Xuất khẩu 2013 và những điểm nhấn
Với kim ngạch tăng trưởng 15,4% tương đương với 132,17 tỷ USD, năm 2013 là năm thứ hai liên tiếp xuất khẩu của Việt Nam đạt xuất siêu.
Nếu xét mức tăng trưởng bình quân 3 năm gần đây, tăng trưởng xuất khẩu đạt 23%.
Công nghiệp chế biến tăng
Tăng trưởng xuất khẩu năm 2013 đạt được ở hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Cả nước có 22 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD và lần đầu tiên xuất khẩu mặt hàng rau quả đã vào danh sách nhóm xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, xét về cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu đã có sự chuyển dịch tích cực. Theo đó, cơ cấu xuất khẩu của nhóm nhiên liệu nông thuỷ sản đã từng bước giảm và tăng dần tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến.
Nhóm hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt 19,85 tỷ USD, chiếm 15% trong tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK), giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2012. Nhóm nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 9,6 tỷ USD, chiếm 7,2% trong tổng KNXK, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm 2012.
Mặc dù nhóm hàng nông, lâm, thủy sản; nhiên liệu và khoáng sản giảm, nhưng giá trị tổng KNXK cả nước vẫn tăng do được bù từ nhóm hàng công nghiệp chế biến.
Năm 2013, nhóm công nghiệp chế biết ước đạt 93 tỷ USD, chiếm 70,5% trong tổng KNXK, tăng 25,5% so với năm 2012. Đây là nhóm hàng có tốc độ tăng cao nhất, quy mô xuất khẩu lớn nhất và là nhóm hàng chủ lực trong cơ cấu hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, đóng góp vai trò quan trọng, kéo xuất khẩu cả nước tăng trưởng.
Trong số 26 nhóm mặt hàng thuộc nhóm này, chỉ có 2 mặt hàng có KNXK giảm là phân bón các loại và máy ảnh, máy quay phim và linh kiện. Các mặt hàng còn lại đều có KNXK tăng. Điển hình những mặt hàng có mức tăng trưởng cao là điện thoại các loại và linh kiện (tăng 69,2%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (tăng 36,2%); hoá chất (tăng 32,4%).
Sự phục hồi của doanh nghiệp trong nước
Điểm đáng chú ý trong năm 2013 là xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước bắt đầu khôi phục và có xu hướng tăng dần. KNXK của khu vực này ước tăng trưởng ở mức 3,5% (năm 2012 là 1,2%) và kim ngạch nhập khẩu tăng 5,6% (năm 2012 giảm 7%), cho thấy doanh nghiệp trong nước đã có dấu hiệu phục hổi.
Lý giải cho kết quả trên, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, các doanh nghiệp đã bước đầu nắm bắt được các ưu đãi của Hiệp định thương mại FTA, trong đó vận dụng CO ưu đãi trong khu vực ASEAN tăng 56%, mẫu AK (giữa ASEAN với Hàn Quốc) tăng 35%, mẫu AJ (giữa ASEAN và Nhật Bản) tăng 25% , đặc biệt với Ấn Độ tăng 169%.
Xuất khẩu sang thị trường khu vực truyền thống giữ vững. Do khủng hoảng kinh tế, sức mua thị trường thế giới suy giảm, nhưng các thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam như thị trường Đông Nam Á, EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ tiếp tục được giữ vững và tăng trưởng.
Nhập khẩu năm 2013 tiếp tục phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất và xuất khẩu. Năm thứ hai liên tiếp kể từ khi gia nhập WTO (năm 2007), Việt Nam xuất siêu.
Nếu như năm 2007 Việt Nam nhập siêu với tỷ lệ 29,1%/tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, năm 2008 tỷ lệ 28,8%, năm 2009 tỷ lệ 22,5%, năm 2010 tỷ lệ 17,5%, năm 2011 tỷ lệ 10,1%, thì năm 2012 Việt Nam đã xuất siêu 749 triệu USD, năm 2013 ước xuất siêu 863 triệu USD.
Việc nhập khẩu các nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu tăng thấp hơn mức tăng nhập khẩu chung. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, điều này thể hiện việc điều hành kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên ở một góc độ khác, cũng thể hiện sức mua của thị trường trong nước đối với hàng tiêu dùng giảm.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt