Việt Nam có thể tiến tới bậc thang cao của phát triển?
Dưới tựa đề “Một con hổ châu Á khác” (bài không ghi tên tác giả cụ thể), báo The Economist (Nhà kinh tế) của Anh hôm 6/8/2016 nhận định nếu kiên trì với chính sách mở cửa, luôn đổi mới sáng tạo và mềm dẻo Việt Nam không những có thể bước lên nấc thang phát triển mà còn trở thành “mô hình của những nước nghèo có thể tiến tới bậc thang cao của phát triển”.
Bài báo đã đặt câu hỏi cụ thể: Đất nước nào đã tăng trưởng vượt bậc trong 1/4 thế kỷ qua, giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo? Nền kinh tế châu Á nào, với nông nghiệp vẫn là nền tảng, lại trở thành động lực của khu vực trong thập kỷ tới? Phần lớn trả lời “Trung Quốc” cho câu hỏi đầu tiên và “Ấn Độ” cho câu hỏi thứ hai. Nhưng những câu trả lời này đã bỏ qua một đất nước, đang thoát ra khỏi cái bóng của thành tựu quá khứ, để vươn tới hứa hẹn của tương lai. Đó là Việt Nam.
Liệu cái nhìn của một tạp chí kinh tế có uy tín trên thế giới có giúp chúng ta -người trong cuộc – một chút tự tin khi tác giả bài báo đưa lên bàn cân so sánh tương quan giữa Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ và các nước láng giềng Đông Nam Á như Thái Lan và Indonesia.
“Việt Nam, với dân số trên 90 triệu đã ghi tên mình với tỉ lệ tăng trưởng bình quân đầu người nhanh thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc, kể từ năm 1990”, The Economist viết.
Bài báo cho rằng nếu Việt Nam giữ tốc độ tăng 7% (hiện nay trên 6%) trong 10 năm tới thì nó sẽ theo một đường “đạn đạo” của các “con hổ châu Á” khác trước đó như Hàn Quốc. Đó hoàn toàn là thành tựu của một đất nước mà vào thập niên 80 thế kỷ trước mới nổi lên sau chiến tranh và nghèo như Ethiopia – nền kinh tế nghèo nhất châu Phi, và thế giới.
The Economist cho rằng Việt Nam không có lợi thế của một nền kinh tế đất liền rộng lớn như Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng bài học của Việt Nam (cho các nước đang phát triển khác, nhất là các nước châu Á) lại dễ áp dụng hơn nhiều. Đó là, theo tác giả, Việt Nam đã thành công trong việc vượt qua rào cản tâm lý tự ti mặc cảm về trình độ công nghệ lạc hậu của mình. Việc mạnh dạn áp dụng tự động hóa trong các nhà máy đã giúp một nước nghèo như Việt Nam có thể trỗi dậy từ nền sản xuất dựa vào lao động. Việt Nam đã cho thấy mô hình “dám thử và dám thất bại” có thể mang lại hiệu quả.
Việc Việt Nam mở cửa hội nhập với kinh tế toàn cầu đã được tưởng thưởng. Một điều khiến ngạc nhiên vì bài báo cho rằng: Việt Nam có lợi thế khi biết cách “chào đón” những công ty đa quốc gia sớm thất vọng khi đầu tư vào Trung Quốc, muốn kiếm một nơi ít nhất có giá lao động thấp hơn. Ý kiến này khiến nhà bình luận bất bình, nhưng kinh tế là thực tế, “giá thấp” vẫn là “ưu tiên” của Việt Nam trên “bàn cân” của các nhà đầu tư thực dụng. Chúng ta có thể vươn lên thành “con hổ”, “con rồng” hay… cũng từ thực tế và nhận thức rất rõ thực tế đó. Tất cả cái gì gọi là “viển vông” sẽ bị phủ nhận.
So với các nước Đông Nam Á khác, Việt Nam biết nắm lấy cơ hội đó hơn (có thể vì nghèo hơn?), khi điều chỉnh các thể chế ngày càng thông thoáng, đơn giản hơn và gần hơn các tiêu chuẩn quốc tế. Tác giả đánh giá cao việc “Chính phủ không cho phép quan chức buộc nhà đầu tư nước ngoài mua nguyên vật liệu trong nước như Indonesia”. Hiện nay, chúng ta không “áp đặt” nhưng khuyến khích các công ty trong nước tăng cường đầu tư vào sản xuất công nghiệp phụ trợ, tạo một chuỗi cung ứng tiện lợi và chất lượng cho các nhà đầu tư nước ngoài, muốn sản phẩm của họ được ghi “made-in-Vietnam”. Hiện nay 3/4 hàng xuất khẩu của Việt Nam là do các công ty đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sản xuất. Bất luận thế nào, đó là thành tựu của kinh tế Việt Nam.
Tác giả cũng đánh giá cao tính mềm dẻo và linh động của nền kinh tế Việt Nam. Đây là tính cách có thể còn nhận nhiều ý kiến phản biện từ các nhà quan sát trong nước, tuy vậy, chính sự linh động này tạo điều kiện cạnh tranh giữa các địa phương cấp tỉnh của chúng ta.
Dần dần các tỉnh sẽ vươn lên bằng con đường riêng và lợi thế riêng. Nếu TPHCM dẫn đầu bởi các khu công nghiệp hiện đại, thì Đà Nẵng – dưới cái nhìn của tác giả – đang tập trung vào các công viên công nghệ cao và các tỉnh phía bắc đang chuẩn bị cho những nhà máy chạy ra khỏi Trung Quốc. Nói chung Việt Nam đang đi theo mô hình một nền kinh tế đa dạng có khả năng chống lại các cuộc khủng hoảng kinh tế chu kỳ, trong đó có “bong bóng” bất động sản năm 2011.
Việt Nam cũng đang nhận ra hướng đi đúng của nền kinh tế, mà yếu tố quan trọng nhất không chỉ là vốn mà còn là giáo dục. “Các học sinh độ tuổi 15 của Việt Nam có trình độ toán và khoa học ngang bằng với học sinh đồng lứa ở Đức”, tác giả nhận xét. Đầu tư giáo dục nhằm phục vụ các cơ hội việc làm tương lai tại các nhà máy, công ty. Mặc dù các dây chuyền phải tự động hóa, nhưng máy móc cần con người vận hành. Tác giả cho rằng Việt Nam đang đào tạo các kỹ năng nghề nghiệp đúng hướng, trong khi đó Thái Lan, Malaysia và Indonesia bị tụt hậu, mặc dù giàu có hơn.
Nếu Việt Nam kiên trì với chính sách mở cửa, luôn đổi mới sáng tạo và mềm dẻo như tác giả bài báo nhận định thì chúng ta không những có thể bước lên nấc thang phát triển mà còn trở thành “mô hình của những nước nghèo có thể tiến tới bậc thang cao của phát triển”.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt