Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án FDI công nghệ cao
Các dự án công nghệ sạch, công nghệ có tính lan tỏa sẽ là ưu tiên của Việt Nam trong giai đoạn sắp tới.
Ngày 26/10/2022, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra Tọa đàm với các doanh nghiệp tỉnh Niigata, Nhật Bản lần thứ nhất theo hình thức trực tuyến.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, giai đoạn 9 tháng vừa qua, GDP tăng 8,83%, lạm phát được kiểm soát và nền kinh tế đạt nhiều tín hiện tăng trưởng tốt. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, 90% nhà đầu tư nước ngoài khẳng định đang phục hồi tốt và ở mức khá hơn so với thời kỳ trước đại dịch.
Báo cáo từ Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho thấy tính đến tháng 10/2022, Nhật Bản có gần 5.000 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt hơn 66 tỷ USD, đứng thứ 3 trên tổng số 139 quốc gia/vùng lãnh thổ đang đầu tư tại Việt Nam. Nhật Bản là nước viện trợ vốn ODA lớn nhất và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.
Riêng với tỉnh Niigata, bà Hoàng Thanh Tâm, Trưởng phòng xúc tiến đầu tư, Cục Đầu tư nước ngoài khẳng định, tỉnh Niigata có tiềm năng du lịch lớn. Ngoài lĩnh vực đầu tư, cả hai bên có thể kết nối với nhau trong các dự án về du lịch.
Theo bà Tâm, Việt Nam hiện đang tập trung vào hai tiêu chí đầu tư chính. Thứ nhất, chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Thứ hai, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, có tác động lan tỏa để kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Vì vậy, Việt Nam mong muốn thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực sau: Thiết bị, linh kiện điện tự bán dẫn, công nghiệp hỗ trợ, chuyển đổi số và thương mại điện tử, logistics, dệt may, da giày, các dự án năng lượng sạch, giảm phát thải CO2, các dự án liên quan đến công nghiệp ô tô, xe điện, thiết bị ý tế thực phẩm, hàng tiêu dùng và bán lẻ.
Để chuẩn bị đón dòng vốn FDI mới, Việt Nam đã chuẩn bị nguồn quỹ đất khu công nghiệp, bất động sản công nghiệp với 395 khu công nghiệp, khu chế xuất được thành lập mới, tương đương tổng diện tích hơn hơn 123.000 ha; 291 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích 87.100 ha, tỷ lệ lấp đầy gần 80%.
Việt Nam cũng đang tập trung đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ công nghiệp hỗ trợ; xúc tiến đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ trong các lĩnh vực như điện, điện tử, may mặc, ô tô, da giày,… để tạo hệ sinh thái hỗ trợ nhà đầu tư.
Ngoài ra, Việt Nam luôn có các giải pháp phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư như cải cách thể chế, hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng khung pháp luật thuận lợi, ưu đãi hơn; hỗ trợ doanh nghiệp, miễn giảm thuế, hỗ trợ lãi suất…
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài đề nghị tỉnh Niigata phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm triển khai tốt Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn VIII. Ông cho rằng rủi ro lớn nhất với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam chính là sự cân nhắc quá lâu nên bỏ lỡ cơ hội.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt