Thứ Tư, 13/07/2016 9:27:58 (GMT+7)

Cần chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp thành công

Năm 2016, được Chính phủ chọn là Năm quốc gia khởi nghiệp. Ở tỉnh ta lực lượng doanh nghiệp trẻ đã và đang đạt được những thành công nhất định. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp trẻ chủ yếu là những doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), chưa khẳng định chỗ đứng của mình trên thương trường. Để có được thành công doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cần sự hỗ trợ về mọi mặt của các cấp, các ngành.

Cần chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp thành công

Công ty TNHH TM & Giao nhận HP Vĩnh Phúc là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Logistics luôn mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước để phát triển bền vững

Theo số liệu từ Sở Kế hoạch & Đầu tư, tính đến tháng 6 năm 2016, Vĩnh Phúc có gần 7.000 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 53.154 tỷ đồng. Trong đó, có 397 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký đầu tư 2.932 tỷ đồng. Tuy nhiên, các mô hình khởi nghiệp tập trung ở một số lĩnh vực dễ gia nhập thị trường, giàu tính đam mê nhưng lại thiếu kiến thức cơ bản cần thiết cho khởi nghiệp. Đến nay, mới có 20 doanh nghiệp đủ điều kiện tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi 0% với số vốn cho vay 80,5 tỷ đồng; có 2.524 DNNVV được vay vốn với tổng số tiền là 11.826,5 tỷ đồng theo chính sách miễn giảm lãi tiền vay.

Mặc dù tỉnh đã có nhiều sự hỗ trợ tích cực về vốn song quỹ đầu tư khởi nghiệp của tỉnh có hạn, chưa đáp ứng được nhu cầu về vốn của các doanh nghiệp; những doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn ngoài kênh nhưng năng lực tài chính yếu, phương án sản xuất kinh doanh không hiệu quả nên chưa được các ngân hàng thương mại chấp thuận cho vay. Các ngân hàng có quỹ tài chính lớn nhưng chỉ tập trung cho những dự án khởi nghiệp có quy mô lớn, còn các dự án khởi nghiệp nhỏ thì rất ít. Chính sách thuế dành cho các đơn vị khởi nghiệp hiện nay cũng chưa có. Bên cạnh đó, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa không được triển khai chi nhánh đến từng địa phương nên hạn chế nguồn hỗ trợ về vốn, tài chính cho các doanh nghiệp, nhất là các công tác hỗ trợ khởi nghiệp.

Công ty TNHH MTV Công nghệ môi trường xử lý nước Việt Nam có trụ sở tại phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên. Dù đã có 5 năm hoạt động trên thương trường nhưng doanh nghiệp đang phải “bươn trải” với hàng loạt khó khăn trong kinh doanh. Trao đổi với chúng tôi về những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp, ông Phan Mạnh Hùng, Giám đốc công ty cho biết: “Hiện tại, công ty luôn trong tình trạng thiếu thốn nhiều thứ, điển hình là thiếu vốn, thiếu nhân lực, kinh nghiệm, cách quản trị doanh nghiệp… Do vậy, khi phải đối mặt với khó khăn, khả năng ứng phó của doanh nghiệp không cao, nếu không kiên trì dễ dẫn tới thất bại”. Trả lời cho câu hỏi làm thế nào để giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, ngoài câu chuyện về vốn, ông Hùng kiến nghị: “Các ngành, các cấp của tỉnh cần tạo sân chơi công bằng, bình đẳng giữa các thành phần doanh nghiệp trong tỉnh và thành phần doanh nghiệp ngoài tỉnh; chẳng hạn như đối với các công trình, dự án xử lý nước của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn khi mở thầu thường đánh giá cao khả năng của các doanh nghiệp tại khu vực Hà Nội; trong khi đó, các doanh nghiệp xử lý nước trong tỉnh có năng lực tương đương lại không trúng thầu, điều này khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trên bước đường khởi nghiệp cũng như nâng cao khả năng tiếp cận khoa học công nghệ để áp dụng vào sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, việc tạo môi trường kinh doanh công bằng, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi cũng như nâng cao năng lực quản trị, khả năng ứng dụng khoa học công nghệ trong bước đầu khởi nghiệp là kiến nghị không chỉ của doanh nghiệp chúng tôi mà còn của không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa khác nhằm từng bước đảm bảo khởi nghiệp thành công.

Nằm trong “top” 10 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2016, ông Nguyễn Xuân Phương, Giám đốc Công ty TNHH TM & Giao nhận HP Vĩnh Phúc chia sẻ: “Là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Logistics (nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá theo thoả thuận với khách hàng), khó khăn điển hình mà doanh phải đối mặt lúc khởi sự chính là nguồn vốn. Điều này khiến doanh nghiệp không thể cạnh tranh khi các nhà đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singgapore… rất dồi dào tiềm lực tài chính đang chiếm lĩnh thị trường các khu công nghiệp. Trong khi đó, nếu đầu tư nhỏ lẻ, doanh nghiệp sẽ không thể lớn mạnh, không thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Dù đã qua giai đoạn khó khăn nhưng tôi rất muốn có thể tiếp cận được những gói vốn vay thông qua hình thức tín chấp, được ưu đãi về lãi suất để đảm bảo sự hỗ trợ thực chất, tạo thuận lợi trong kinh doanh, nhất là trong thời kỳ đất nước đang hội nhập sâu rộng với thế giới ”.

Trên quan điểm luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành thực hiện thống nhất, đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp đề ra trong Chương trình hành động của UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Kế hoạch hành động của UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhằm tiếp tục thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho nhà đầu tư và doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Ông Lương Quốc Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tư, vấn và Dịch vụ Hỗ trợ Phát triển (Sở Kế hoạch & Đầu tư) cho biết: “Để đảm bảo thuận lợi cho vấn đề khởi nghiệp, thời gian tới UBND tỉnh tiếp tục xây dựng và ban hành Đề án Cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2020,… nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích, tạo điều kiện thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, xây dựng lòng tin cho doanh nhân. Đặc biệt, trong thời gian tới, tỉnh sẽ xây dựng và triển khai mô hình hỗ trợ toàn diện “Vườn ươm doanh nghiệp” nhằm tiếp tục hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng là động lực phát triển kinh tế của tỉnh, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập của nhân dân. Hướng tới xây dựng một “địa phương khởi nghiệp”.

Theo Trung Huy - Báo Vĩnh Phúc