Vốn gián tiếp đổ vào Việt Nam chưa hẳn nhờ TPP
Ông Chris Freund, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn quản lý Quỹ Mekong Capital cho rằng, vốn đầu tư gián tiếp (FII) sẽ tiếp tục chảy vào Việt Nam, nhưng chưa hẳn từ cơ hội của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
ng đánh giá thế nào về dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) vào Việt Nam trong năm 2016? TPP có mở ra cơ hội cho Việt Nam trong việc thu hút nguồn vốn này?
Kinh tế Việt Nam đang trên đà hồi phục. Năm 2015, tốt độ tăng trưởng GDP là 6,7. Đáng chú ý là, Chính phủ Việt Nam đã cho phép mở “room” để nhà đầu tư nước ngoài tăng tỷ lệ sở hữu tại các doanh nghiệp. Như vậy, cơ hội để các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm doanh nghiệp tiềm năng để rót vốn tốt hơn so với trước đây.
Tôi cũng từng rất lạc quan về cơ hội thu hút vốn FII đối với Việt Nam khi TPP có hiệu lực, nhưng khi TPP được công bố thì tôi đã bớt đi sự hào hứng. TPP được xem là cơ hội lớn cho ngành nông nghiệp Việt Nam, nhưng với tình hình hiện nay, tôi thấy nông nghiệp Việt Nam không thực sự được hưởng lợi từ TPP. Một ngành khác cũng không hưởng lợi nhiều đó là dệt may và chúng tôi nhận thấy đây không phải là lĩnh vực tốt để đầu tư.
Việc huy động vốn cho quỹ mới Mekong Enterprise Fund III (MEF III) có gặp khó khăn không, thưa ông?
Thời điểm này chưa phải là giai đoạn lạc quan cho việc huy động vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài, song điều kiện là đủ tốt để có khả năng huy động vốn. Hiện tại, MEF III đã có 87,4 triệu USD và Quỹ có thể dùng số tiền này cho các hoạt động đầu tư. Chúng tôi cũng đã có một số nhà đầu tư khác có kế hoạch đầu tư vào MEF III và kỳ vọng sẽ huy động được tổng vốn đầu tư cam kết là 150 triệu USD.
Những nhân tố vĩ mô sẽ không tác động quá nhiều vào kết quả hoạt động của Quỹ MEF III, vì Mekong Capital chủ yếu đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân và trong thời gian 5-6 năm. Nhân tố có tác động đến hoạt động của chúng tôi là định giá của thị trường quá cao như tình trạng đã xảy ra năm 2007, tạo ra những khó khăn trong việc đầu tư với trị giá đúng của doanh nghiệp và khiến các nhà đầu tư mất tiền. Tuy nhiên, tình trạng này đang không xảy ra ở Việt Nam, các định giá đã khác với trước đây.
Khi nào Quỹ MEF III sẽ đóng và kế hoạch giải ngân trong thời gian tới?
Chúng tôi dự định sẽ đóng Quỹ MEF III vào giữa năm 2016. Thật khó để dự đoán về việc giải ngân vốn của Quỹ, nhưng chúng tôi dự định sẽ có 5 khoản đầu tư được thực hiện trong năm 2016. Tổng giá trị sẽ giải ngân cho 5 khoản đầu tư phụ thuộc vào kích cỡ của các công ty nhận đầu tư, cũng như giá trị của công ty đó. Chúng tôi ước tính sẽ giải ngân được 40-50 triệu USD trong năm 2016, trong đó, bán lẻ, tiêu dùng vẫn là ngành chính mà Quỹ mới sẽ tập trung đầu tư. Chúng tôi dự định dành một nửa giá trị đầu tư của quỹ mới để đầu tư vào ngành bán lẻ và nhà hàng.
Nếu thị trường tốt trong năm 2016, thì ngoài 5 khoản đầu tư dự kiến sẽ hoàn tất giải ngân vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2017, Quỹ MEF III có thể giải ngân hết 150 triệu USD?
Ngay cả khi Quỹ có thể hoàn thành các khoản đầu tư mà chúng tôi muốn đầu tư, thì điều này khó có thể xảy ra. Một phần do nhân lực của Mekong Capital có giới hạn, vì trong lĩnh vực đầu tư cổ phần tư nhân chưa niêm yết, cần phải tiến hành rất nhiều công việc hơn là đầu tư cổ phần niêm yết. Thông thường, chúng tôi mất khoảng 6 tháng để thực hiện các công việc về pháp lý và doanh nghiệp sẽ cần thực hiện việc tái cấu trúc trước khi chúng tôi đầu tư. Ngoài ra, còn có rất nhiều công đoạn cần được thực hiện.
Lâu nay, Mekong Capital được xem là một nhà đầu tư khá thận trọng trong việc chọn doanh nghiệp Việt đầu tư và chỉ rót vốn vào khối tư nhân. Có khi nào điều đó đã khiến Quỹ bỏ lỡ cơ hội đầu tư tốt vào các doanh nghiệp của Việt Nam, thưa ông?
Điều này đã từng xảy ra, nhưng chúng tôi không có ý định “bắt lầm còn hơn bỏ sót” vì các quỹ do chúng tôi quản lý được kỳ vọng đạt được thành công một cách nhất quán cho các khoản mà Quỹ rót vốn đầu tư. Có thể đôi khi chúng tôi quyết định sai lầm khi bỏ lỡ các cơ hội đầu tư ở một số doanh nghiệp Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng. Đơn cử, Quỹ từng tìm kiếm cơ hội đầu tư trong lĩnh vực thương mại điện tử, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được doanh nghiệp nào để đầu tư. Tôi chắc rằng, nếu Mekong Capital đã đầu tư vào lĩnh vực này, có thể có những khoản đầu tư sẽ thành công. Tuy nhiên, chúng tôi đã quyết định là không và không mạo hiểm đầu tư khi các doanh nghiệp mà Quỹ tìm hiểu chưa đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí đầu tư của Mekong Capital.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt