Thứ Hai, 28/03/2016 10:59:56 (GMT+7)

Việt Nam – điểm giao thoa kết nối các thị trường

Rất nhiều nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực dệt may trên thế giới đã và đang chuyển chuỗi sản xuất sang Việt Nam, tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Việt Nam – điểm giao thoa kết nối các thị trường

Doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội để phát triển thị trường. Ảnh: Đức Thanh

Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), ông Lê Tiến Trường chia sẻ, dòng chảy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam như thế nào hoàn toàn do thị trường quyết định. Vốn FDI vào Việt Nam gia tăng  trong vài năm qua đã cho thấy, dệt may Việt Nam đang là địa chỉ đầu tư có lợi cho doanh nghiệp nước ngoài.

“Chúng ta có kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, nhưng nếu ngành nghề đó, lĩnh vực đó không có có tiềm lực, không có tương lai, thì cũng chẳng thu hút được nhà đầu tư nào. Đổi lại, không cần kêu gọi nhiều, nếu ngành nghề đó có tương lai kinh doanh sáng sủa, thì tự khắc doanh nghiệp sẽ đầu tư”, ông Trường nhấn mạnh.

Dẫn chứng được ông Trường đưa ra là, ngay trong tháng đầu năm 2016, một doanh nghiệp FDI là Công ty TNHH Maple (Singapore) đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án Nhà máy sản xuất trang phục tại Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) Bắc Ninh, với tổng vốn đầu tư đăng ký 110 triệu USD, quy mô sản xuất 22 triệu sản phẩm/năm.

Lãnh đạo Công ty TNHH Maple cho biết, hội nhập mạnh mẽ của Việt Nam và ngành dệt may đang có lợi thế về xuất khẩu là những lý do để Maple đầu tư nhà máy tại Bắc Ninh nhằm tận dụng cơ hội.

Sau nhiều năm hội nhập, đến thời điểm này, dệt may Việt Nam đang là đối tượng cạnh tranh, níu kéo của các quốc gia sản xuất dệt may trên thế giới. Các doanh nghiệp dệt may đã tận dụng tốt cơ hội phát triển thị trường, thu hút dòng vốn từ nước ngoài nhằm mở rộng quy mô của ngành.

Hoạt động nhiều năm trong ngành dệt may, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần May Hưng Yên (Hugaco) cho biết, chưa bao giờ thấy vốn FDI vào ngành lớn như hiện nay.

Cả năm 2015 thu hút trên 2 tỷ USD vốn FDI – mức cao nhất từ trước tới nay.

Trong khi đó, theo số liệu của Vitas, cả giai đoạn 1988 – 2012, toàn ngành dệt may thu hút được 1.551 dự án, trong đó 1.193 dự án may, 358 dự án sợi dệt, với tổng vốn đầu tư khoảng 3,5 tỷ USD.

Dòng chảy của dòng vốn FDI vào dệt may càng mạnh hơn khi Việt Nam tiến sâu vào sân chơi hội nhập, trong đó dệt may là ngành hội nhập sớm.

Có thể thấy, việc Việt Nam ký kết Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) năm 2000 đã đem lại những tác động tích cực, mở ra thị trường rộng lớn cho ngành dệt may, khiến các dự án đầu tư vào ngành này tăng vọt.

Tiếp sau đó, sự kiện Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007 và việc ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) năm 2008… đã thực sự lôi kéo các nhà đầu tư nước ngoài đến với ngành dệt may Việt Nam.

Từ đó, tốc độ gia tăng xuất khẩu ngành dệt may có sự cải thiện mạnh mẽ. Nếu năm 2003, kim ngạch xuất khẩu của ngành này mới dừng ở 3,6 tỷ USD, thì sang năm 2004 đạt 4,3 tỷ USD, đến 2011 đạt 15,8 tỷ USD, tăng lên 21,092 tỷ USD vào 2013 và kết thúc 2015 với 27 tỷ USD. Sự tăng tốc nhanh chóng của xuất khẩu dệt may có sự đóng góp mạnh mẽ của khối doanh nghiệp FDI, chiếm khoảng 70% tổng giá trị xuất khẩu.

Tại sự kiện “Đối thoại TPP: Cơ hội nào cho doanh nghiệp tại Việt Nam?” tổ chức mới đây, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, cơ hội cũng đến như xung lực mới cho các nhà đầu tư nước ngoài. Với ngành dệt may, Việt Nam trở thành điểm giao thoa duy nhất kết nối với tất cả các thị trường, nên sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài chắc chắn sẽ tăng thêm và họ sẽ nhìn vào Việt Nam như địa điểm để tiếp cận các thị trường lớn.

“Rất nhiều nhà đầu tư lớn đã di chuyển chuỗi sản xuất sang Việt Nam trong thời gian qua và Việt Nam có cơ hội để tham gia và trở thành người cung ứng của chuỗi đó”, ông Khánh nhấn mạnh.

Theo Thế Hải - Báo đầu tư