Xúc tiến hợp tác DN Việt-Nhật, hướng tới phát triển bền vững
Sau 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam- Nhật Bản đã có sự phát triển vượt bậc và toàn diện. Hiện, Nhật Bản giữ vị trí trong top 3 nhà đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn trên 64 tỷ USD.
Đây là nhận định của ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam – Nhật Bản 2023 được tổ chức ngày 15/2 tại Hà Nội.
Lãnh đạo VCCI cho biết, Nhật Bản giữ vị trí nằm trong top 3 nhà đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Việt Nam với hơn 4.835 dự án vào Việt Nam với tổng vốn trên 64 tỷ USD. Về thương mại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước năm 2022 đạt gần 50 tỷ USD, đưa Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Tuy nhiên, với tầm nhìn tương lai 30, 50 năm tới, hợp tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản còn tiềm năng tăng trưởng rất lớn. Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam sẽ cần duy trì tốc độ tăng trưởng GDP liên tục 6-7% mỗi năm, đây chính là cơ hội lớn cho các DN Nhật Bản và Việt Nam cùng phát triển.
Diễn đàn năm nay với chủ đề “Đẩy mạnh hợp tác Việt Nam và Nhật Bản: Cùng kiến tạo đổi mới nhằm xây dựng nền kinh tế phát triển bền vững” là một chủ đề rất có ý nghĩa, với nội dung trọng tâm trong các phiên thảo luận là về hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, tăng trưởng xanh giảm rác thải carbon và phát triển khởi nghiệp.
Đây cũng là những nội dung được VCCI tiên phong khởi xướng tại Việt Nam hơn 20 năm qua thông qua các cơ chế như Chương trình khởi nghiệp Quốc gia và Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững Việt Nam.
Tại diễn đàn, đại diện một số tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên chia sẻ về cơ hội hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế tạo và năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn. Đây là các địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Hồng và là địa bàn lý tưởng cho các nhà đầu tư Nhật Bản bởi các địa phương này có hệ thống hạ tầng giao thông và logistics phát triển thuộc hàng tốt nhất Việt Nam, được kết nối kinh tế bởi trục cao tốc phía đông với một đầu cao tốc là Thủ đô Hà Nội và đầu kia là Quảng Ninh thông với thị trường Trung Quốc rộng lớn. Khu vực này còn sở hữu các sân bay quốc tế và các cảng biển hàng đầu Việt Nam, có nguồn nhân lực dồi dào, có triển vọng trở thành một cực tăng trưởng kinh tế ở phía bắc Việt Nam.
Cho biết VCCI là tổ chức đại diện quốc gia của cộng đồng DN tại Việt Nam với mạng lưới hội viên gồm hơn 200 hiệp hội ngành hàng, hiệp hội DN địa phương và trên 200.000 DN, Chủ tịch VCCI khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan của Nhật Bản và Việt Nam, cũng như cam kết tăng cường hơn nữa vai trò cầu nối của VCCI, đổi mới cách thức triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư nhằm mục tiêu phát triển bền vững của cộng đồng DN hai nước, vì sự phát triển thịnh vượng của 2 quốc gia.
Chia sẻ về tiềm năng hợp tác, bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cho biết, tỉnh đang ưu tiên thu hút các dự án xây dựng khu, cụm nông nghiệp công nghệ cao; các dự án xây dựng, lắp đặt nhà máy chế biến vải thiều và các mặt hàng nông sản của tỉnh; các dự án sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sản xuất an toàn, sản xuất công nghệ cao phục vụ nội tiêu và xuất khẩu; các dự án chuyển giao ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất; các dự án thu mua, vận chuyển, sơ chế, đóng gói, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản Hải Dương. Đại diện tỉnh Hải Dương cũng nêu một số vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu để tháo gỡ.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Tài chính Tập đoàn PAN cho biết, tập đoàn rất coi trọng việc hợp tác với các đối tác nước ngoài có công nghệ tiên tiến như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu. PAN có hợp tác sâu sắc với các đối tác Nhật Bản về thương mại đầu tư, trao đổi kỹ thuật và chuyển giao công nghệ. Năm 2022, doanh thu xuất khẩu của PAN sang Nhật Bản đạt hơn 200 triệu USD, chiếm 40% doanh thu xuất khẩu của DN với các mặt hàng như: Tôm, nông sản đông lạnh, hạt điều… Không chỉ xuất khẩu thô mà còn có các sản phẩm thương hiệu PAN có mặt tại các siêu thị lớn tại thị trường Nhật Bản.
PAN đang hợp tác công nghệ cao trong lĩnh vực giống cây trồng, lương thực với Nhật Bản, ví dụ như phát triển giống gạo tròn thị trường Nhật Bản ưa chuộng. DN đã phối hợp với DN Nhật Bản chế biến gạo đóng góp áp dụng công nghệ tiên tiến, sấy sàng lọc, bảo đảm gạo có chất lượng cao nhất. Còn lĩnh vực thủy sản, PAN hợp tác với Nhật Bản nuôi trồng con giống như tôm, cá tra… áp dụng công nghệ Nhật Bản có tỉ lệ sống của con giống rất cao, giúp tăng hiệu quả đầu tư kinh doanh dài hạn. “Tuy nhiên, giá thành tương đối cao, trình độ kỹ thuật để hấp thụ công nghệ là một trong những rào cản, đây là điểm mà DN các bên cần khắc phục trong thời gian tới”, đại diện PAN nhận định.
[notification type=”alert-success” close=”false” ]Diễn đàn “Đẩy mạnh hợp tác Việt Nam và Nhật Bản: Cùng kiến tạo đổi mới nhằm xây dựng nền kinh tế phát triển bền vững”là hoạt động đầu tiên trong chuỗi hoạt động VCCI sẽ phối hợp cùng với các đối tác Nhật Bản triển khai trong năm 2023 nhằm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Trong số đó sẽ có 2 sự kiện lớn là: Diễn đàn xúc tiến đầu tư – thương mại Việt Nam – Nhật Bản tại Nhật Bản. Sự kiện được phối hợp tổ chức với các đối tác Nhật Bản của VCCI cùng sự tham gia của các tỉnh, thành phố Việt Nam; Tuần lễ Giao lưu Văn hóa, Thương mại Việt Nam – Nhật Bản tại Đồng bằng sông Cửu Long. Dự kiến có khoảng 300 DN Việt Nam cùng 200 DN Nhật Bản tham gia sự kiện này. Cả 2 sự kiện dự kiến sẽ được tổ chức vào quý III/2023.
[/notification]Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt