Thứ Năm, 22/12/2016 11:15:23 (GMT+7)

Vốn FDI vào Việt Nam vẫn trong xu hướng tăng

Cho tới thời điểm này, các con số thống kê dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2016 đã dần thành hình và nhiều khả năng, năm nay, tổng vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 20 tỷ USD.

Vốn FDI vào Việt Nam vẫn trong xu hướng tăng

Tính cả đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, thì vốn đăng ký trong 11 tháng năm 2016 tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2015. Ảnh: Đức Thanh

Theo các chuyên gia của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), có nhiều điều cần phân tích hơn từ những diễn biến trong bức tranh FDI của Việt Nam năm 2016, với  những yếu tố cấu thành mới. Đây cũng là cơ sở cho kỳ vọng đạt 24 tỷ USD vốn đăng ký và 15,5 tỷ USD vốn giải ngân trong năm 2017.

Thứ nhất, số dự án cấp mới vẫn trong xu hướng tăng. Trong 11 tháng của năm 2016 có 2.240 dự án FDI được cấp mới, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2015. Số dự án tăng vốn còn đáng kể hơn, với 1.075 dự án, tăng tới 55,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, nếu tính về số vốn, thì cả vốn đăng ký và tăng thêm 11 tháng đầu năm 2016 mới đạt khoảng 18,1 tỷ USD, bằng 89,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Các số liệu thống kê đang cho thấy tín hiệu rõ nét về xu hướng đầu tư, cả dự án cấp mới lẫn tăng vốn. Đặc biệt, nếu phân tích kỹ hơn ở tình hình giải ngân vốn FDI năm 2016, có thể thấy, các doanh nghiệp FDI đang hoạt động thuận lợi. Trong 11 tháng, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 14,3 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2015”, các chuyên gia của Cục Đầu tư nước ngoài phân tích .

Điểm đặc biệt trong bức tranh FDI năm 2016, theo nhận định của các chuyên gia FDI, đó là sự gia tăng xu hướng đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần.

Tính riêng trong 11 tháng năm 2016, đã có 2.194 doanh nghiệp, tổ chức kinh tếcó nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần với tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài từ 51% trở lên với tổng giá trị vốn góp là 3,9 tỷ USD.

Như vậy, nếu tính chung cả đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, thì vốn đăng ký trong 11 tháng năm 2016 là 22 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2015.

“Giới đầu tư – kinh doanh vẫn đang thể hiện rõ nhu cầu tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới tại Việt Nam. Những thay đổi về pháp luật liên quan đến đầu tư – kinh doanh vừa qua đang tạo thêm các kênh đầu tư mới cho dòng vốn ngoại. Tín hiệu cho thấy, các nhà đầu tư không bỏ lỡ bất cứ cơ  hội nào”, Cục Đầu tư nước ngoài phân tích.

Tuy vậy, cũng phải nói thêm, ở góc độ thống kê, có thể thấy quy mô các dự án được cấp phép trong năm nay nhỏ hơn năm 2015. Trong cả 11 tháng qua, chỉ có một dự án có quy mô trên 1 tỷ USD. Đó là Dự án LG Display Hải Phòng, cấp phép ngày 15/4/2016, tổng vốn đầu tư đăng ký 1,5 tỷ USD do LG Display Co.,ltd (Hàn Quốc) đầu tư với mục tiêu sản xuất và gia công sản phẩm màn hình OLED nhựa cho các thiết bị di động như điện thoại di động, đồng hồ thông minh, máy tính bảng…

Trong khi đó, năm 2015 được coi là năm được mùa của các dự án quy mô lớn. Chỉ tính riêng các dự án quy mô trên 1 tỷ USD đã đóng góp tới 6,6 tỷ USD. Có thể kể đến Dự án Samsung Display Việt Nam tại Bắc Ninh có vốn tăng thêm 3 tỷ USD; Dự án Điện Duyên Hải 2 tại Trà Vinh có vốn đầu tư 2,4 tỷ USD và Dự án Công ty liên doanh Thành phố Đế vương tại TP.HCM 1,2 tỷ USD.

Cho tới thời điểm này, có thể nói, đây là dự án có quy mô lớn nhất trong năm nay, dù nhiều người cũng đang kỳ vọng vào khả năng bứt phá của số vốn đăng ký năm 2016 khi nhắc tới Dự án điện BOT Nghi Sơn 2 (vốn 2,5 tỷ USD) và Dự án Điện Vũng Áng 2 (2,5 tỷ USD), nhưng các dự án này đều đang trong quá trình xem xét, hoàn tất các thủ tục để được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

“Sự có mặt của các dự án quy mô lớn là cần thiết, song điều các nhà đầu tư quan tâm và là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, đó là hiện thực hóa kỳ vọng của giới đầu tư, sẽ phải nỗ lực rất nhiều trong các hoạt động xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính. Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất định vào năm tới, dòng vốn FDI toàn cầu sẽ chịu những tác động nhất định, công việc này đòi hỏi những thay đổi tích cực, đột phá”, chuyên gia của Cục Đầu tư nước ngoài phân tích.

Điều đáng nói là môi trường đầu tư – kinh doanh Việt Nam đang có nhiều thuận lợi để ghi điểm trong giới đầu tư trong nước và nước ngoài. Đó là sự thăng hạng của môi trường đầu tư – kinh doanh Việt Nam và những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ kiến tạo, hành động vì sự phát triển của người dân, doanh nghiệp.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2016, bà Virginia Foote, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) đã cho rằng, các doanh nghiệp và nhà đầu tư ở Việt Nam đang được hưởng sự ổn định mà nhiều quốc gia khác trong khu vực phải ghen tỵ.

“AmCham hy vọng, sự ổn định lâu dài sẽ tiếp tục được duy trì vì đây là một trong những lợi thế cạnh tranh mạnh nhất của Việt Nam. Hy vọng của chúng tôi trong năm 2017 là rất lớn”, bà Virginia Foote chia sẻ quan điểm.

Theo Linh An - Báo Đầu tư