WB: Môi trường kinh doanh Việt Nam đã được cải thiện
Theo Báo cáo thường niên về chỉ số thuận lợi kinh doanh (Doing Business) 2017 do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, Việt Nam xếp hạng 82/190 nền kinh tế được đánh giá, tăng 9 bậc so với năm 2016.
Cụ thể, Việt Nam xếp hạng 82/190 nền kinh tế được đánh giá, với số điểm 63,83/100. So với vị trí bảng xếp hạng năm ngoái, Việt Nam đã thăng hạng tới 9 bậc (năm 2016, Việt Nam xếp thứ 91).
Việc xếp hạng môi trường kinh doanh được dựa trên 10 tiêu chí, gồm: Thành lập doanh nghiệp, xin cấp phép xây dựng, tiếp cận điện năng, đăng ký tài sản, vay vốn, bảo vệ nhà đầu tư nhỏ, nộp thuế, giao thương quốc tế, thực thi hợp đồng, xử lý khi mất khả năng thanh toán.
Năm nay, Việt Nam cải thiện được ở một số tiêu chí như tiếp cận điện năng tăng 5 bậc lên thứ 96 trên bảng xếp hạng; tiêu chí bảo vệ nhà đầu tư nhỏ tăng ấn tượng, tăng 31 bậc, từ 56 lên 87; tiêu chí nộp thuế tăng 11 bậc lên 167; tiêu chí giao thương quốc tế cũng tăng tới 15 bậc lên thứ 93.
Tuy nhiên, vẫn có những tiêu chí quan trọng bị sụt giảm thứ hạng, như tiêu chí thành lập doanh nghiệp giảm tới 10 bậc, xuống thứ 121. Tiêu chí xin cấp phép xây dựng và vay vốn đều giảm 3 bậc.
Việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đang được Chính phủ rất chú trọng.
Tháng 4/2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020. Theo đó, phấn đấu các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt tối thiểu bằng trung bình của nhóm nước ASEAN 4; đến năm 2017 đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN 4 trên một số chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh thuộc nhóm chỉ số nâng cao hiệu quả (theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới); mục tiêu đến năm 2020, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh đạt mức trung bình của các nước ASEAN 3 trên một số chỉ tiêu thông lệ quốc tế.
Đáng chú ý, Chính phủ cũng giao nhiệm vụ đến từng cơ quan, bộ, ngành, địa phương thực hiện các công việc cụ thể để cải thiện tốt nhất môi trường kinh doanh, tạo mọi điều kiện tối đa cho người dân và doanh nghiệp. Chính phủ đặt ra mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ có trên 1 triệu doanh nghiệp.
Báo cáo của WB lần đầu tiên đưa thêm khía cạnh giới vào trong 3 tiêu chí là thành lập doanh nghiệp, đăng ký tài sản và thực thi hợp đồng. Tiêu chí nộp thuế đã mở rộng và bao gồm cả các quy trình sau khai báo thuế (như kiểm toán thuế và hoàn thuế VAT).
4 nền kinh tế khu vực lọt vào nhóm 10 nền kinh tế đứng đầu thế giới trong bảng xếp hạng của báo cáo là New Zealand (số 1), Singapore (số 2), Hongkong, Trung Quốc (số 4) và Hàn Quốc (số 5). Trong khi đó, các nền kinh tế xếp hạng thấp nhất trong khu vực là Myanmar (số 170) và Timor-Leste (số 175).
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt