Việt Nam nỗ lực hướng tới quá trình hội nhập AEC
Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thời gian qua, Việt Nam đã rất nỗ lực thực hiện “4 trụ cột chính” trong cam kết khu vực ASEAN nhằm hướng tới quá trình hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).
Ngày 19/12 tại TPHCM, CIEM phối hợp với Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) tổ chức Hội thảo “Đánh giá mức độ sẵn sàng của Việt Nam về các khía cạnh kinh tế-xã hội trước thềm Cộng đồng kinh tế ASEAN”.
TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng CIEM cho biết, AEC dự kiến được thành lập vào năm 2015, là một nỗ lực hướng tới tạo dựng một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất cho các quốc gia thành viên ASEAN. “4 trụ cột chính” mà các nước ASEAN cần hướng tới khi tham gia vào AEC là: Một thị trường và một cơ sở sản xuất chung; khu vực kinh tế cạnh tranh; phát triển kinh tế công bằng; hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.
Theo đánh giá của CIEM, thời gian qua, Việt Nam đã rất nỗ lực thực hiện “4 trụ cột chính” nhằm hướng tới quá trình hội nhập AEC.
Đối với trụ cột một thị trường và một cơ sở sản xuất chung, Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc trên các phương diện quản trị và công bằng, tham gia vào cộng đồng thương mại.
Để tạo điều kiện cho việc tự do lưu chuyển hàng hóa, tạo thuận lợi thương mại, Việt Nam đã xây dựng cơ chế một cửa quốc gia (NSW), được triển khai từ năm 2005 và triển khai sâu rộng trong vòng 3 năm trở lại đây. Trong tháng 11/2014 đã chính thức kết nối NSW đối với tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh và quá cảnh tại các cảng biển quốc tế (Hải Phòng, TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu).
Dự kiến tiếp theo sẽ kết nối và thực hiện 5 thủ tục chuyên ngành của Bộ Công Thương và 10 thủ tục của Bộ Tài chính trên NSW. Đến năm 2015 dự kiến sẽ tổ chức kết nối chính thức khoảng 20 thủ tục của các Bộ Y tế, TN&MT, NN&PTNT.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của CIEM, ngành Hải quan của Việt Nam cũng được hiện đại hóa, với việc triển khai hệ thống VNACC/VSIC tại các chi cục hải quan nhằm giảm thời gian thông quan cho DN (luồng xanh chỉ mất khoảng 5 phút thông quan).
Đối với trụ cột khu vực kinh tế cạnh tranh, trong chính sách cạnh tranh, Việt Nam đã ban hành các luật cạnh tranh và gần đây Quốc hội đã thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi) nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, trong vấn đề sở hữu trí tuệ, Việt Nam cũng đẩy mạnh thực hiện, thông qua các cơ quan quản lý chuyên ngành, nhờ vậy, tỷ lệ vi phạm đã giảm từ 92% năm 2004 xuống 81% năm 2013 và dự kiến còn 60% năm 2018.
Đối với trụ cột thứ 3 – phát triển kinh tế công bằng, Việt Nam tích cực thực hiện thông qua thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa và sáng kiến hội nhập ASEAN, nhất là đối với 4 nước (Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar) nhằm thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển trong khu vực ASEAN.
Đối với trụ cột về hội nhập kinh tế quốc tế, theo đánh giá của CIEM, hiện nay, Việt Nam đang hướng đến những “sân chơi” có chất lượng cam kết cao hơn như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định đối tác toàn diện Việt Nam-EU. Vừa qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh hải quan Nga, Belarus và Kazakstan, và FTA với Hàn Quốc đã chính thức được thông qua.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực và biệp pháp thực hiện “4 trụ cột” chính trong quá trình hướng tới AEC nhưng, theo TS Lê Xuân Sang, Trưởng ban Chính sách Kinh tế vĩ mô của CIEM, quá trình thực hiện AEC của Việt Nam vẫn phải đối đầu với những khó khăn. Những khó khăn này một phần xuất phát từ những bất cập trong hệ thống thể chế (kể cả thể chế hội nhập kinh tế quốc tế), chất lượng nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng.
Triển vọng hội nhập AEC cũng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi bối cảnh khu vực còn đan xen cạnh tranh, hợp tác và tranh chấp, rủi ro bẫy thu nhập trung bình, cũng như sự nổi lên của một số nền sản xuất lớn như Trung Quốc, Ấn Độ.
Theo TS Lê Xuân Sang, để củng cố nỗ lực chuẩn bị hướng tới AEC 2015, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả các cam kết của mình, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện khả năng cạnh tranh, nâng cao năng lực thể chế và doanh nghiệp để tận dụng các cơ hội và ứng phó với khủng hoảng.
Cùng với đó, tăng cường cải cách trong nước về môi trường kinh doanh đầu tư, chất lượng hạ tầng, nguồn nhân lực cùng với khuôn khổ pháp lý thông suốt là bước đi căn bản, không thể thiếu để Việt Nam có thể tham gia hiệu quả vào sân chơi khu vực.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt