Cần tạo ra bước đột phá về mặt chất, với phương châm vẫn giữ được PCI ở thứ hạng cao
Nhằm phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của riêng tỉnh trên cơ sở so sánh tương quan với cả nước, qua đó nhận diện những mặt mạnh, những mặt còn hạn chế cần được cải thiện, tìm ra những giải pháp mạnh mẽ có tính đột phá, nhằm tạo ra sự chuyển biến trong công tác điều hành kinh tế – xã hội của tỉnh, nâng cao tính hấp dẫn của môi trường kinh doanh ở tỉnh, Đề án Cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2013- 2015 được ban hành.
Sau 3 năm triển khai thực hiện đề án, tỉnh đã hoàn thành tốt mục tiêu đề án “phấn đấu mỗi năm từ năm 2013-2014 tăng ít nhất 15-20 bậc, nằm trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành “tốt” và từ năm 2015 xếp trong nhóm 10 địa phương cao nhất trong cả nước, nằm trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành “rất tốt”. Kết quả đó khẳng định công lao của cả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là của những cơ quan, cá nhân trực tiếp giải quyết công việc liên quan tới doanh nghiệp.
Chỉ tính riêng trong 3 năm (2013-2015), trên địa bàn tỉnh thu hút được 100 dự án FDI mới và 51 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đăng ký 1,214 tỷ USD và 108 dự án DDI mới và 28 lượt dự án tăng vốn với số vốn đăng ký 21.406 tỷ đồng, chiếm trên 35% tổng vốn đầu tư FDI và trên 45% vốn DDI trong các giai đoạn trước kể từ thời điểm tái lập tỉnh năm 1997. Vốn thực hiện các dự án đạt cao so với các năm trước, góp phần đóng góp và duy trì ổn định phát triển kinh tế của tỉnh trong 3 năm qua. Chỉ số PCI của tỉnh dần được cải thiện, xếp thứ 26 năm 2013 và xếp hạng thứ 4/63 tỉnh, thành năm 2015. So với năm 2012, điểm số PCI của tỉnh đã tăng 7,41 điểm và tăng 39 bậc; có nhiều chỉ số tăng điểm. Nhìn chung, các chỉ số tăng điểm có mức tăng lớn cả về điểm số và thứ hạng. Điển hình, năm 2012, chỉ số tính năng động xếp hạng thứ 58/63, thì đến năm 2015, chỉ số này tăng 2,85 điểm và tăng 51 bậc, xếp vị trí thứ 7. Đây là chỉ số có sự tăng thứ hạng cao nhất trong 10 chỉ số và đạt mục tiêu đề án. Chỉ số này thành phần đo lường tính sáng tạo, sáng suốt của tỉnh trong quá trình thực thi chính sách Trung ương cũng như trong việc đưa ra những sáng kiến riêng nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân; đánh giá khả năng hỗ trợ và áp dụng ở những chính sách chưa rõ ràng của Trung ương theo hướng có lợi cho doanh nghiệp. Chỉ số này được cải thiện mạnh mẽ, chứng tỏ sự chuyển biến tích cực trong công tác điều hành của lãnh đạo và cán bộ công chức ở tất cả các cấp, các ngành. Hệ thống chính trị đã quan tâm hơn đến sự phát triển của khu vực tư nhân, các vấn đề vướng mắc của khu vực này được chỉ đạo giải quyết tốt hơn, có sự phối hợp đồng bộ hiệu quả hơn trong giải quyết thủ tục hành chính, trình độ của cán bộ công chức ngày càng được cải thiện, tinh thần thái độ của các cấp, các ngành có sự chuyển biến rõ rệt từ hành chính quản lý Nhà nước sang hành chính vừa quản lý, vừa phục vụ.
Bên cạnh đó, chỉ số Thiết chế pháp lý tăng cả điểm lẫn thứ hạng và có sự tăng hạng đều qua các năm, phản ánh lòng tin của doanh nghiệp đối với các thiết chế pháp lý của tỉnh, doanh nghiệp dần coi các thiết chế của tỉnh là công cụ hiệu quả để giải quyết tranh chấp, khiếu nại các hành vi nhũng nhiễu của cán bộ công quyền tại tỉnh. Hiên nay, trên địa bàn tỉnh có 11 tổ chức hành nghề luật sư. 100% luật sư có trình độ cử nhân luật trở lên, 96% số luật sư đã qua đào tạo nghề luật sư, cơ bản đáp ứng nhu cầu bào chữa, bảo vệ quyền lợi, tư vấn pháp luật cho người dân. Việc thực hiện tốt vai trò tư vấn pháp lý góp phần tăng cường sự minh bạch, lành mạnh đồng thời là nhân tố giúp gia tăng hoạt động đầu tư nước ngoài tại tỉnh. Việc phát triển các tổ chức hành nghề công chứng rộng khắp tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong việc thực hiện các yêu cầu công chứng. Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 24 tổ chức hành nghề công chứng. Số lượng các tổ chức hành nghề công chứng đã dần đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp, nhu cầu công chứng của công dân, tổ chức, doanh nghiệp. Các cơ quan, sở, ban, ngành thiết lập, công khai và duy trì hoạt động của hệ thống hòm thư góp ý, hỗ trợ trực tuyến, hỏi đáp trên các Cổng thông tin điện tử của các cơ quan, sở, ban, ngành. Các hệ thống này hoạt động thường xuyên, liên tục, đảm bảo các góp ý, thắc mắc của các cá nhân, tổ chức tới được các cơ quan có thẩm quyền và được giải quyết kịp thời, tiết kiệm thời gian, tránh gây bức xúc kéo dài cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.
Đáng chú ý, chỉ số đào tạo lao động của tỉnh tăng hạng vượt bậc. Năm 2015, chỉ số này xếp thứ 11, tăng 33 bậc so với năm 2012, tỉnh nằm trong tốp 20 địa phương tốt nhất. Việc tăng điểm và thứ hạng của chỉ số thành phần này bởi có sự cải thiện về mức độ và chất lượng các hoạt động đào tạo nghề và phát triển kỹ năng do tỉnh triển khai nhằm hỗ trợ cho các ngành công nghiệp địa phương cũng như tìm kiếm việc làm cho lao động địa phương. Ngoài các chỉ số trên, các chỉ số: Tính minh bạch; chi phí thời gian… đều tăng hạng.
Mặc dù môi trường đầu tư của tỉnh có sự cải thiện, nhiều chỉ số có sự cải thiện đáng kể song vẫn chưa thật sự ổn định, so với các tỉnh thì Vĩnh Phúc chưa có chỉ số thành phần nào nằm trong nhóm 5 tỉnh dẫn đầu; vẫn còn những chỉ số tụt hạng như: Chỉ số gia nhập thị trường; chi phí không chính thức; hỗ trợ doanh nghiệp; còn có tình trạng phiền hà của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính; văn hóa giao tiếp, ứng xử khi làm việc với doanh nghiệp không phù hợp, chưa thấy rõ trách nhiệm phục vụ doanh nghiệp trong giải quyết công việc; nhiều nội dung chậm cải tiến, chưa có sự đột phá; công tác quản lý vận hành, vệ sinh môi trường, cây xanh, an ninh trật tự… của một số khu công nghiệp còn yếu kém; lao động có lúc, có nơi không đáp ứng về số lượng, kỷ luật lao động thấp… Nguyên nhân của hạn chế trên bởi sự kết nối giữa chính quyền các cấp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chưa kịp thời. Vai trò phản biện các chính sách và sự tham gia xây dựng, tham vấn của các doanh nghiệp chưa được phát huy và kém hiệu quả. Một số đơn vị chưa thật sự chủ động trong việc nghiên cứu, tìm các giải pháp đột phá để đẩy mạnh cải cách hành chính theo lĩnh vực, ngành phụ trách. Chất lượng tham mưu của các văn bản đề xuất giải quyết các thủ tục hành chính, khó khăn vướng mắc của doan nghiệp của nhiều cơ quan đơn vị còn thấp, thời gian chưa đảm bảo thời gian theo yêu cầu. Chưa thực hiện tốt việc công khai quy hoạch, kế hoạch phát triển và cung cấp thông tin nên doanh nghiệp vẫn rất khó khăn trong tiếp cận thông tin để dễ dàng hơn trong quyết định đầu tư, chất lượng thông tin trên các trang website của các sở ngành còn hạn chế, chưa kịp thời, nhiều thông tin cũ lạc hậu, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, khai thác và công khai các thủ tục hành chính chưa triệt để, đồng bộ.
Để tạo dựng niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp và cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, theo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trì tại Thông báo số 58 ngày 29/4/2016, chủ trương là cần tạo ra bước đột phá về mặt chất, tuy nhiên với phương châm vẫn giữ được PCI ở thứ hạng cao. Coi đây là sức ép lớn, cần quan tâm đặc biệt. Vì vậy, giai đoạn 2016- 2020, các sở, ban, ngành, huyện, thành, thị tập trung vào những mặt còn yếu, những chỉ số có điểm số thấp và có nhiều yếu kém, hạn chế. Có giải pháp quyết liệt hơn trong cải cách thủ tục hành chính. Về thu hút đầu tư, thay đổi phương thức tiếp cận, chuyển từ thụ động sang chủ động tìm kiếm nhà đầu tư mục tiêu, thực sự có năng lực đầu tư dự án lớn, tạo ra sự phát triển đột phá và đóng vai trò lan tỏa trong phát triển ngành, lĩnh vực. Đánh giá rõ, gắn với trách nhiệm cụ thể với người đứng đầu tại các cơ quan đơn vị với từng chỉ số thành phần của PCI…
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh