Thứ Tư, 05/11/2014 15:20:06 (GMT+7)

Chi phí phi chính thức làm giảm “hứng khởi” kinh doanh

Chi phí phi chính thức và tiếp cận tài chính vẫn là một trong những vấn đề nghiêm trọng, tương tự như tình hình giai đoạn 2009-2011. Xu hướng các loại giấy phép cũng như điều kiện để gia nhập thị trường ngày càng nhiều hơn làm tinh thần kinh doanh của doanh nhân cũng có sự giảm sút.

Chi phí phi chính thức làm giảm “hứng khởi” kinh doanh

Các doanh nghiệp siêu nhỏ ít bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng hơn so với các doanh nghiệp lớn. Ảnh minh họa

Đây là ý kiến của TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) bên lề Hội thảo công bố Báo cáo “Đặc điểm môi trường kinh doanh ở Việt Nam: Kết quả điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) năm 2013” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Tổng cục Thống kê (GSO) và Trường Đại học Copenhagen (UoC) phối hợp tổ chức ngày 4/11.

Báo cáo cung cấp thông tin về thực trạng của DNNVV Việt Nam và một số trở ngại chính của khu vực doanh nghiệp này. Cuộc điều tra được thiết kế dựa trên bốn vòng điều tra trước đó và được tiến hành qua các cuộc phỏng vấn trực tiếp trong tháng 6, tháng 7 và tháng 8 năm 2013 đối với gần 2.500 DNNVV ngoài quốc doanh hoạt động trong khu vực chế biến.

Trình bày kết quản nghiên cứu, Giáo sư John Rand, Đại học Copenhagen cho biết: Khoảng 70% các doanh nghiệp được khảo sát nói rằng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn có ảnh hưởng tiêu cực đến điều kiện kinh doanh năm 2013 và chỉ có 15% doanh nghiệp không cảm thấy những tác động tiêu cực của khủng hoảng năm 2007/2008 (được báo cáo trong năm 2011 hoặc 2013).

Các doanh nghiệp siêu nhỏ ít bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng hơn so với các doanh nghiệp lớn, so sánh năm 2011 và 2013, tổng lao động giảm 7,4%.

Báo cáo “Đặc điểm môi trường kinh doanh ở Việt Nam: Kết quả điều tra DNNVV năm 2013” cũng cho rằng: Môi trường kinh doanh về tổng thể dường như không được cải thiện so với giai đoạn khảo sát trước. Chi phí phi chính thức và tiếp cận tài chính vẫn là một trong những vấn đề nghiêm trọng, tương tự như tình hình của giai đoạn 2009-2011.

Tỷ lệ doanh nghiệp có chi phí phi chính thức năm 2013 cao hơn năm 2011 và tương tự như năm 2009.

Các phân tích về mục đích của các khoản chi phí phi chính thức cho thấy doanh nghiệp có các khoản chi này để nhằm đối phó với cơ quan, người thu thuế cũng như kết nối với dịch vụ công. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp không tiết lộ lý do.

Giáo sư John Rand cho biết: Dữ liệu điều tra cho thấy doanh nghiệp hối lộ có xác suất thoát khỏi thị trường lớn hơn. Do vậy, chiến dịch thông tin về các tác động tiêu cực của tham nhũng có thể cần thiết để giảm áp lực chi phí phi chính thức đối với cả phía cung và phía cầu.

Tỷ lệ đổi mới giảm mạnh so với năm 2011, kể cả về giới thiệu sản phẩm mới và cải tiến sản phẩm hiện có. Đặc biệt, các doanh nghiệp siêu nhỏ nông thôn là động lực chính của sự suy giảm này. Kết quả điều tra cho thấy, sự suy giảm này có thể là một vấn đề đối với tính năng động trong tương lai, do đổi mới thông qua việc cải tiến sản phẩm hiện có quan hệ thuận chiều đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, các chính sách cần hướng trọng tâm đến nâng cao năng lực sáng tạo của các DNNVV.

Chia sẻ thêm những đánh giá sau báo cáo, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng: Từ sau năm 2013 trở lại đây đang có những thay đổi để tạo ra một nền tảng rất vững chắc hướng tới bảo đảm quyền tự do kinh doanh cho môi trường kinh doanh Việt Nam. Sắp tới Quốc hội sẽ ban hành một loạt Luật theo xu hướng giảm chi phí, giảm rủi ro, tạo thuận lợi cho người dân. Ví dụ Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sắp tới bỏ trần khống chế 15% chi phí quảng cáo, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư thể hiện tinh thần tự do kinh doanh. Đáng chú ý là Nghị quyết số 19 của Chính phủ đã đặt ra hàng loạt giải pháp, trong đó ưu tiên giảm chi phí, giảm rủi ro cho doanh nghiệp và đang được thực hiện quyết liệt.

TS Cung cho rằng cần thay đổi nhiều hơn, đặc biệt trong bộ máy Nhà nước ở các địa phương theo hướng bớt đi lạm dụng việc “quản, kiểm”. Thay vào đó, các cơ quan Nhà nước phải thay đổi thái độ làm việc sang hướng thúc đẩy, hỗ trợ, khuyến khích, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ, giải quyết khó khăn. “Với sự thay đổi tư duy của các cơ quan quản lý các cấp thì tôi hy vọng đợt điều tra sau sẽ có kết quả tốt hơn”, TS Cung nhấn mạnh.

Theo Huy Thắng - Báo điện tử Chính phủ