Bài học kinh nghiệm về thúc đầy liên kết giữa doanh nghiệp DDI với doanh nghiệp FDI
Kể từ khi nước ta thực hiện chính sách mở cửa, khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng phát huy vai trò quan trọng và có những đóng góp đáng kể đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung cũng như tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng. Trong quá trình khảo sát, triển khai xây dựng Đề tài nghiên cứu khoa học: Nghiên cứu thực trạng và giải pháp hỗ trợ kết nối, liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp của tỉnh với các doanh nghiệp FDI, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; Từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp DDI với doanh nghiệp FDI.
Kinh nghiệm thúc đẩy liên kết tại Hà Nội:
Tổ chức hội chợ triển lãm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Hà Nội FBC Hà Nội. Từ năm 2018, hàng năm, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với công ty NC Network Vietnam tổ chức triển lãm FBC Hà nội, vào tháng 9 hoặc tháng 11. Tại triển lãm này, khách hàng FDI tại Việt Nam, khách hàng từ các quốc gia khác trong khu vực được miễn phí gian hàng. Sở Công Thương Hà Nội tài trợ chi phí tổ chức hội chợ, và tài trợ cho doanh nghiệp (DN) Hà Nội tham gia trưng bày với 50% chi phí gian hàng. Năm 2018 chỉ có 10 DN Việt Nam tham gia, 2019 có 22 công ty, 2020 có 46, dự kiến 2021 sẽ tăng lên 60 DN Việt Nam. Các DN đánh giá rất cao hội chợ FBC vì khách hàng đa số sản xuất cơ khí chế tạo, rất nhiều khách Nhật Bản phù hợp với năng lực của DN Việt Nam. Nhiều DN đã có đơn hàng chỉ sau 6 tháng tham gia hội chợ. Vì vậy, ngày càng có nhiều DDI ngoài Hà Nội và từ phía Nam ra tham gia hội chợ này.
Tổ chức đoàn doanh nghiệp tham dự trưng bày tại hội chợ triểm lãm chế tạo Tokyo/Nagoya Nhật Bản. Từ năm 2017, Hà Nội tổ chức khu gian hàng công nghiệp chế tạo tại triển lãm công nghiệp chế tạo lớn nhất Nhật Bản MTech Tokyo/Nagoya. Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam lựa chọn, đào tạo và hỗ trợ các DN tại hội chợ triển lãm này. DN tham gia được miễn phí chi phí gian hàng. Năm 2017 có 20 DN tham gia, 2018 có 36 DN, 2019 và 2020 phải dừng vì Covid. Nhiều DN tham gia 2 năm trước đã có đơn hàng xuất khẩu sang Nhật Bản, chủ yếu là linh kiện cơ khí/nhựa cho máy nông nghiệp, các sản phẩm cơ khí gia dụng; cụm dây điện; đèn Led…
Các chương trình đào tạo tư vấn nâng cao năng lực doanh nghiệp. Từ năm 2016, Sở Công Thương phối hợp với một số công ty tư vấn, tổ chức các khóa đào tạo cho DN Hà Nội, như LEAN, TWI, TPM… Các chương trình này chủ yếu dừng ở đào tạo nâng cao nhận thức, chưa tư vấn áp dụng tại DN nên hiệu quả chưa cao như mong đợi.
Kinh nghiệm thúc đẩy liên kết tại TP. Hồ Chí Minh:
Năm 2016, Trung tâm trưng bày sản phẩm CNHT TP.HCM, trực thuộc Trung tâm Công nghiệp hỗ trợ, Sở Công Thương, bắt đầu hoạt động tại 156 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 1. Các hoạt động chính: Tiếp nhận, trưng bày và quảng bá năng lực cung ứng của DN sản xuất CNHT trong nước, với hơn 450 sản phẩm, chi tiết linh kiện/cụm linh kiện của 54 doanh nghiệp; Tổ chức hội thảo/hội nghị chuyên đề về giải pháp phát triển về thị trường, về sản xuất, về công nghệ, về nguồn nhân lực; Tổ chức kết nối kết nối cung cầu trực tiếp thường xuyên B2B; Tư vấn hỗ trợ DN CNHT theo nhu cầu phát triển sản xuất.
Chương trình kích cầu đầu tư. Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp CNHT mạnh dạn đầu tư đổi mới máy móc thiết bị công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm CNHT để tham gia cung ứng cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đầu cuối hoặc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, năm 2015 Thành phố đã đưa các sản phẩm CNHT vào Danh mục kích cầu đầu tư của Thành phố theo Quyết định 50/2015/QĐ-UBND ngày 30/10/2015. Năm 2017 và năm 2018 để đẩy mạnh kích cầu đầu tư CNHT, Thanh phố đã xây dựng Chương trình kích cầu đầu tư riêng cho lĩnh vực CNHT theo Quyết định 15/2017/QĐ-UBND ngày 16/3/2017 và Nghị quyết 16/2018/NQ-HĐND ngày 08/10/2018.
Từ 2015 đến 2018, đã có 20 dự án đầu tư được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt với tổng mức đầu tư là 1.542,55 tỷ đồng. Trong đó, số vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi vay là 933,28 tỷ đồng, bình quân số vốn đầu tư một dự án là 77,13 tỷ đồng, bình quân số vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi vay mỗi dự án là 46,67 tỷ đồng. Mức hỗ trợ lãi vay cho các dự án lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ là 100% trong thời gian 7 năm. Như vậy, ngân sách TP đã chi 391,98 tỷ đồng hỗ trợ lãi vay, để thu hút được 1.542,55 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển sản xuất của các doanh nghiệp thành phốcung ứng cho Công ty điện tử Samsung, Panasonic, LG.
Kinh nghiệm thúc đẩy liên kết tại Bắc Ninh:
Chính sách phát triển CNHT tỉnh. Với thuận lợi có nhiều dự án FDI lớn như Samsung Electronics Việt Nam, Samsung Display Việt Nam, Canon, Foxconn có nhu cầu lớn về cung cấp linh kiện và đã hình thành chuỗi cung ứng trong một số ngành trong điểm của tỉnh như: điện tử, cơ khí chế tạo. Ngày 30/6/2015, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Quyết định 229/QĐ-UBND phê duyệt tổng thể phát triển ngành công nghiệp tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030, trong đó đã xác định các nhóm ngành ưu tiên phát triển và một số giải pháp đột phá để thực hiện phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh, cụ thể: Thành lập trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; Nghiên cứu điều chỉnh thành lập các cụm CNHT; Thành lập các cụm CNHT ngoài khu công nghiệp (KCN) tập trung, hình thành các cụm CNHT trong các KCN tập trung….
Mặt bằng sản xuất Bắc Ninh đã hình thành các khu cụm công nghiệp ( KCCN) có hạ tầng tương đối hoàn thiện để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển CNHT. Đến nay, đã thành lập được 2 cụm công nghiệp (CCN) với định hướng thu hút các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ: CCN hỗ trợ Tân Chi 2, CCN hỗ trợ Cách Bi và hình thành một số phân khu công nghiệp hỗ trợ trong khu công nghiệp. Các khu vực này đã thu hút thành công DN sản xuất linh kiện phụ tùng, cả FDI và DDI, do có diện tích thuê phù hợp (chủ yếu dưới 5.000m2, 5-10.000m2/nhà xưởng).
Bài học kinh nghiệm rút ra cho tỉnh Vĩnh Phúc
Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm trong việc thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp FDI. Bài học thành công, trong 3 địa phương lớn về phát triển công nghiệp chế tạo, TPHCM có chương trình tổng thể hơn cả, bao gồm cơ quan đầu mối, và hầu hết các lĩnh vực hỗ trợ. Các bài học thành công nổi bật của 3 địa phương có thể rút ra như sau (1) Chương trình kích cầu đầu tư của TPHCM. Đây là chương trình được cả các DN và cơ quan ban ngành TPHCM đánh giá là giải pháp rất hiệu quả. (2) Hoạt động hỗ trợ kết nối. Các hoạt động xúc tiến phát triển thị trường, hỗ trợ kết nối của Hà Nội, TPHCM và Bắc Ninh đều đem lại các kết quả khích lệ. Trong đó, các chương trình của Hà Nội được DN đánh giá cao hơn cả, vì tính hiệu quả thiết thực sau khi DN tham gia. Dù trên địa bàn Hà Nội không có các tập đoàn lắp ráp lớn ngành chế tạo, nhưng TP đã chủ động kết nối DN Hà Nội với các khách hàng trong nước và quốc tế. Bắc Ninh và TPHCM đã tận dụng được lợi thế có Samsung trên địa bàn, tuy vậy sản phẩm điện thoại di động khó tìm được nhà cung cấp (NCC) hơn so với điện tử gia dụng ở TPHCM.
Do đó, để thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp DDI với doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nội địa tại Vĩnh Phúc cần phải được gia tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng; Tăng cường số lượng DN nội địa có chất lượng tại Vĩnh Phúc; Tăng cường năng lực DN đáp ứng yêu cầu của chuỗi cung ứng; Thúc đẩy liên kết giữa DN Vĩnh Phúc với FDI; Tăng cường nhận thức về liên kết DDI-FDI và chuỗi cung ứng./.
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh