Thứ Hai, 06/01/2014 11:07:51 (GMT+7)

“Việt Nam không phải cô gái đẹp nhất khu vực”

Thành công của Việt Nam một năm qua trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) không phải chỉ được đo bằng những con số về vốn đăng ký hay giải ngân, mà bằng cả những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Nhưng trong con mắt các nhà đầu tư, Việt Nam không hẳn là “cô gái” đẹp nhất khu vực. Vì thế, nếu tự vừa lòng, không cải cách, chúng ta sẽ tụt lại phía sau.

23 tỷ USD và một năm nỗ lực

Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 15/12/2013, vốn FDI vào Việt Nam, bao gồm cả cấp mới và tăng thêm, đạt trên 21,6 tỷ USD. Con số cuối cùng chắc chắn sẽ lớn hơn, bởi còn nửa tháng cuối năm chưa được cập nhật và cộng thêm ít nhất 1,48 tỷ USD vốn tăng thêm của Dự án Lọc dầu Vũng Rô (Phú Yên) đang bị… bỏ sót.

Sau khi nâng vốn đầu tư lên 2,5 tỷ USD, Samsung đã giải ngân ngay khoảng 400 triệu USD trong số vốn 1 tỷ USD tăng thêm. Ảnh: Hà Thanh

Nếu chỉ tính thêm một Lọc dầu Vũng Rô, nâng vốn từ 1,7 tỷ USD lên 3,18 tỷ USD, thì năm 2013, Việt Nam đã có trên 23 tỷ USD vốn FDI – vượt xa mục tiêu 14 -15 tỷ USD mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt ra.

Từ đỉnh cao trên 71,7 tỷ USD năm 2008, do những tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, vốn FDI vào Việt Nam liên tục suy giảm trong những năm gần đây.

Giữa tháng 12/2012, khi con số được công bố chỉ dừng ở trên 13 tỷ USD, lại là một tiếng thở dài. Tuy nhiên, nhờ những ngày cuối năm, Liên hợp thép Formosa (Hà Tĩnh) tăng vốn lên 9,9 tỷ USD, chốt cả năm, Việt Nam vẫn có trên 16 tỷ USD, tăng 4,7% so với năm 2011 – dấu hiệu của việc vốn FDI bắt đầu quay trở lại.

Con số này được Cục Đầu tư nước ngoài công bố vào thời điểm tháng 3/2013, khi một số dự án lớn đã bắt đầu hé lộ: Samsung Thái Nguyên, 2 tỷ USD; Lọc dầu Nghi Sơn nâng vốn thêm 2,8 tỷ USD… Và ngay trước thềm Hội nghị Tổng kết 25 năm thu hút FDI (diễn ra ngày 27/3/2013), số liệu đã được công bố: quý I/2013, đã có 6,034 tỷ USD vốn FDI cấp mới và tăng thêm, tăng 63,6% so với cùng kỳ năm 2012.

Thậm chí, trước khi Hội nghị diễn ra đúng 2 ngày (ngày 25/3), Dự án Tổ hợp công nghệ cao Samsung Thái Nguyên (SEVT) đã chính thức khởi công xây dựng chỉ sau 6 ngày nhận chứng nhận đầu tư. Một món quà thật ý nghĩa cho Việt Nam vào thời điểm nhìn lại 25 năm thu hút FDI và đó cũng là một chỉ báo cho thấy, vốn FDI đã thực sự đang quay trở lại với Việt Nam.

Và đúng là dòng vốn đang quay trở lại, khi mà năm 2013 đã ghi nhận rất nhiều dự án tỷ USD vào Việt Nam. Nếu tính thêm cả Lọc dầu Vũng Rô và việc tăng thêm vốn để có tổng vốn đăng ký trên 1,22 tỷ USD của Dự án Bridgestone (Hải Phòng), thì năm 2013, Việt Nam có 9 dự án tỷ USD – một minh chứng cho thấy sức hấp dẫn của điểm đến Việt Nam.

GS-TSKH. Nguyễn Mại, vị chuyên gia lâu năm về FDI, luôn khẳng định, vốn giải ngân mới là quan trọng, chứ không phải là vốn đăng ký. Vì thế, khi dư luận nhắc tới việc hàng loạt dự án tỷ USD đang xếp hàng vào Việt Nam với một thái độ hồ hởi, ông bảo, vẫn cứ phải nhìn vào những động thái cụ thể của các dự án.

Động thái ấy chính là việc SEVT cách đây chưa lâu đã cất nóc khu nhà máy, để tháng 2/2014 đi vào hoạt động. Là Lọc dầu Nghi Sơn đã chính thức khởi công hồi tháng 10 vừa qua. Là Samsung Bắc Ninh sau khi nâng vốn đầu tư lên 2,5 tỷ USD đã giải ngân ngay khoảng 400 triệu USD trong số vốn 1 tỷ USD tăng thêm. Là Bridgestone đang chuẩn bị đi vào hoạt động tháng 4/2014…

Rất nhiều động thái tích cực mà nếu so với 11 dự án tỷ USD được cấp chứng nhận đầu tư năm 2008, trong đó một số dự án đã bị rút giấy phép, thì năm nay, “chất” hơn hẳn.

Càng “chất” hơn nữa, khi khu vực FDI năm 2013 đã đóng góp 88,4 tỷ USD trong tổng số trên 132 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Khu vực FDI xuất siêu 14 tỷ USD, trong khi khối DN trong nước nhập siêu 13,1 tỷ USD. Khu vực FDI đã đóng góp 20% trong GDP và 22% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Những đóng góp lớn đến mức dư luận đặt câu hỏi, liệu có hay không chuyện FDI hóa nền kinh tế, chuyện DN FDI lấn át DN trong nước?

Câu trả lời là không. Mọi DN hoạt động trên đất nước Việt Nam là bình đẳng, không phân biệt đối xử. Điều quan trọng nhất chỉ là làm sao để DN trong nước mạnh lên và để DN FDI tạo sức lan tỏa lớn hơn nữa đối với nền kinh tế, với các DN nội.

Tồn tại hay không tồn tại?

Tháng 3/2013, trước thềm Hội nghị Tổng kết 25 năm FDI, khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử – Baodautu.vn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cứ luôn trăn trở, làm sao để môi trường đầu tư Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn, hấp dẫn hơn, nhất là trong bối cảnh vốn FDI vào Việt Nam đang suy giảm và các quốc gia trong khu vực đang cạnh tranh mạnh mẽ về thu hút FDI với Việt Nam. Làm sao để những lo ngại về rủi ro chính sách không còn hiện hữu trong mỗi nhà đầu tư.

Rất chia sẻ với các nhà đầu tư, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thừa nhận, một số chính sách của Việt Nam không nhất quán, thiếu đồng bộ và dễ thay đổi. Chẳng hạn, trước năm 2009, cho phép đầu tư trong các khu công nghiệp được hưởng ưu đãi thuế, nhưng sau khi có Luật Thuế thu nhập DN 2008 và Nghị định 124/2008/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật, thì quy định này lại bị bãi bỏ.

Dự án đầu tư mở rộng cũng không được ưu đãi. Vô lý không, khi chính những nhà đầu tư ở lại và mở rộng đầu tư mới là những người mà Việt Nam cần khuyến khích nhất và cần trao cho họ những chính sách ưu đãi tốt nhất.

Đau đáu này thực ra đã đeo đuổi vị lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhiều năm, khi không chỉ Samsung, mà cả Kumho, rồi Robert Bosch…, những nhà đầu tư lớn và nghiêm túc, đã nhiều lần tới thẳng bộ quản lý về FDI để hỏi rằng, vì sao dự án mở rộng lại bị cắt ưu đãi đầu tư? Nếu thế, rất có thể, chúng tôi sẽ bỏ vốn nơi khác…

Lại những thuyết phục từ Chính phủ tới các bộ, ngành… Và cuối cùng, nỗ lực đã được đền đáp, khi giữa năm vừa rồi, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập DN đã đưa vào điều khoản dự án mở rộng cũng được ưu đãi đầu tư. Ưu đãi đầu tư khu công nghiệp cũng đã được khôi phục, dù quy mô và mức độ không còn cao như trước.

Không hẳn là một bước tiến, nhưng những cải cách như vậy đã lấy lại được niềm tin của các nhà đầu tư, rằng Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành với họ, sẵn sàng tạo thuận lợi và tháo gỡ khó khăn, để làm sao Việt Nam luôn là địa điểm đầu tư và kinh doanh hàng đầu.

Tổng kết 25 năm thu hút FDI, những thông điệp quan trọng đã được Việt Nam gửi tới cộng đồng các nhà đầu tư. Rằng sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Rằng sẽ không thu hút đầu tư bằng mọi giá, mà tập trung vào các dự án FDI có chất lượng cao, công nghệ cao, thân thiện với môi trường và phù hợp với định hướng tái cấu trúc nền kinh tế của từng vùng, từng ngành và quốc gia.

Những dự án quy mô lớn, sản phẩm có sức cạnh tranh cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia sẽ được ưu tiên thu hút, từ đó xây dựng, phát triển hệ thống ngành, DN phụ trợ…

Thông điệp thôi chưa đủ, cuối tháng 8/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 103/NQ-CP về Định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý vốn FDI trong thời gian tới, nhằm hiện thực hóa các cam kết về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh với cộng đồng nhà đầu tư. Quyết tâm của Chính phủ Việt Nam đã lấy lại được niềm tin từ cộng đồng DN và các nhà đầu tư. Và 23 tỷ USD vốn đăng ký, 11,5 tỷ USD vốn giải ngân trong năm 2013 là minh chứng cho niềm tin ấy.

Và hối thúc cải cách

2013 là năm thành công của Việt Nam trong thu hút FDI. Năm 2014, kỳ vọng đang được đặt ra, khi câu trả lời từ các địa phương đều cho thấy, tình hình có thể sẽ khá hơn.

Hơn nữa, việc quyết liệt thực hiện Nghị quyết 103/NQ-CP được coi là cú hích để Việt Nam thu hút nhiều hơn nữa vốn FDI. Không chỉ là vốn đăng ký, mà một cơ chế phối hợp xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ giải ngân, nâng cao hiệu quả hoạt động của các dự án FDI.

Tuy nhiên, khó khăn, thách thức phía trước còn rất lớn, khi mà như Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã khẳng định, môi trường đầu tư của Việt Nam “có vấn đề”. Và rằng, hiện Thái Lan, Indonesia đã vượt xa Việt Nam. Thậm chí, cả Campuchia, Myanmar tới đây cũng có thể cạnh tranh rất gay gắt với Việt Nam. Bởi thế, nếu không sửa đổi, cải cách, thì không chỉ là khó cạnh tranh, Việt Nam sẽ tụt hậu.

Tháng 9/2013, Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố, Việt Nam tăng 5 bậc về xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2013-2014, đứng thứ 70/148. Như vậy, sau 2 năm tụt hạng liên tiếp, từ vị trí 59 năm 2010-2011 xuống 65 năm 2011-2012 và 75 năm ngoái, Việt Nam đã thăng hạng trở lại, bằng với mức xếp hạng năm 2008-2009.

Nhưng thứ hạng 70 còn cách xa so với vị trí số 2 của Singapore, 24 của Malaysia, 26 của Brunei, 37 của Thái Lan, 38 của Indonesia và 59 của Philippines. Trong khu vực Đông Nam Á, chỉ có Lào, Campuchia và Myanmar xếp hạng sau Việt Nam.

Rõ ràng, trong khi Việt Nam tiến 5 bậc, thì Indonesia đã tiến tới 12 bậc, Philippines 6 bậc. Các quốc gia còn lại như Thái Lan, Brunei, Malaysia… đều thăng hạng, dù thăng ít, nhưng xếp hạng năng lực cạnh tranh của các quốc gia này đang ở mức cao.

Đây là lời cảnh báo và là sự hối thúc cải cách với Việt Nam. Không cải cách là tụt hậu, là thất bại, là thua thiệt.

Việt Nam chẳng phải là cô gái đẹp duy nhất trong khu vực. Và con số 23 tỷ USD năm 2013 cũng chẳng phải là bất biến. Muốn thu hút FDI một cách bền vững hơn, chẳng cách nào khác ngoài cải cách.

Theo Nguyên Đức - Báo Đầu tư