, phương án phải bảo đảm an toàn tuyệt đối phòng, chống dịch trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với trách nhiệm là cơ quan trực tiếp quản lý doanh nghiệp trên địa bàn, khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo phục hồi sản xuất, phân công nhiệm vụ cụ thể (có thể hình thành nhiều tổ công tác) để triển khai kế hoạch, thông qua phương án sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn, bảo đảm vừa duy trì sản xuất kinh doanh vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, mức hỗ trợ từ 1,8 triệu đến 3,3 triệu đồng/người trên cơ sở thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động. Nguồn kinh phí khoảng 30.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2020. Thời gian thực hiện việc hỗ trợ người lao động từ ngày 01/10/2021 và hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/12/2021.

Bên cạnh đó, giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Thời gian thực hiện giảm mức đóng: 12 tháng, kể từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định 28/2021/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Một vấn đề nổi bật của tuần qua là việc mở lại đường bay nội địa, theo đó, tại Thông báo 263/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các Bộ, ngành và các địa phương ngày 8/10/2021 về triển khai khôi phục các đường bay nội địa phục vụ hành khách đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương, các Bộ, ngành trong trách nhiệm của mình tổ chức triển khai các giải pháp phù hợp để thực hiện thí điểm các đường bay nội địa từ ngày 10/10/2021 tới ngày 20/10/2021; sau đó sẽ tổng kết rút kinh nghiệm, có điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với tình tình thực tiễn.

Yêu cầu đặt ra đối với các cấp, các ngành, các địa phương vừa phải từng bước phục hồi các đường bay, chuyến bay, bảo đảm thận trọng, an toàn, kiểm soát chặt chẽ sự lây lan của dịch bệnh thông qua kiểm soát hành khách tại sân bay đi – đến, trên tàu bay và quá trình di chuyển về các địa phương; đảm bảo các địa phương nắm chắc tình hình và kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, bóc tách kịp thời các ca F0 (nếu có), không để lây lan và bùng phát thành các ổ dịch.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành quy định tạm thời về triển khai các đường bay nội địa chở khách thường lệ đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Quy định này áp dụng đối với hoạt động vận tải hành khách nội địa bằng đường hàng không trên phạm vi toàn quốc và thực hiện thí điểm từ ngày 10/10/2021 đến hết ngày 20/10/2021; sẽ tiến hành đánh giá và điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.Về kế hoạch khai thác, giai đoạn thí điểm (từ ngày 10/10/2021 đến hết ngày 20/10/2021), Bộ Giao thông vận tải sẽ tổng hợp tình hình, sơ kết đánh giá, phối hợp các địa phương để đề xuất Thủ tướng Chính phủ việc bổ sung, điều chỉnh kế hoạch khai thác cho phù hợp với tình hình thực tế trong giai đoạn tiếp theo.

Tiếp đến, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất của năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đối tượng áp dụng là tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm (người thuê đất). Quy định này áp dụng cho cả trường hợp người thuê đất không thuộc đối tượng miễn, giảm tiền thuê đất và trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan. Quyết định nêu rõ: Giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 đối với người thuê đất quy định ở trên; không thực hiện giảm trên số tiền thuê đất còn nợ của các năm trước năm 2021 và tiền chậm nộp (nếu có).

Tại văn bản số 6858/VPCP-KTTH ngày 24/09/2021, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thành lập ngay Tổ công tác đặc biệt của Bộ, cơ quan, địa phương về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 (Tổ công tác).

Tại Vĩnh Phúc, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2450/QĐ-UBND ngày 07/9/2021 về việc thành lập Tổ công tác đặc biệt của Chủ tịch UBND tỉnh về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Kế hoạch số 252/KH-UBND ngày 06/10/2021 về việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Đồng thời từ ngày 30/9 đến nay, Vĩnh Phúc tổ chức đón 881 công dân trở về từ thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, gồm trẻ em dưới 16 tuổi và cha, mẹ hoặc người giám hộ; công dân từ 60 tuổi trở lên; phụ nữ đang mang thai; phụ nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi; người có hoàn cảnh khó khăn. Tất cả các công dân này đang được cách ly tại Trung đoàn 834 cơ sở 1 và cơ sở 2. Cùng với đó, tỉnh đã chủ động sẵn sàng vật tư y tế và các điều kiện cần thiết khác để phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 ở cấp độ 3 từ 20 bệnh nhân đến 1.000 bệnh nhân, các địa điểm cách ly tập trung sẵn sàng tiếp nhận 20.000 công dân. Mọi chi phí từ vé máy bay, phương tiện đi lại và sinh hoạt, ăn ở trong thời gian thực hiện cách ly tập trung đều được tỉnh hỗ trợ. Tính từ ngày 31/7 đến nay, đã qua 69 ngày trên địa bàn Vĩnh Phúc không ghi nhận ca mắc trong cộng đồng. Đến ngày 8/10, toàn tỉnh có 358.961 người được tiêm phòng COVID-19, đạt 44,3% dân số trên 18 tuổi. Số trường hợp trở về từ các vùng có dịch của các tỉnh/thành phố khác là 18.741 người. Số trường hợp đang cách ly tập trung là 1.201 người, cách ly tại nhà là 2.165 người.

Lực lượng Công an tại 9 chốt kiểm soát, phòng dịch cấp tỉnh và 24 chốt kiểm soát cấp huyện đã chủ trì kiểm tra 23.405 lượt phương tiện, 28.764 lượt người; yêu cầu quay trở lại địa phương 273 phương tiện không đáp ứng các yêu cầu phòng, chống dịch; cho vào địa bàn tỉnh đối với 28.206 người có phiếu xét nghiệm âm tính hoặc test nhanh kháng nguyên âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi vào tỉnh; hướng dẫn khai báo y tế điện tử 7.427 lượt người, chưa phát hiện trường hợp nghi nhiễm bệnh; tiếp nhận 6.093 tờ khai của công dân trên phần mềm quản lý di biến động của người ra vào vùng dịch./.

Lương Hồng Phúc