Thứ Sáu, 11/07/2014 7:20:51 (GMT+7)

Bế mạc kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh khóa XV

Ngày 10-7-2014 kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khoá XV, nhiệm kỳ 2011-2016 tiếp tục ngày làm việc thứ 3, tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; thông qua các Nghị quyết và bế mạc. Các đồng chí: Phạm Văn Vọng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Xuân Sơn, Uỷ viên Thường trực HĐND tỉnh chủ trì phiên họp.

Đồng chí Phạm Văn Vọng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu bế mạc kỳ họp HĐND tỉnh Vĩnh Phúc khóa XV, nhiệm kỳ 2011-2016. Ảnh Dương Chung

Đồng chí Phạm Văn Vọng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu bế mạc kỳ họp HĐND tỉnh Vĩnh Phúc khóa XV, nhiệm kỳ 2011-2016. Ảnh Dương Chung

Buổi sáng, phát biểu mở đầu phiên chất vấn, đồng chí Phạm Văn Vọng nhấn mạnh: Hoạt động chất vấn của HĐND tại kỳ họp đã trở thành hoạt động chủ yếu tại mỗi kỳ họp, nhằm phát huy vai trò của đại biểu HĐND tỉnh. Qua chất vấn góp phần nâng cao trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn, đồng thời thể hiện quyền lực của HĐND và vai trò của từng đại biểu HĐND. Hoạt động chất vấn được đông đảo cử tri, các tầng lớp nhân dân và các cơ quan thông tấn, báo chí quan tâm theo dõi và giám sát.

Tại phiên chất vấn, lãnh đạo Sở Tài chính đã báo cáo về 2 nội dung: Mười năm qua, tỉnh đã quyết định đầu tư hàng nghìn công trình, chủ yếu thuộc nhóm C từ nguồn ngân sách nhà nước và huy động từ nguồn vốn khác. Nhưng hàng năm, quyết toán các công trình hoàn thành đạt tỷ lệ rất thấp, nhiều công trình đã hoàn thành nhưng chưa quyết toán. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền làm rõ thực trạng, giải pháp để khắc phục trong thời gian tới. Thời gian qua, công tác lập, giao dự toán cho đơn vị thu phí, lệ phí chưa sát thực tế, nhiều nơi thu một số loại phí, lệ phí vượt quy định (như phí trông giữ xe, phí chợ…), có phí không thực hiện (như phí bảo vệ môi trường đối với nước thải ở nông thôn, phí vệ sinh đối với công trình xây dựng…) làm giảm hiệu lực nghị quyết HĐND tỉnh và thất thu ngân sách nhà nước. Đề nghị làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục.

Lãnh đạo Thanh Tra tỉnh báo cáo về 3 nội dung: Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2013 đã xác định có 36 vụ việc khiếu nại tố cáo đúng (khiếu nại 25, tố cáo 11), 158 vụ việc khiếu nại, tố cáo có đúng, có sai (khiếu nại 112, tố cáo 46). Đề nghị làm rõ những sai phạm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân? Kết quả xử lý cá nhân, tổ chức có sai phạm, giải pháp khắc phục thời gian tới.Hiện nay còn 8 vụ việc khiếu nại tố cáo phức tạp kéo dài, nhưng đến nay, vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp để giải quyết dứt điểm thời gian tới. Theo báo cáo của UBND tỉnh 6 tháng đầu năm 2014, đã tiến hành 36 cuộc thanh, kiểm tra tại 85 điểm, qua thanh tra, phát hiện và kiến nghị, xử lý sai phạm kinh tế trên 7.212 triệu đồng và 13.350m2 đất; kiến nghị thu hồi 3.272 triệu đồng, 13.350m2 đất; kiểm tra thực hiện các kết luận và quyết định xử lý sau thanh tra: gồm 49 kết luận, phải thu 6.738 triệu đồng, đã thu 2.328 triệu đồng. Tuy nhiên, việc kiến nghị thu hồi về đất và tiền sai phạm là rất lớn nhưng tỷ lệ thu hồi còn thấp, đề nghị UBND tỉnh giải trình và làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân.

Lãnh đạo Sở Giáo dục-Đào tạo báo cáo về 2 nội dung: Tình trạng sa sút về phẩm chất đạo đức của một bộ phận giáo viên và học sinh thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh, gây bức xúc trong nhân dân (học sinh vi phạm Luật Giao thông, đánh nhau trong và ngoài nhà trường; giáo viên chơi bài ăn tiền, tham gia cướp giật, mắc các tệ nạn xã hội…). Đề nghị cơ quan có thẩm quyền cho biết, việc đánh giá chất lượng đạo đức của học sinh, giáo viên; có giải pháp khắc phục tình trạng trên và nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức đối với giáo viên và học sinh trong thời gian tới . Hiện nay, tình trạng dạy thêm, học thêm diễn ra khá phổ biến dưới nhiều hình thức, ở mọi bậc học, học sinh ít có thời gian vui chơi, tạo áp lực với học sinh, gây bức xúc trong nhân dân (dạy trước cho trẻ khi vào lớp 1; dạy thêm đối với học sinh tiểu học, THCS; dạy chuyên đề đối với học sinh THPT dưới hình thức thỏa thuận với phụ huynh học sinh). Đề nghị cơ quan có thẩm quyền cho biết giải pháp khắc phục tình trạng trên.

Lãnh đạo Sở Văn hoá, thể thao và du lịch báo cáo 2 nội dung: Thời gian qua, công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, di tích văn hóa trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập, việc quy hoạch, xây dựng di tích chưa sát thực tế, không theo đúng quy trình, không tuân thủ quy định về bảo tồn văn hóa (biến dạng di tích) gây bức xúc trong nhân dân (Đình Tiên Canh – Bình Xuyên, đền Cô Chín, miếu Sơn Thần khu đền thờ Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu- Tam Đảo). Đề nghị UBND tỉnh làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và biện pháp khắc phục.

Tại kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, UBND tỉnh đã báo cáo, giải trình về nội dung “Khắc phục hiện tượng thương mại hóa lễ hội truyền thống như: Phân cấp, quy định trách nhiệm; xây dựng quy chế quản lý các khu du lịch, nhưng đến nay chưa nhận được văn bản quy định, hiệt tượng chặt chém, đeo bám khách ở khu du lịch vẫn còn”. Đề nghị cho biết việc khắc phục những hạn chế về công tác quản lý hoạt động lễ hội và hoạt động dịch vụ tại các khu du lịch đến nay như thế nào?.

Sau khi có các ý kiến chất vấn và ngành chức năng trả lời chất vấn, đồng chí Phạm Văn Vọng đã kết luận yêu cầu các ngành nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước, giải quyết dứt điểm những bất cập trên.

Buổi chiều, kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh khoá XV đã thảo luận và biểu quyết thông qua 13 Nghị quyết: Nghị quyết thông qua 3 đồ án quy hoạch xây dựng vùng phía Bắc, vùng phía Tây và vùng phía Nam đô thị Vĩnh Phúc tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050; Nghị quyết thông qua đề án đề nghị công nhận đô thị Quất Lưu, Đạo Đức, Bá Hiến thuộc huyện Bình Xuyên; Thượng Trưng, Tân Tiến thuộc huyện Vĩnh Tường; Hợp Thịnh thuộc huyện Tam Dương; Tam Hồng thuộc huyện Yên Lạc là đô thị loại V; Nghị quyết thông qua đề án phân loại thành phố Vĩnh Yên là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Vĩnh Phúc; Nghị quyết thông qua quy hoạch tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn 7 huyện, thành phố: Yên Lạc, Vĩnh Tường, Tam Đảo, Tam Dương, Lập Thạch, Sông Lô và thành phố Vĩnh Yên đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Nghị quyết về việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ để thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc năm 2014; Nghị quyết bãi bỏ Nghị quyết số 30/2011/NQ-HĐND ngày 19-12-2011 của HĐND tỉnh về hỗ trợ bằng đất cho các hộ gia đình, cá nhân khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp; Nghị quyết về việc chấp thuận các công trình, dự án khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc năm 2014; Nghị quyết bổ sung một số khoản thu uỷ nhiệm điều tiết cho ngân sách các cấp theo Nghị quyết số 22 của HĐND; Nghị quyết về chế độ hỗ trợ hàng tháng đối với đảng viên thuộc Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc được tặng Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng trở lên (chưa được hưởng chế độ nào của Đảng, Nhà nước); Nghị quyết về phương án vay vốn tín dụng thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản, cơ sở hạ tầng làng nghề nông thôn; Nghị quyết về việc thành lập tổ dân phố Xuân Mai thuộc phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên; Nghị quyết bổ sung điểm a, khoản 1, điều 1 Nghị quyết số 20/2011/NQ-HĐND ngày 0-8-2011 của HĐND tỉnh về chức danh, số lượng, mức phụ cấp và một số chế độ chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố; Nghị quyết về bãi bỏ Nghị quyết của HĐND tỉnh..

Sau 3 ngày làm việc với tinh thần dân chủ, trách nhiệm, kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh khoá XV, nhiệm kỳ 2011-2016 đã hoàn thành chương trình nghị sự. Thay mặt HĐND tỉnh, đồng chí Phạm Văn Vọng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh đã bế mạc kỳ họp.

Theo Nguyễn Trọng - Báo Vĩnh Phúc