Xúc tiến thương mại sẽ hỗ trợ tối đa DN mở rộng thị trường
Trong mức tăng trưởng 8,1% của kim ngạch xuất khẩu cả nước năm 2015, không thể không tính đến sự đóng góp của công tác xúc tiến thương mại. Dù còn khó khăn về kinh phí, nhưng công tác này vẫn sẽ hỗ trợ tối đa DN.
Năm 2015 vừa qua, cùng với mức tăng trưởng 8,1% của kim ngạch xuất khẩu cả nước, ông đánh giá thế nào về vai trò của hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt là chương trình XTTM quốc gia năm 2015?
Ông Bùi Huy Sơn: Năm 2015 với sự hỗ trợ của chương trình XTTM quốc gia, sự hiện diện của sản phẩm xuất khẩu Việt Nam tại các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… ngày càng mở rộng. Đồng thời, chương trình đã hỗ trợ DN tiếp tục quay trở lại thị trường Liên bang Nga, Đông Âu, tăng cường hoạt động tại các thị trường ngách như Mỹ Latin, Trung Đông, châu Phi, Lào, Myanmar… giúp các DN Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu.
Nhiều chương trình XTTM tại khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo đã được tổ chức, đóng góp tích cực và hiệu quả trong việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, góp phần thúc đẩy thương mại, tạo lập kênh phân phối cung cấp sản phẩm thiết yếu, nâng cao đời sống cho người dân.
Cụ thể, chương trình đã hỗ trợ 8.850 lượt DN với 213.300 giao dịch và ký kết được một số hợp đồng kinh tế có tổng trị giá trên 858 triệu USD và khoảng 637,8 tỉ đồng; thu hút trên 3 triệu lượt khách tham quan và mua sắm tại các hội chợ XTTM.
Nhiều đơn vị, ngành hàng phản ánh chưa nhận được sự hỗ trợ từ công tác XTTM, nếu có cũng không đáng kể. Có thực tế này không, thưa ông?
Ông Bùi Huy Sơn: Nhiệm vụ của Cục XTTM cũng như các cơ quan XTTM trong cả nước là hỗ trợ cho khoảng 600.000 DN phát triển kinh doanh mở rộng thị trường. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chúng tôi đã gặp không ít khó khăn.
Mặc dù đã được Chính phủ quan tâm nhưng nguồn kinh phí cho hoạt động này thấp hơn rất nhiều so với yêu cầu của các đơn vị. Năm 2015, Bộ Công Thương tiếp nhận 389 đề án XTTM với tổng kinh phí đề nghị được ngân sách Nhà nước hỗ trợ là 240 tỉ đồng. Tuy nhiên, ngân sách chỉ bố trí được 100 tỉ đồng cho hoạt động này.
Năm 2016, Bộ Công Thương tiếp nhận 496 đề án (tăng 27% so với năm ngoái) với mức kinh phí đề xuất là 296,4 tỉ đồng, tuy nhiên chỉ được bố trí 90 tỉ đồng, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu.
Không chỉ có về kinh phí, một khó khăn nữa mà chúng tôi gặp phải là năng lực cạnh tranh của chính các DN khi tham gia các hoạt động XTTM còn hạn chế. Đồng thời, một số đơn vị chủ trì còn thụ động, phụ thuộc nhiều vào đơn vị cung cấp dịch vụ dẫn tới việc lựa chọn DN, hàng hóa tham gia hoạt động chưa đáp ứng được yêu cầu.
Vì những lý do đó, tôi cho rằng chúng ta không thể nghĩ đến việc tất cả các DN đều được hưởng hỗ trợ từ chương trình mà chỉ đáp ứng được phần nào.
Xin ông cho biết những công việc trong năm 2016 mà Cục XTTM hướng tới?
Ông Bùi Huy Sơn: Năm nay, định hướng của chương trình XTTM quốc gia nói riêng cũng như các chương trình XTTM nói chung là hỗ trợ cho DN Việt Nam tiếp tục khẳng định vị trí tại các thị trường nước ngoài; khai thác hiệu quả những cam kết mở cửa thị trường và các thỏa thuận thương mại tự do trong thời gian tới. Các thị trường trọng tâm mà chúng ta đã kí kết thỏa thuận như Liên minh châu Âu, các nước trong TPP, thị trường ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản… sẽ được ưu tiên hơn.
Chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ cho DN thuộc các nhóm ngành hàng có thế mạnh và những nhóm ngành hàng đang đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu như: công nghiệp hỗ trợ, phát triển phần mềm, công nghiệp cơ khí…
Xin cảm ơn ông!
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt