Việt Nam tạo sân chơi bình đẳng cho các DN
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2014 (VBF) diễn ra ngày 5/6 tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp đã trao đổi và kiến nghị với Chính phủ hướng tới tạo môi trường thuận lợi hơn cho doanh nghiệp (DN).
Về vấn đề hội nhập kinh tế, ông Fred Burke, Đồng Trưởng nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại-VBF, cho rằng: Việt Nam đã mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ để hỗ trợ nền kinh tế xuất khẩu nhưng vẫn còn những hạn chế về các dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế. Ví dụ, thường mất 6 tháng hoặc lâu hơn để xin điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư bổ sung thêm hàng hóa mới, ngay cả khi hàng hóa đó không nằm trong danh mục bị hạn chế theo quy định pháp luật. DN có thể hiểu là có sự phân biệt đối xử với các DN FDI (các DN trong nước không cần giấy chứng nhận đầu tư để tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu).
Ông Fred Burke cũng cho rằng: Đề án 30 đạt được những lợi ích hữu hình nhất định, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Ví dụ các công ty vận chuyển hàng hóa xin miễn hợp pháp 2% thuế hàng hóa đối với hàng hóa quốc tế được áp dụng theo Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần nhưng gặp nhiều khó khăn về thủ tục…
Nhấn mạnh quan tâm vào lĩnh vực ngân hàng, ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Châu Âu tại Việt Nam cho rằng: Theo cam kết WTO đến năm 2012, các nhà đầu tư nước ngoài có quyền thành lập công ty 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Nhưng sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại các DN niêm yết Việt Nam (trừ công ty chứng khoán) vẫn giới hạn ở mức 49% theo quy định hiện hành. Do đó, EuroCham hoan nghênh việc Bộ Tài chính đề xuất nâng hoặc dỡ bỏ hoàn toàn giới hạn này.
Về lĩnh vực lao động, ông Kim Jung In, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, cho rằng: Bộ Luật Lao động Việt Nam quy định cấm giờ làm thêm tối đa không quá 200 giờ một năm, nếu vi phạm bị phạt từ 25 đến 30 triệu đồng là quá khắt khe. Nhiều DN FDI gặp vấn đề về đáp ứng đơn hàng khách hàng nước ngoài, phải thuê thêm nhiều lao động, tăng gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp, đặc biệt vào lúc cao điểm. Còn người lao động sẽ ít cơ hội nhận tiền làm thêm vì những quy định này. Như vậy, cần thay đổi tăng số giờ làm thêm như nhiều quốc gia khác là ít nhất 300 giờ/năm hoặc bỏ hẳn, miễn là có sự đồng thuận giữa công ty và người lao động về làm thêm giờ. Điều này sẽ góp phần giúp các DN FDI ở Việt Nam làm việc hiệu quả hơn đồng thời người lao động có thêm thu nhập.
Còn ông Yoshihisa Maruta, Chủ tịch Hội DN Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV), lại nhấn mạnh Việt Nam cần phải quyết liệt hơn về phát triển công nghiệp phụ trợ. Theo khảo sát của JETRO về tỷ lệ nội địa hóa của các DN Nhật Bản, tỷ lệ của Việt Nam là 32,2% tăng 4,3 điểm so với năm ngoái nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với Trung Quốc (64%), Thái Lan (53%), Malaysia (43%)… Điều này cho thấy các hãng chế tạo Nhật Bản phải bỏ ra chi phí cao hơn khi chọn Việt Nam. Ông Yoshihisa Maruta cho hay, có rất nhiều DN vừa và nhỏ Nhật Bản có khả năng cạnh tranh cao mà Việt Nam có thể thu hút đầu tư nhằm đẩy mạnh công nghiệp phụ trợ.
Về vấn đề khắc phục thiệt hại của các DN trong các vụ việc vừa qua, bà Lưu Mỹ Đức, Tổng Hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Việt Nam cho biết: Với việc tích cực hỗ trợ các DN Đài Loan (Trung Quốc) bị tổn thất tại Bình Dương và Đồng Nai trong vụ việc vừa qua, Thủ tướng và các vị lãnh đạo đã cho thấy quyết tâm có hiệu quả trong việc giải quyết thiệt hại cho DN. Việt Nam đã nỗ lực hỗ trợ cho các DN của Đài Loan đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là vấn đề an ninh, điều mà các nhà đầu tư có quan ngại.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định, Chính phủ hết sức nỗ lực giúp đỡ các doanh nghiệp bị thiệt hại trong vụ gây rối. Chỉ trong thời gian ngắn, Thủ tướng đã ra 6 văn bản chỉ đạo hỗ trợ các doanh nghiệp. Các bộ, ngành như Tài chính, LĐTBXH, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Bảo hiểm xã hội và UBND các địa phương cũng có biện pháp và chỉ đạo quyết liệt.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết: “Đây là việc rất bất ngờ và những chính sách giải quyết cho từng trường hợp cụ thể là chưa có tiền lệ, chúng tôi ngay lập tức chưa giải quyết ngay được. Việc xem xét (hỗ trợ) cho từng doanh nghiệp cần có thời gian”.
Đến nay có 99% DN bị thiệt hại đã quay lại sản xuất, trong đó 95% DN Đài Loan đã hoạt động lại.
Ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Châu Âu tại Việt Nam, cho rằng nền kinh tế chỉ có thể phát triển bền vững nếu môi trường kinh doanh thuận lợi, Việt Nam tạo được sân chơi bình đẳng cho các DN, nếu quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ, tình trạng tham nhũng và đầu tư không hiệu quả bị xóa bỏ. Cộng đồng DN mong muốn những đề xuất của mình giúp Chính phủ khắc phục những điểm nghẽn. Riêng EuroCham cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ để Việt Nam đạt được mục tiêu, tối đa hóa thành công giữa các đối tác tại một Việt Nam “sôi động hơn bao giờ hết”.
“EuroCham cam kết tiếp tục làm việc nghiêm túc để đảm bảo việc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) có kết quả tốt nhất, có thể trong năm nay”, ông Tomaso Andreatta nhấn mạnh.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt