Việt Nam sẽ ký kết nhiều hiệp định thương mại trong năm nay
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết trong năm nay, Việt Nam sẽ ký kết nhiều hiệp định thương mại.
Theo Bộ trưởng, năm 2015, lĩnh vực hội nhập quốc tế về kinh tế sẽ tập trung vào các khía cạnh như hội nhập thành công vào cộng đồng kinh tế AEC; tập trung ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó, có các hiệp định tự do thương mại kiểu mới mà điển hình như là TPP, Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu…
Phát biểu tại cuộc họp lần thứ nhất Ban chỉ đạo liên ngành về hội nhập quốc tế về kinh tế tổ chức tại Hà Nội chiều ngày 16/4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo liên ngành cho biết trong năm 2015, một số hiệp định thương mại sẽ được ký kết như FTA với Liên minh Hải quan Belarus-Kazakhstan và Nga; FTA với Hàn Quốc; FTA với EU.
Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, các hiệp định sẽ được ký kết trong năm 2015 như FTA với EU có thể ký kết trong tháng 6/2015; FTA với Liên minh Hải quan có thể được ký trong tháng Năm, chậm nhất trong tháng Sáu. Đặc biệt, FTA được ký kết sớm nhất trong năm 2015 sẽ là FTA với Hàn Quốc.
Hiện hai bên đã dự kiến sẽ ký kết tại Hà Nội vào ngày 5/5 tới đây. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho biết thêm, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP cũng có thể kết thúc đàm phán vào cuối năm 2015.
Ngoài ra, Ban chỉ đạo liên ngành về hội nhập quốc tế về kinh tế cũng như Bộ Công Thương cũng đang nghiên cứu để tiến hành đàm phán Hiệp định thương mại tự do với Israel.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cho rằng, hội nhập trong lĩnh vực kinh tế có vai trò rất quan trọng nên đề nghị các bộ, ngành, đơn vị liên quan cần nỗ lực để đẩy nhanh quá trình hội nhập, thúc đẩy quá trình hội nhập được hiệu quả hơn.
Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ những điểm yếu trong công tác hội nhập quốc tế về kinh tế thời gian qua như cơ chế phối hợp trong Ban chỉ đạo cũng như giữa các bộ, ngành còn yếu; công tác thông tin tuyên truyền chưa hiệu quả; sự chủ động của các doanh nghiệp chưa cao; vai trò của các địa phương trong công tác hội nhập kinh tế chưa tốt…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ về các hiệp định kinh tế và thương mại cho rằng, vẫn còn nhiều sự chưa thống nhất trong nhận thức, quan điểm của các bộ ngành trong một số vấn đề cụ thể, thậm chí còn chưa có sự thống nhất trong cả đoàn đàm phán. Điều này gây khó khăn trong quá trình đàm phán.
Các đại biểu tại hội nghị cho rằng, để đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về hội nhập kinh tế cần đổi mới cách thúc tuyên truyền. Cụ thể, cần tuyên truyền theo chiều ngang thay vì chiều dọc. Theo đó, cần tuyên truyền cụ thể cho người dân và doanh nghiệp những tác động của hội nhập đến từng vấn đề cụ thể, từng ngành hàng cụ thể, các vấn đề kỹ thuật…chứ không chung chung như trước.
Các đại biểu cũng cho rằng, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu để tham mưu cho Ban chỉ đạo và Chính phủ trong việc điều hành và đưa ra các quyết sách. Công tác nghiên cứu cần có sự phối hợp với các chuyên gia kinh tế, đi vào các nghiên cứu cụ thể, thực tế để tư vấn cho ban chỉ đạo điều hành hiệu quả hơn./.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt