Thứ Ba, 03/01/2017 10:05:27 (GMT+7)

Chính phủ họp trực tuyến với các địa phương: Phấn đấu tăng trưởng nhanh và bền vững

Sáng 29/12, phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương tiếp tục chương trình làm việc dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Các đồng chí: Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh khóa XIV; Nguyễn Văn Trì, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Vĩnh Phúc.

Chính phủ họp trực tuyến với các địa phương: Phấn đấu tăng trưởng nhanh và bền vững

Các đồng chí: Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIV của tỉnh; Nguyễn Văn Trì, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Vĩnh Phúc. Ảnh Dương Chung

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã đánh giá tình hình kinh tế-xã hội năm 2016; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thu ngân sách cả nước đến thời điểm này đã đạt 100,7% dự toán; ngân sách các địa phương vượt khoảng 15%, đến hết năm dự kiến vượt khoảng 70 nghìn tỷ đồng. Phân tích những nguyên nhân tác động đến thu ngân sách, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, trong năm qua, ngành Tài chính đã triển khai nhiều biện pháp nhằm chống thất thu, giảm nợ đọng, trốn thuế, chuyển giá; tăng cường kiểm tra chuyên ngành…Bên cạnh đó, ngành cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, áp dụng kê khai thuế điện tử…tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đề cập đến những vấn đề ngành Công an đã tập trung trong thời gian qua như đấu tranh phòng chống gian lận thương mại làm lành mạnh hóa thị trường; tăng cường đấu tranh, phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về kinh tế, bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh trật tự…tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế. Bộ trưởng Tô Lâm kiến nghị Chính phủ tăng cường quản lý lĩnh vực di dân, di cư để đảm bảo an ninh trật tự, đời sống dân sinh. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho rằng, sự phối hợp hiệu quả của các bộ, ngành chức năng trong việc chống lạm phát, điều hành giá thời gian qua đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.Việc điều hành lãi suất, cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay được quản lý ổn định cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng vấn đề xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng; chính sách tiền tệ của một số nước lớn…sẽ ảnh hưởng đến việc điều hành tiền tệ, tỷ giá trong nước. Năm 2017, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành lãi suất linh hoạt; phấn đấu giảm lãi suất trung và dài hạn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn. Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, năm 2017, bộ này tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu bộ máy ngành Công thương; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong xuất nhập khẩu và lưu thông. Bên cạnh đó, ngành sẽ đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân; xây dựng chiến lược phát triển hệ thống bán lẻ; xây dựng các hệ thống hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước…Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho rằng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; phát triển mạnh hơn những ngành, lĩnh vực mà đất nước ta có lợi thế. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần khởi nghiệp và phát triển thị trường KH&CN. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường điểm lại những khó khăn và những kết quả đạt được của ngành NN&PTNT trong năm 2016 và cho rằng, năm 2017, ngành này vẫn còn nhiều khó khăn như biến đổi khí hậu ngày càng khó lường, chính sách bảo hộ sản phẩm của một số nước sẽ ảnh hưởng lớn đến cả xuất khẩu và nhập khẩu nông sản…Bộ trưởng cho rằng, cần tập trung tháo gỡ 4 nút thắt trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay gồm tích tụ ruộng đất; chuyển diện tích trồng lúa không hiệu quả sang trồng cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản; có chính sách huy động sự tham gia của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm 2017 sẽ rà soát quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục; tăng cường tính tự chủ cho các nhà trường và tiếp tục đổi mới công tác thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các bộ, ngành chức năng năm 2017 tập trung cho công tác phòng chống thiên tai, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó cần tích cực triển khai các dự án giao thông quan trọng; điều chỉnh quy hoạch điện; tái cấu trúc các sản phẩm công nghiệp; mở rộng thị trường các sản phẩm nước ta có lợi thế…Nhấn mạnh đến kết quả giải ngân vốn ODA trong năm 2016, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng thời gian tới, nếu không đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn này sẽ mất đi nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị các bộ, ngành, địa phương quyết liệt chấn chỉnh tình trạng khai thác tài nguyên trái phép; thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ; tăng cường quản lý thị trường, đảm bảo hàng hóa cho nhân dân đón Tết. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân…

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn song bằng tinh thần đoàn kết, chúng ta đã vượt qua và đạt được nhiều kết quả quan trọng về kinh tế-xã hội. 11/13 chỉ tiêu đã hoàn thành, 2 chỉ tiêu xấp xỉ đạt; niềm tin thị trường, niềm tin xã hội được tưăng lên. Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương để có được kết quả như vậy. Thủ tướng nhấn mạnh, thành tựu đạt được rất quan trọng song năm 2017 dự báo còn nhiều khó khăn, nhất là thiên tai, tình hình quốc tế diễn biến khó lường, nợ công còn cao, sức cạnh tranh còn thấp…Vì vậy, Thủ tướng đề nghị cả hệ thống phải quyết tâm, vào cuộc; giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2016, đồng thời gắn với tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương phải vượt qua được tư duy nhiệm kỳ, lợi ích cục bộ; cần có quyết tâm chính trị cao, khát vọng đưa đất nước ta ngày một phát triển. Thủ tướng đề nghị, các bộ, ngành, địa phương rà soát, bãi bỏ hoặc đề nghị bãi bỏ những quy định bất cập; nâng cao năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp; công khai và tiết kiệm chi ngân sách; chống xa hoa, lãng phí, phô trương hình thức. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; thi đua sáng tạo, phát triển nhanh, bền vững; xây dựng chính quyền liêm chính, hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt 30 nhiệm vụ, nhất là những nhiệm vụ quan trọng như đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh phát triển; tập trung tháo gỡ về thể chế, chính sách; có lộ trình xử lý nợ xấu, nợ công. Bên cạnh đó phải tăng cường huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; phát triển thị trường; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, xử lý những dự án thua lỗ. Thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó có tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh phát triển du lịch; phấn đấu đến năm 2020, cả nước đón 20 triệu du khách. Tăng cường phân cấp; chấn chỉnh quy hoạch phát triển đô thị; đảm bảo ATVSTP; nâng cao đời sống của nhân dân. Bên cạnh đó, cần tăng cường chống biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; đảm bảo QP-AN, trật tự an toàn xã hội…

Nhấn mạnh tầm quan trọng của hội nghị này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trì đề nghị, trên cơ sở kết luận của Thủ tướng Chính phủ, giao cho các sở, ngành liên quan tham mưu xây dựng Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết của Chính phủ và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII, đồng thời chuẩn bị nội dung cho phiên họp của UBND tỉnh tháng 1-2017.

Theo N.P - Báo Vĩnh Phúc