Các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc: Nỗ lực hoàn thành “nhiệm vụ kép”
Thời điểm này, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung, các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản nói riêng đang tập trung cao độ để hoàn thành “nhiệm vụ kép” là phòng chống dịch Covid-19 và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
Với hơn 10.000 lao động và có hàng trăm cửa hàng, hệ thống showroom trải rộng khắp 63 tỉnh, thành trong cả nước nên một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách mà Công ty Honda Việt Nam đang tập trung triển khai thực hiện là phòng chống dịch và kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản kinh doanh, ứng phó với những rủi ro do dịch Covid-19 gây ra.
Ông Lê Hữu Phúc, Phó Tổng Giám đốc thứ nhất Công ty Honda Việt Nam cho biết: Mục tiêu năm 2020 của Công ty là sản xuất khoảng 2,5 triệu xe máy và gần 18.000 xe ô tô. Với việc cung ứng kịp thời nguồn linh kiện từ các doanh nghiệp phụ trợ và trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 chưa tác động nhiều đến hoạt động sản xuất nên quý I, Công ty vẫn sản xuất được 5.300 xe máy và 2.300 xe ô tô, đạt 100% kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, dự kiến quý II/2020, hoạt động sản xuất của Công ty sẽ bị ảnh hưởng. Số lượng xe máy sản xuất ra sẽ giảm khoảng 8-9% so với kế hoạch. Đặc biệt, từ cuối tháng 3, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp phụ trợ đã xin gia hạn, thay đổi lịch giao hàng phụ tùng nên Công ty phải điều chỉnh tuần tự sản xuất các loại xe ô tô. Đồng thời, phải bỏ thêm chi phí để chuyển đổi hình thức vận chuyển phụ tùng từ đường biển sang đường hàng không.
Về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, ông Lê Hữu Phúc cho biết, ngay từ khi Việt Nam xuất hiện ca bệnh đầu tiên, Công ty đã xây dựng kịch bản ứng phó theo 4 cấp độ dựa trên hướng dẫn của Bộ Y tế và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh. Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cập nhật thông tin hằng ngày về tình hình sức khỏe của từng lao động; thiết lập phòng cách ly, thay đổi việc chấm công từ vân tay sang thẻ từ, điều chỉnh giờ ăn ca, giữ khoảng cách an toàn 2m cho người lao động. Đối với 109 trường hợp là lao động công ty thuộc diện cách ly, Công ty đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương đưa 1 trường hợp đi cách ly tập trung, 79 trường hợp cách ly tại nhà và 29 người lao động tự theo dõi sức khỏe. Tính đến ngày 25/3, có 58/80 người cách ly đủ 14 ngày đã quay trở lại làm việc. Mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty vẫn diễn ra bình thường, tình hình sức khỏe và tâm lý của người lao động ổn định.
Ông Lê Hữu Phúc kiến nghị Chính phủ, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp giảm thời gian thông quan hàng xuất nhập khẩu; nới lỏng điều kiện về sản lượng quy định trong Nghị định số 125 của Chính phủ về ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện; giảm 50% thuế giá trị gia tăng và lệ phí trước bạ khi đăng ký phương tiện; giảm thuế thu nhập cá nhân năm 2020; giãn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp.
Với quan điểm phòng chống dịch, ổn định tâm lý cho người lao động trong giai đoạn hiện nay là một thành công quyết định đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp trong cả năm 2020, ngay sau khi Bộ Y tế công bố tình trạng dịch bệnh trên toàn quốc, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam đã chủ động phun khử trùng tiêu độc tại tất cả các bộ phận, mua trang thiết bị cần thiết để phòng lây nhiễm vi rút Corona. Đồng thời, thông báo đến đại lý và nhà cung cấp các biện pháp phòng chống dịch, nâng cao ý thức cộng đồng, thường xuyên cập nhật tình hình thực hiện bảo đảm an toàn và tránh dịch lây lan.
Ông Toru Kinoshita, Tổng Giám đốc Công ty cho biết: Có 3 yếu tố quyết định đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp là quy mô, chất lượng và chi phí. Từ cuối tháng 3 này, hoạt động sản xuất và nhập khẩu linh kiện của Công ty đã bị ảnh hưởng do nhà máy Toyota tại Malaysia và Philippin đã ngừng sản xuất từ ngày 18/3 đến 31/3; Chính phủ Indonesia đã dừng cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (CO) đối với hàng hóa xuất khẩu đến 31/3 dẫn đến chi phí sản xuất xe không được hưởng ưu đãi thuế quan khu vực ASEAN. Bên cạnh đó, việc quản lý, đánh giá chất lượng sản phẩm của một số cơ sở sản xuất xe ô tô và linh kiện gặp khó khăn do một số nước cấm nhập cảnh. Ước 3 tháng đầu năm, lượng xe bán ra của Toyota Việt Nam khoảng 14.176 xe, giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 8,5% so với kế hoạch. Dự kiến cả năm 2020, Công ty bán được khoảng 69.500 xe, giảm 20% so với kế hoạch; dịch vụ sửa xe giảm từ 30-40%.
Để duy trì việc làm, giữ chân người lao động, Công ty đã giảm từ 3 ca sản xuất/ngày xuống còn 2 ca/ngày và có thể sẽ giảm xuống còn 1 ca/ngày. “Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi rất mong muốn Chính phủ, UBND tỉnh cân nhắc việc giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp; giãn thời gian nộp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá với hàng hoá có nguồn gốc nhập khẩu từ các nước ASEAN; giảm thuế thu nhập cá nhân; có gói kích cầu chung cho phát triển kinh tế; gia hạn các gói vay thương mại để doanh nghiệp có thời gian phục hồi sản xuất, kinh doanh và trả nợ”. – Ông Toru Kinoshita nói.
Tại Công ty TNHH PowerLogics Vina, khu công nghiệp Khai Quang, công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 càng được triển khai nghiêm ngặt, bởi đây là doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc; sau kỳ nghỉ Tết nguyên dán, có 8 lao động Hàn Quốc quay trở lại làm việc.
Ông Oh Se Chang, Tổng Giám đốc công ty cho biết: PowerLogics Vina chuyên sản xuất bảng mạch điện tử. Hiện Công ty có 8 lao động là người Hàn Quốc. Thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch của Việt Nam, Công ty đã siết chặt quản lý người ra, vào; tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho lao động Việt Nam để đảm đương các công việc của các chuyên gia Hàn Quốc do Công ty mẹ không cử chuyên gia sang làm việc tại Việt Nam trong bối cách dịch bệnh Covid-19 tại Hàn Quốc tiếp tục có diễn biến phức tạp.
Còn với Công ty TNHH Interflex Vina, khu công nghiệp Bá Thiện II, hơn 2 tháng qua, Công ty cũng phải gồng mình để thực hiện song hành hai “nhiệm vụ kép” là vừa phòng chống dịch và vừa đẩy mạnh sản xuất, nhất là trong bối cảnh nguồn nguyên liệu sản xuất khó khăn.
Ông Oh Choon Hwan, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Interflex Vina cho biết: Ngay từ đầu tháng 2, Công ty đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh thực hiện theo dõi, cách lý các lao động Hàn Quốc quay trở lại làm việc sau Tết, nhất là theo dõi sát và thường xuyên cập nhật, báo cáo cơ quan chức năng về tình hình sức khỏe của 1 lao động Hàn Quốc nhập cảnh vào Việt Nam ngày 29/2/2020. Đến nay, sức khỏe lao động này ổn định và đã quay trở lại làm việc bình thường. Đối với hoạt động sản xuất, mặc dù còn gặp khá nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu nguồn nguyên liệu nhưng chúng tôi tin, với thay đổi một số dây chuyền sản xuất và các giải pháp hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ và của tỉnh Vĩnh Phúc, các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử nói riêng sẽ vượt qua được khó khăn, đạt được các mục tiêu kế hoạch năm 2020 đề ra”- ông Oh Choon Hwan tin tưởng.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 377 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký trên 5,02 tỷ USD. Các dự án đầu tư đến từ 17 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó, Hàn Quốc và Nhật Bản là các quốc gia có số dự án và số vốn đầu tư vào tỉnh nhiều nhất từ trước đến nay. Cụ thể, Hàn Quốc có 180 dự án đầu tư, tổng vốn đầu tư trên 1.718 triệu USD; Nhật Bản 47 dự án, tổng vốn đầu tư trên 1.113 triệu USD.
Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do tác động của Covid-19, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành tăng cường nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cả trong và ngoài khu công nghiệp để kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn; khảo sát, nắm bắt cụ thể tình hình về nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động ở các doanh nghiệp trên địa bàn; tập trung chỉ đạo hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để động viên, hỗ trợ hiệu quả người lao động quay trở lại đơn vị làm việc cũng như tìm kiếm, tuyển dụng lao động mới cho các doanh nghiệp. Cùng với đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa phòng chống dịch tốt nhất nhưng cũng yên tâm sản xuất kinh doanh. Cụ thể, tỉnh triển khai hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế, ổn định sản xuất; khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư các dự án theo quy định của pháp luật để giúp các doanh nghiệp nhanh chóng thực hiện dự án. Đẩy mạnh các chương trình kích cầu tiêu dùng; chỉ đạo hệ thống ngân hàng có các chính sách miễn, giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời gian trả nợ…
Tại buổi làm việc với 2 Công ty Ô tô Toyota Việt Nam và Honda Việt Nam vào ngày 24/3 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trì nhấn mạnh, quan điểm của tỉnh Vĩnh Phúc và Chính phủ Việt Nam là vừa chống dịch vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Do vậy, tỉnh sẽ sớm báo cáo những khó khăn, đề xuất của các doanh nghiệp đến Chính phủ, Quốc hội để kịp thời có những giải hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định, phát triển sản xuất.
Các tin khác:
- Tập huấn nâng cao nghiệp vụ xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp
- Đoàn doanh nghiệp Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc) và các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội dòng họ Trang, dòng họ Nghiêm tìm hiểu đầu tư tại Vĩnh Phúc
- UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Công ty TNHH iMarket Việt Nam ký Bản ghi nhớ về nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu đầu tư dự án hạ tầng KCN và sân Golf tại Vĩnh Phúc
- UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn Vingroup sẽ ký kết hợp tác toàn diện Xúc tiến, thu hút đầu tư, liên kết hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023