10 tháng năm 2022, các doanh nghiệp Hàn Quốc tăng trưởng ổn định
Hơn 30 năm thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về thu hút đầu tư nước ngoài, Vĩnh Phúc đang là nơi “ăn nên, làm ra” của 444 dự án FDI đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó, hơn một nửa số dự án đến từ các nhà đầu tư Hàn Quốc.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, Vĩnh Phúc và Hàn Quốc có quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực; Vĩnh Phúc đã thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị và nâng cấp quan hệ kết nghĩa với tỉnh Chungcheongbuk của Hàn Quốc vào năm 2013. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 230 dự án đầu tư của Hàn Quốc, tổng vốn đăng ký trên 2,6 tỷ USD, chiếm 52% số dự án và 35% tổng vốn đầu tư FDI, dẫn đầu các quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào tỉnh. Các doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực chế biến chế tạo, ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử, đóng góp lớn cho ngân sách, giải quyết việc làm và thu nhập cho người lao động.
Điển hình như Công ty TNHH Jahwa Vina, đầu tư và đi vào hoạt động tại khu công nghiệp Khai Quang năm 2010 với tổng vốn đầu tư ban đầu 10 triệu USD, gồm 1 phân xưởng và hơn 100 lao động. Sau 12 năm phát triển, công ty đã mở rộng quy mô sản xuất lên 7 nhà xưởng, tăng tổng vốn đầu tư lên 80 triệu USD, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên 3.000 lao động với mức lương bình quân từ 8- 9 triệu/người/tháng.
Chia sẻ với phóng viên tại buổi gặp mặt kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc do UBND tỉnh tổ chức mới đây, ông Nam Kwang Hoon, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Jahwa Vina cho biết, Jahwa Vina chuyên sản xuất linh kiện điện tử cung cấp cho Công ty Samsung electronics Việt Nam và Công ty LG Việt Nam với các sản phẩm chính gồm: motor rung, camera trên điện thoại di động, ô tô và hệ thống sấy hỗ trợ khởi động trên ô tô. 12 năm qua, được sự quan tâm, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc từ các ban, ngành của tỉnh, nhất là về lao động, lưu thông, vận chuyển hàng hóa nên công ty luôn hoạt động ổn định ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh, với doanh thu tăng bình quân từ 10-15%/năm. Đặc biệt, cùng với thực hiện tốt các chính sách cho người lao động, từ năm 2014 đến nay, công ty đã hợp tác cùng Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh hỗ trợ xây dựng 31 nhà tình thương cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn và dự kiến sẽ khánh thành ngôi nhà tình thương thứ 32 vào đầu tháng 12/2022.
Hay như Công ty TNHH Vina Korea– doanh nghiệp đầu tiên của Hàn Quốc có dự án đầu tư vào tỉnh từ năm 2001. Với việc đổi mới tư duy quản lý, tăng cường đầu tư chiều sâu, đào tạo, tuyển dụng lao động có tay nghề, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, hoạt động của công ty ngày càng phát triển. Từ 1 xưởng sản xuất với 10 chuyền may, đến nay, công ty có 50 chuyền may và mở rộng nhà máy ở các tỉnh: Phú Thọ, Hải Dương, Bình Phước với sản lượng 22 triệu sản phẩm/năm, doanh thu bình quân từ 110 – 120 triệu USD, giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, các dự án Hàn Quốc đầu tư vào tỉnh hoạt động ngày càng hiệu quả với doanh thu bình quân 10 tháng năm 2022 tăng 14%, xuất khẩu tăng 13%, nộp ngân sách nhà nước tăng 10%, giải quyết việc làm mới cho hơn 2.700 lao động, nâng tổng số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp Hàn Quốc tại tỉnh lên trên 70.000 người.
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh