Việt Nam được quan tâm trong nhóm thị trường mới nổi
Theo đánh giá của PricewaterhouseCoopers (PwC) trong cuộc khảo sát đánh giá của các giám đốc điều hành (CEO) toàn cầu lần thứ 18, các CEO xếp Việt Nam vào top lựa chọn hàng đầu trong số các thị trường mới nổi tiếp tục có cơ hội tăng trưởng, bên cạnh Indonesia, Mexico, Columbia và Hàn Quốc.
Cuộc khảo sát của PwC đã tiến hành 1.322 cuộc phỏng vấn tại 77 quốc gia trong quý cuối năm 2014. Tính theo khu vực, 459 cuộc phỏng vấn được tiến hành ở Châu Á Thái Bình Dương, 455 ở Châu Âu, 147 ở Bắc Mỹ, 167 ở Mỹ Latinh, 49 ở Châu Phi và 45 ở Trung Đông.
Kết quả khát sát chung về kinh tế toàn cầu cho thấy, các CEO kém lạc quan về triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2015, nhưng vẫn tin tưởng vào sự tăng trưởng ổn định của doanh nghiệp mình.
Lần đầu tiên sau 5 năm Mỹ vượt Trung Quốc trở thành thị trường có triển vọng tăng trưởng quan trọng nhất.
37% số CEO được phỏng vấn cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ cải thiện trong năm 2015. Con số này giảm từ 44% theo khảo sát năm ngoái.
Tính theo khu vực, kết quả cho thấy những khác biệt lớn. Các CEO ở Châu Á – Thái Bình Dương là những người lạc quan nhất với 45% dự đoán nền kinh tế toàn cầu sẽ khởi sắc, trong đó riêng khối ASEAN tỷ lệ này lên tới 49%. Tiếp đó là khu vực Trung Đông (44%) và Bắc Mỹ (37%).
Trong khi đó, chỉ 16% CEO ở Trung và Đông Âu cho rằng nền kinh tế sẽ cải thiện. Các CEO ở các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ (59%), Trung Quốc (46%) và Mexico (42%) lạc quan hơn so với các CEO ở các nền kinh tế phát triển như Mỹ (29%) và Đức (33%).
Bất kể viễn cảnh giảm sút của kinh tế toàn cầu, 39% CEO trên thế giới vẫn “rất tin tưởng” vào triển vọng tăng trưởng doanh thu của công ty mình trong 12 tháng tới. Con số này tương tự năm 2014, tuy nhiên có tăng so với tỉ lệ 36% của năm 2013.
Các CEO ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương là những người tự tin nhất về tăng trưởng doanh thu, với tỷ lệ 45% số người được hỏi, không thay đổi so với năm ngoái.
Các CEO khu vực Trung Đông vẫn thuộc nhóm những khu vực lạc quan nhất với 44% rất tin tưởng vào tăng trưởng doanh thu, mặc dù con số này giảm đáng kể so với mức 69% của năm ngoái.
Sự tin tưởng về tăng trưởng của các CEO Bắc Mỹ đã tăng từ 33% lên đến 43%. Trong khi đó các CEO ở Tây Âu và Trung và Đông Âu ít lạc quan nhất về triển vọng tăng trưởng của công ty họ với tỉ lệ lần lượt là 31% và 30%.
So sánh giữa các quốc gia, các CEO ở Ấn Độ dẫn đầu với 62% rất tin tưởng về triển vọng tăng trưởng ngắn hạn. Các quốc gia hàng đầu khác bao gồm Mexico (50%), Mỹ (46%), Úc (43%), Anh và Nam Phi (39%), Trung Quốc (36%), Đức (35%) và Brazil (30%). Các quốc gia có các CEO ít tự tin nhất có Pháp (23%), Venezuela (22%), Italy (20%), Argentina (17%) và, nằm cuối danh sách là Nga, chỉ với 16% CEO rất tin tưởng vào tăng trưởng doanh thu năm 2015. Con số này giảm từ 53% so với năm ngoái khi mà các CEO ở Nga đã từng là nhóm có sự tin tưởng nhất trên thế giới.
Bình luận về kết quả khảo sát, ông Dennis M. Nally, Chủ tịch PricewaterhouseCoopers International cho biết, nhìn chung, các CEO vẫn thận trọng khi đánh giá triển vọng ngắn hạn của nền kinh tế thế giới, cũng như triển vọng tăng trưởng của công ty họ.
“Sự tin tưởng của CEO giảm đáng kể ở các quốc gia sản xuất dầu trên thế giới. Đó là kết quả của việc giá dầu thô giảm mạnh. Ví dụ, các CEO ở Nga đã từng tin tưởng nhất trong khảo sát năm ngoái, nhưng lại ít tin tưởng nhất trong năm nay. Tin tưởng cũng giảm sút ở các CEO Trung Đông, Venezuela, và Nigeria”, ông Dennis M. Nally bình luận.
Các CEO cho rằng Mỹ sẽ là thị trường quan trọng nhất giúp đạt được mục tiêu tăng trưởng trong 12 tháng tới. 38% CEO cho biết Mỹ là một trong 3 thị trường nước ngoài có tiềm năng tăng trưởng của họ, so với 34% chọn Trung Quốc, 19% chọn Đức, 11% chọn Anh và 10% chọn Brazil.
Trong số các thị trường mới nổi tiếp tục có cơ hội tăng trưởng theo đánh giá của các CEO, Việt Nam là một trong những lựa chọn hàng đầu.
Một phần ba các CEO trên thế giới chia sẻ công ty họ gần đây đang đầu tư vào một hoặc nhiều lĩnh vực mới trong ba năm qua, và hơn một nửa (56%) tin rằng ngày càng nhiều các doanh nghiệp sẽ mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực mới trong ba năm tới.
Các CEO cho rằng sự cạnh tranh lớn nhất đang và sẽ hình thành từ các lĩnh vực công nghệ (32%), phân phối (bán lẻ, bán buôn) (19%), và thông tin liên lạc, giải trí và truyền thông (6%).
Các CEO cũng sử dụng chiến lược liên doanh, liên minh và hợp tác kinh doanh để nâng cao lợi thế cạnh tranh, thông qua việc hợp tác với nhà cung cấp (41%), khách hàng (41%), và giới học viện (32%). Các lý do hàng đầu cho việc hợp tác là tiếp cận các khách hàng mới, các công nghệ mới nổi, thị trường mới và đổi mới.
Một nửa các CEO trên thế giới chia sẻ họ sẽ tăng số lượng nhân viên trong 12 tháng tới, trong đó 21% cho biết sẽ cắt giảm nhân sự (con số này tương tự năm ngoái).
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt