VKFTA: Công cụ hữu hiệu để phát triển quan hệ đối tác chiến lược
Theo ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), trong số các lợi ích quốc gia được xem xét khi lựa chọn đối tác chiến lược, lợi ích kinh tế luôn là một trong những yếu tố quan trọng được các nước cân nhắc bên cạnh các lợi ích khác như chính trị, quốc phòng, an ninh, xã hội…
Để đảm bảo lợi ích kinh tế chiến lược này, các quốc gia thường tận dụng những “công năng” vượt trội của các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định FTA song phương nhằm thiết lập và phát triển quan hệ đối tác chiến lược bền vững.
Trong khuôn khổ chương trình Vietnam Expo 2016 vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Bùi Huy Sơn đã có một số chia sẻ với VietnamPlus về những điểm nổi bật của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA).
– Là Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định FTA Việt Nam-Hàn Quốc, ông đánh giá thế nào những lợi thế của Việt Nam khi tham gia Hiệp định này?
Ông Bùi Huy Sơn: Được ký kết tại Hà Nội ngày 5/5/2015 và chính thức có hiệu lực vào ngày 20/12/2015. Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA) là Hiệp định FTA thế hệ mới đầu tiên được ký kết trong năm 2015.
Có thể nói, đặc điểm nổi bật trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc là cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu có tính bổ sung rõ nét, cơ bản không cạnh tranh trực tiếp.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Hàn Quốc đã tăng 73 lần, từ 0,5 tỷ USD năm 1992 lên 36,5 tỷ USD năm 2015. Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.
Nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye vào tháng 9/2013, hai bên đã nhất trí phấn đấu hướng tới mục tiêu đạt kim ngạch 70 tỷ USD vào năm 2020 thông qua việc tiếp tục mở rộng quan hệ thương mại song phương trên cơ sở hai bên cùng có lợi.
– Việt Nam đã tham gia và ký kết nhiều hiệp định đa phương, tuy nhiên xu hướng gần đây các nước đều lựa chọn các hiệp định song phương như là một lợi thế nổi bật trong cạnh tranh, vậy theo ông, Việt Nam có thể tận dụng được gì từ các hiệp định thế hệ mới này?
Ông Bùi Huy Sơn: Có thể kể ra đây một số ưu điểm nổi bật khiến các hiệp định FTA, nhất là ở phạm vi song phương ngày càng được ưa chuộng.
Cụ thể, các hiệp định thương mại tự do song phương cho phép hai nước tham gia xử lý thỏa đáng, thấu đáo những mối quan tâm của nhau. Do chỉ có hai bên tham gia, các bên hiểu rõ về yêu cầu của nhau cũng như điểm mạnh, điểm yếu và khả năng đáp ứng của đối tác.
Vì vậy, các yêu cầu được đưa ra ở mức cao nhất và khả năng đáp ứng cũng là ở mức cao nhất có thể, thay vì chấp nhận phương án “mẫu số chung nhỏ nhất” trong các khuôn khổ nhiều bên tham gia.
Mặc dù Việt Nam và Hàn Quốc đã tham gia hiệp định FTA giữa ASEAN và Hàn Quốc nhưng hai nước vẫn mong muốn đàm phán một hiệp định FTA song phương để thu được thêm các lợi ích, hay nói cách khác là dành cho nhau thêm các ưu đãi, so với hiệp định khu vực giữa 11 nước.
Tương tự như vậy, mặc dù đã dành cho nhau cam kết trong khuôn khổ ASEAN-Nhật Bản, Việt Nam cũng như các nước Malaysia, Singapore, Indonesia, Thái Lan vẫn có lý do để ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam-Nhật Bản (EPA) song phương với Nhật Bản.
Tiếp đến, với phạm vi hẹp, chỉ dành cam kết cho một đối tác, với hiệp định song phương các nước sẽ dễ chấp nhận những nội dung cam kết mới. Những nội dung này được coi là “mới” do chưa được chấp nhận rộng rãi trong các khuôn khổ khu vực và toàn cầu như WTO vì thông thường chúng buộc các nước phải thực hiện các yêu cầu cao hơn về các quy tắc quản lý thương mại và đầu tư hoặc phải tự do hóa thị trường ở mức độ cao.
Ví dụ như cam kết minh bạch hóa và tự do hóa mua sắm công, cam kết về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với các nhóm sản phẩm mới, như sinh dược, hoặc thực hiện tự do hóa thương mại dịch vụ theo phương thức chọn bỏ (negative listing), thay vì phương thức chọn cho (positive listing) như trong WTO.
Về bản chất của FTA song phương có thể mô tả là việc một quốc gia hy sinh lợi ích (giảm thu thuế nộp ngân sách, chủ quyền hoạch định chính sách, bảo hộ thị trường cho doanh nghiệp trong nước,…) để đổi lại các ưu đãi từ phía đối tác. Để làm được điều này cần có lòng tin ở mức độ nhất định. Khi đã làm được điều đó, lòng tin càng được củng cố và phát triển.
Do vậy, các hiệp định FTA song phương không chỉ thực sự gắn kết hai nền kinh tế sâu sắc hơn mà còn tăng cường niềm tin trong quan hệ đối ngoại, mở rộng cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, du lịch, giao lưu nhân dân.
Cuối cùng, đối với mỗi bên tham gia, nếu được khai thác hiệu quả, hiệp định FTA giúp đảm bảo lợi ích, trước hết là kinh tế, một cách toàn diện, lâu dài, căn bản.
Ngoài lợi ích kinh tế, tác dụng lan tỏa của FTA đối với các vấn đề xã hội (lao động, việc làm, nâng cấp công nghệ, môi trường chính sách,…) cũng mang lại những lợi ích gián tiếp quan trọng đối với sự phát triển của các quốc gia. Với các FTA thế hệ mới, những vấn đề thể chế (IPR, lao động, minh bạch thông tin,…) còn tác động trực tiếp, mạnh mẽ hơn.
Với những ưu thế như trên, các hiệp định FTA song phương có quan hệ chặt chẽ với việc xây dựng các quan hệ đối tác (hợp tác) chiến lược giữa các nước.
Chính các hiệp định FTA song phương giúp củng cố trụ cột hợp tác kinh tế vững chắc trên cơ sở đan xen lợi ích, bên cạnh các trụ cột hợp tác chiến lược khác về an ninh, chính trị, văn hóa, xã hội để các bên có được mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược bền vững.
– Hiệp định đã có hiệu lực từ tháng 12/2015, vậy các doanh nghiệp Việt Nam đang tận dụng lợi thế này như thế nào?
Ông Bùi Huy Sơn: Chỉ trong vòng 10 ngày cuối cùng năm 2015, theo thống kê của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp đã có tới 197 bộ hồ sơ được xác nhận xuất xứ để hưởng ưu đãi theo Hiệp định VKFTA, trị giá 26,6 triệu USD.
Tính cả năm 2015, các hồ sơ được xác nhận xuất xứ để hưởng ưu đãi trong quan hệ thương mại Việt Nam-Hàn Quốc (theo Hiệp định FTA ASEAN-Hàn Quốc và Hiệp định FTA Việt Nam- Hàn Quốc) tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất so với các đối tác FTA khác của Việt Nam xét về tổng số bộ hồ sơ được xác nhận xuất xứ hưởng ưu đãi (18%) và đạt 19,9% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu được xác nhận xuất xứ hưởng ưu đãi, bám sát tỷ trọng về giá trị xuất khẩu hưởng ưu đãi sang Trung Quốc (20,7%).
Các kết quả này khẳng định tính hấp dẫn của các cơ hội từ các Hiệp định, đồng thời, minh chứng sự năng động của các doanh nghiệp cả hai phía.
Sau hơn một tháng thực hiện hiệp định, cơ cấu các nhóm hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong tháng 1/2016 cơ bản vẫn cho thấy xu hướng tích cực.
Cụ thể, trong xuất khẩu của Việt Nam, nhóm hàng công nghiệp, chế tạo chiếm ưu thế với trên 87% tổng giá trị xuất khẩu, nhóm hàng nông, thủy sản chiếm 12,6%, nhóm nhiên liệu, khoáng sản chỉ chiếm 0,06%, còn lại là các nhóm hàng khác.
Trong hoạt động nhập khẩu của Việt Nam, nhóm hàng cần nhập khẩu chiếm 49% kim ngạch, chủ yếu là nhóm nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất. Nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu chiếm 50% kim ngạch. Giá trị nhập khẩu nhóm hàng cần hạn chế chiếm tỷ trọng không đáng kể.
Mặc dù trên đây chỉ là kết quả bước đầu trong một thời gian ngắn nhưng chúng ta có cơ sở để tin rằng với tính năng động của các doanh nghiệp, các cơ hội thương mại, đầu tư từ Hiệp định FTA song phương Việt Nam-Hàn Quốc sẽ thực sự được khai thác hiệu quả.
Như vậy, Hiệp định VKFTA sẽ khẳng định đóng góp của mình khi mang lại lợi ích kinh tế cho cả hai nước, qua đó củng cố các lợi ích chiến lược trong những lĩnh vực khác và tạo tiền đề phát triển hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt-Hàn trong thời gian tới.
– Xin cảm ơn ông./.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt