Thứ Sáu, 06/02/2015 10:47:34 (GMT+7)

Xúc tiến đầu tư tập trung theo đối tác, lĩnh vực trọng điểm

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, sẽ tiếp tục có nhiều đổi mới trong hoạt động xúc tiến đầu tư năm 2015, để đảm bảo thực hiện định hướng mới trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Xúc tiến đầu tư tập trung theo đối tác, lĩnh vực trọng điểm

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Thưa ông, định hướng hoạt động xúc tiến đầu tư năm 2015 có gì mới?

Tiếp tục những thành công trong hoạt động xúc tiến đầu tư năm 2014, trong năm 2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tăng cường vai trò quản lý và điều phối chương trình xúc tiến đầu tư các địa phương theo đúng Quy chế Quản lý nhà nước về xúc tiến đầu tư (ban hành kèm theo Quyết định 03/QĐ-TTg ngày 14/1/2014), cũng như sẽ tập trung theo đối tác và lĩnh vực trọng điểm.

Cụ thể, về định hướng chung, tiếp tục xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư theo trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải. Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, hỗ trợ các nhà đầu tư giải quyết khó khăn trong quá trình triển khai đầu tư, kinh doanh. Đồng thời, tiếp tục phối hợp các hoạt động xúc tiến đầu tư với các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch và các chương trình tuyên truyền đối ngoại.

Về định hướng theo lĩnh vực, hoạt động xúc tiến phải tập trung vào lợi thế của từng vùng, từng ngành để phát huy hiệu quả đầu tư của địa phương; đảm bảo tính liên vùng, liên ngành.

Nguyên tắc quan trọng là các hoạt động này sẽ không vì lợi ích cục bộ của địa phương ảnh hưởng tới quy hoạch chung, đảm bảo lợi ích tổng thể quốc gia và tái cấu trúc nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới.

Thưa ông, các chương trình xúc tiến đầu tư sẽ tập trung vào những ưu tiên nào?

Năm nay, các chương trình sẽ tập trung vào các lĩnh vực phát triển hạ tầng; công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp; công nghệ cao đón đầu các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Về đối tác, tập trung vào các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và các nước G7.

Cụ thể, đối với Nhật Bản, các hoạt động sẽ tập trung vào một số địa phương trọng điểm của Nhật Bản để xúc tiến các ngành cụ thể trong chiến lược công nghiệp hóa Việt Nam – Nhật Bản, thu hút đầu tư nước ngoài của Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp chất lượng cao.

Với đối tác châu Âu như Tây Ban Nha, Đức, Anh, Pháp, Italy, công tác xúc tiến đầu tư sẽ nhằm đón đầu làn sóng đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp sau khi ký kết FTA với EU trong các ngành công nghiệp, năng lượng, cơ sở hạ tầng, tổ chức các hoạt động tọa đàm, đối thoại doanh nghiệp tại Việt Nam, như Đối thoại kinh tế Việt Đức nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao; Việt Nam – Hoa Kỳ nhân dịp kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao…

Ngoài ra, còn hướng tới các cơ hội đầu tư với Hàn Quốc sau khi FTA Việt Nam – Hàn Quốc được ký kết dự kiến vào nửa đầu năm 2015.

Nghĩa là, cách thức xúc tiến trực tiếp với các đối tác lớn vẫn sẽ được tiếp tục, thưa ông?

Về cách thức xúc tiến đầu tư, các hoạt động xúc tiến trực tiếp tới các tập đoàn lớn vẫn được chú trọng. Ngoài ra, trên thực tế, bản thân nhà đầu tư không phải là người duy nhất đưa ra quyết định đầu tư, mà quá trình này sẽ có sự tham gia của nhiều bên liên quan, bao gồm các ngân hàng, quỹ đầu tư, thậm chí các công ty tư vấn đầu tư và các hiệp hội doanh nghiệp…

Đây cũng là các kênh quan trọng giúp chúng tôi tiếp cận được với cộng đồng các doanh nghiệp là khách hàng của các ngân hàng, công ty này. Hơn nữa, họ còn giúp chúng tôi sàng lọc được đúng đối tượng doanh nghiệp chúng ta cần tiếp cận và truyền tải thông tin về chính sách, chủ trương của Chính phủ một cách kịp thời nhất.

Vì vậy, hoạt động xúc tiến đầu tư trong thời gian tới sẽ tiếp cận trực tiếp không chỉ tới các tập đoàn lớn mà cả các tổ chức ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty tư vấn đầu tư, các hiệp hội doanh nghiệp…

Bên cạnh các tập đoàn lớn, việc xúc tiến đầu tư từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa của các nước có nền công nghiệp hỗ trợ phát triển G7, G20, Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng được chúng tôi đặc biệt coi trọng. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa này sẽ góp phần phát triển nền công nghiệp hỗ trợ cho Việt Nam không chỉ ở khía cạnh sản xuất và cung cấp sản phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu, mà còn giúp tăng cường khả năng của các doanh nghiệp của Việt Nam thông qua quan hệ đối tác, liên kết kinh doanh.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa có đặc điểm là ít thông tin, tiềm lực tài chính và kinh nghiệm đầu tư kinh doanh ở nước ngoài. Vì vậy, chúng tôi chủ trương tiếp cận họ thông qua các ngân hàng (đặc biệt là ngân hàng địa phương), hiệp hội doanh nghiệp…, thậm chí có những cơ chế đặc biệt để giúp họ giảm thiểu tối đa kinh phí khảo sát thị trường trước khi quyết định đầu tư. Cơ chế cung cấp miễn phí văn phòng làm việc tạm thời tại Việt Nam cho các doanh nghiệp trong khuôn khổ Japan Desk, Korea Desk là một ví dụ.

Cùng với đó, các hoạt động xúc tiến ở cấp cao, nhân chuyến thăm cấp cao của Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam tới các quốc gia, nền kinh tế sẽ được chú trọng.

Ngoài ra, thực hiện tốt công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, gồm đối thoại chính sách, giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp thông qua các buổi tọa đàm, tiếp xúc trực tiếp; triển khai có hiệu quả hoạt động của bộ phận xúc tiến đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc tại Việt Nam.

Theo Khánh An - Báo Đầu tư